CBT: Bạn có thể làm gì để những buổi điều trị thành công hơn?

Tham gia các buổi điều trị tâm lý không đơn giản như cộng đồng thường hình dung. Thường thì đó sẽ không phải là một buổi để bạn chỉ đến khóc lóc và nhận được lời khuyên. Các buổi điều trị tâm lý, đặc biệt là CBT, đòi hỏi nhiều hơn thế. Có một số điều bạn nên biết và tuân thủ để không bị bất ngờ khi đến điều trị và giúp cho quá trình điều trị thành công hơn.

1. Các bước trong CBT

Đầu tiên, hãy cùng nhau hình dung bạn sẽ cùng tâm lý gia làm những gì khi điều trị theo CBT. Một tiến trình CBT thường sẽ gồm 4 bước:

Các bước trong CBT

1.1 Xác định các vấn đề bạn đang gặp phải.

  • Ví dụ: căn bệnh thể chất và tinh thần bạn đang chịu đựng, tình trạng ly hôn, sự mất mát người thân hoặc những cơn giận dữ không kiểm soát…
  • Bạn và nhà trị liệu có thể dành thời gian để lựa chọn những vấn đề và mục tiêu bạn muốn tập trung vào.

1.2 Dần dần nhận biết những suy nghĩ, cảm xúc và niềm tin của bạn về những vấn đề đó.

  • Khi bạn đã xác định được các vấn đề cần giải quyết, chuyên gia trị liệu sẽ khuyến khích bạn chia sẻ suy nghĩ của mình về chúng.
  • Những suy nghĩ này có thể bao gồm cách bạn tự nói chuyện với bản thân, cách bạn diễn giải ý nghĩa và niềm tin của bạn.
  • Nhà trị liệu có thể đề nghị bạn ghi nhật ký để dễ theo dõi những suy nghĩ này.

1.3 Xác định kiểu suy nghĩ tiêu cực hoặc chưa phù hợp.

Một số mô thức suy nghĩ có thể tạo ra vấn đề hoặc làm vấn đề có sẵn trầm trọng hơn. Để giúp bạn nhận ra các kiểu suy nghĩ và hành vi chưa phù hợp, nhà tâm lý có thể yêu cầu bạn quan sát cách bạn phản ứng về thể chất, cảm xúc và hành vi trong các tình huống khác nhau.

1.4 Định hình lại suy nghĩ tiêu cực hoặc không chính xác.

  • Chuyên gia trị liệu có thể sẽ khuyến khích bạn tự đánh giá xem liệu quan điểm của bạn về các vấn đề đó có dựa trên thực tế khách quan hay dựa trên nhận thức không chính xác về những gì đang diễn ra.
  • Bước này có thể khó khăn. Vì lẽ đương nhiên, ai cũng mặc định là mình đúng và luôn tìm dẫn chứng để bảo vệ niềm tin này. Việc nhìn nhìn lại và thừa nhận mình chưa chính xác là điều không dễ.
  • Sau đó, nhà trị liệu có thể cùng bạn xác định những suy nghĩ, cảm xúc, niềm tin phù hợp hơn, khách quan hơn. Từ đó, cả hai có thể đề nghị những hành vi đem lại nhiều lợi ích hơn trong từng tình huống cụ thể.
  • Các hành vi hay lối suy nghĩ này sẽ được đưa vào cuộc sống của bạn bằng các bài tập về nhà mà tâm lý gia đề nghị bạn thực hiện.

2. Thời gian trị liệu

CBT thường được coi là liệu pháp ngắn hạn (chỉ từ khoảng 5 đến 20 buổi). Bạn và nhà trị liệu có thể thảo luận về lộ trình điều trị cụ thể. Các yếu tố cần xem xét bao gồm:

Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Sức khỏe tâm thần, tải ngay ứng dụng YouMed.

  • Loại rối loạn hoặc vấn đề bạn gặp phải
  • Mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng
  • Các triệu chứng hay vấn đề đã tồn tại bao lâu
  • Bạn tiến bộ nhanh như thế nào qua các buổi điều trị
  • Bạn đang phải chịu đựng bao nhiêu áp lực
  • Bạn nhận được hỗ trợ như thế nào từ các thành viên gia đình và những người khác

3. Vấn đề Bảo mật

Các cuộc trò chuyện với nhà tâm lý luôn được bảo mật. Ngoại trừ các trường hợp cụ thể được quy định trong đạo đức hành nghề và pháp luật như sau:

  • Nguy cơ thân chủ làm tổn hại thân thể hoặc gây nguy hiểm tính mạng của mình
  • Nguy cơ thân chủ làm tổn hại thân thể hoặc gây nguy hiểm tính mạng cho người khác
  • Thân chủ lạm dụng trẻ em hoặc người lớn thuộc nhóm dễ bị tổn thương (người khuyết tất, chậm phát triển trí tuệ, bệnh nhân tâm thần mất khả năng tự quyết…)
  • Thân chủ không thể tự chăm sóc bản thân một cách an toàn.

