Bệnh giả u não: Nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị

Bệnh giả u não xảy ra khi áp lực nội sọ tăng không có nguyên nhân. Còn được gọi là tăng áp lực nội sọ nguyên phát. Triệu chứng giả u não giống với u não thật sự. Tăng áp lực nội sọ gây phù dây thần kinh thị và mất thị lực. Làm thế nào để chẩn đoán và điều trị bệnh lý này? Hãy theo dõi bài viết dưới đây của Bác sĩ của chúng tôi để có được những thông tin hữu ích nhất.

>> Xem thêm: U não liệu có thật sự là căn bệnh nan y  

Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ của chúng tôi

Triệu chứng của Giả u não gồm những gì?

  • Thường xuyên đau đầu dữ dội, đau sau mắt
  • Nghe thấy tiếng vù vù trong đầu, đập theo mạch
  • Buồn nôn, nôn hoặc chóng mặt
  • Mất thị lực
  • Có các giai đoạn mù trong vài giây ở một hoặc hai mắt
  • Khó nhìn sang một bên
  • Nhìn đôi
  • Thấy các chớp sáng
  • Đau cổ, vai và lưng

Thỉnh thoảng, các triệu chứng đã ngưng có thể tái phát sau nhiều tháng hoặc nhiều năm.

Giả u não có thể thường xuyên đau đầu dữ dội

Nguyên nhân gây ra Giả u não là gì?

Nguyên nhân của giả u não vẫn chưa được biết rõ. Nếu xác định được nguyên nhân, thì tình trạng giả u này được gọi là tăng áp lực nội sọ thứ phát.

Não và tủy sống được bao quanh bởi dịch não tủy, giúp hạn chế chấn thương do va chạm. Dịch não tủy được tiết ra ở não và cuối cùng được hấp thu vào mạch máu ở một mức độ hằng định. Tăng áp lực nội sọ trong giả u não có thể do rối loạn trong quá trình hấp thu dịch não tủy.

Yếu tố nguy cơ của Giả u não là gì?

Béo phì

Phụ nữ béo phì ở độ tuổi sinh đẻ có nguy cơ cao mắc bệnh giả u não.

Thuốc

Các chất gây tăng áp lực nội sọ thứ phát bao gồm:

  • Hormon tăng trưởng
  • Kháng sinh tetracycline
  • Vitamin A quá mức

Bệnh lý

Các tình trạng gây tăng áp lực nội sọ thứ phát bao gồm:

  • Bệnh Addison
  • Thiếu máu
  • Rối loạn đông máu
  • Bệnh thận
  • Lupus
  • Hội chứng buồng trứng đa nang
  • Ngưng thở khi ngủ
  • Suy tuyến cận giáp

4. Giả u não gây ra biến chứng gì?

Một số trường hợp giả u não gây giảm thị lực và dần có thể dẫn đến mù lòa.

Biến chứng của giả u não có thể dẫn đến mức độ nghiêm trọng như mù lòa

Chẩn đoán Giả u não bằng cách nào?

Để chẩn đoán giả u não, bác sĩ sẽ khai thác các triệu chứng và tiền căn bệnh lý, kết hợp với khám lâm sàng và xét nghiệm.

Khám mắt

Nếu nghi ngờ giả u não, khám mắt để tìm dấu hiệu phù gai thị.

Khám thị trường để tìm các điểm mù bất thường. Ngoài ra, có thể xét nghiệm hình ảnh học mắt để đo độ dày của võng mạc (chụp cắt lớp võng mạc).

Hình ảnh học sọ não

Chụp MRI hoặc CT scan sọ não để loại trừ các bệnh lý khác gây ra triệu chứng tương tự. Chẳng hạn như u não và huyết khối.

Chọc dò tủy sống

Giúp đo áp lực nội sọ và phân tích dịch não tủy. Thủ thuật này sử dụng một cây kim đưa vào giữa 2 đốt sống thắt lưng và lấy một lượng nhỏ dịch não tủy ra để đem đi xét nghiệm.

Khám mắt để chẩn đoán giả u não

Điều trị bệnh Giả u não như thế nào?

Mục tiêu điều trị bệnh là cải thiện triệu chứng và giữ cho thị lực không giảm nữa.

Nếu bạn bị béo phì, bác sĩ có thể đề nghị chế độ giảm cân ít natri để cải thiện triệu chứng.

Thuốc

  • Thuốc điều trị glaucoma. Một trong những thuốc được sử dụng đầu tiên là acetazolamide. Giúp giảm tiết dịch não tủy và giảm triệu chứng. Tác dụng phụ bao gồm đau dạ dày, mệt mỏi, tê ngứa ngón tay, ngón chân và miệng, sỏi thận.
  • Các thuốc lợi tiểu khác. Nếu acetazolamide không hiệu quả sẽ kết hợp thêm một thuốc lợi tiểu khác, giúp làm giảm lượng dịch bằng cách tăng lượng nước tiểu.
  • Thuốc điều trị migraine. Các thuốc này đôi khi có thể làm giảm đau đầu nặng trong giả u não.

Phẫu thuật

Nếu thị lực bị giảm, phẫu thuật giảm áp lực quanh thần kinh thị hoặc giảm áp lực nội sọ là cần thiết.

  • Mở bao thần kinh thị. Trong phương pháp này, phẫu thuật viên sẽ tạo một cửa sổ trên bao thần kinh thị để cho