Trong các tình huống này, tâm lý gia có trách nhiệm thông báo đến những người có liên quan, bao gồm người giám hộ, người thân và chính quyền. Vấn đề khi nào được phép thông báo và thông báo cho ai sẽ được bàn bạc với bạn trong buổi đầu tiên và được ghi rõ trong văn bản chấp thuận điều trị.

4. Các kết quả CBT mang lại

Liệu pháp hành vi nhận thức có thể không chữa khỏi hoàn toàn tình trạng của bạn hoặc làm cho một tình huống khó chịu biến mất. Nhưng các buổi làm việc có thể cung cấp cho bạn sức mạnh và kỹ năng để đối phó với tình huống gặp phải một cách lành mạnh. Thêm vào đó, bạn có thể sẽ cảm thấy tốt hơn về bản thân, những người xung quanh và cuộc sống của mình.

5. Tận dụng tối đa CBT

CBT không hiệu quả cho tất cả mọi người và tất cả mọi trường hợp. Nhưng bạn có thể thực hiện một số điều để tận dụng tối đa liệu pháp của mình và làm cho nó thành công hơn.

5.1 Tiếp cận trị liệu với tâm thế là một đối tác của nhà tâm lý.

Trị liệu có hiệu quả nhất khi bạn là người tham gia tích cực và chia sẻ ý kiến trong việc ra quyết định. Hãy chắc chắn rằng bạn và nhà trị liệu đồng ý về các vấn đề quan trọng và cách giải quyết chúng. Cùng nhau, cả hai có thể đặt mục tiêu và đánh giá tiến bộ theo thời gian.

5.2 Hãy cởi mở và trung thực.

Thành công của trị liệu phụ thuộc vào sự sẵn sàng chia sẻ suy nghĩ, cảm xúc và trải nghiệm của bạn. Từ đó nhà tâm lý mới có nguyên liệu để mở ra những hiểu biết và cách làm mới. Nếu bạn không muốn nói về những điều nhất định vì cảm xúc đau đớn, bối rối hoặc sợ hãi, hãy cho tâm lý gia biết.

5.3 Bám sát kế hoạch điều trị của bạn.

Nếu cảm thấy suy sụp hoặc thiếu động lực, bạn có thể có mong muốn bỏ qua các buổi trị liệu. Nhưng làm như vậy sẽ khiến tiến trình điều trị bị gián đoạn. Đôi khi hậu quả là phải bắt đầu lại từ đầu, dẫn đến chán nản và chấm dứt điều trị. Hãy kỷ luật hiện diện ở tất cả các phiên và tích cực tham gia thảo luận cùng nhà trị liệu.

Bám sát kế hoạch điều trị của bạn.

5.4 Đừng mong đợi kết quả ngay lập tức.

Làm việc trên các vấn đề cảm xúc có thể gây đau đớn và thường đòi hỏi sự kiên trì. Không có gì lạ khi bạn cảm thấy tồi tệ hơn sau những buổi đầu tiên, vì đó là khi bạn bắt đầu đối mặt với những xung đột trong quá khứ và hiện tại. Bạn có thể cần một vài phiên trước khi thấy được sự cải thiện.

5.5 Làm bài tập về nhà.

Nếu nhà trị liệu của bạn yêu cầu bạn đọc, viết nhật ký hoặc thực hiện các hoạt động khác ngoài các buổi trị liệu, hãy làm theo. Thực hiện các bài tập về nhà này sẽ giúp bạn áp dụng những gì bạn đã học được trong các buổi trị liệu. CBT sẽ hoàn toàn vô ích nếu bạn không áp dụng được cách suy nghĩ và hành động mới vào trong cuộc sống.

5.6 Thảo luận cởi mở về kết quả điều trị.

Nếu trị liệu không có ích dù bạn đã kiên trì trong thời gian dài, hãy nói chuyện với nhà liệu của bạn. Bạn và nhà trị liệu có thể quyết định thực hiện một số thay đổi hoặc thử một cách tiếp cận khác.

CBT là một trong những cách điều trị hiệu quả và giải quyết được nhiều vấn đề. Nhưng có hai điều bạn cần nhớ là CBT không giải quyết được tất cả các trường hợp và thường thì CBT không có hiệu quả từ những buổi đầu tiên. Mấu chốt thành công của CBT là tham gia thảo luận tích cực trong buổi làm việc và thực hiện đầy đủ Bài Tập Về Nhà.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *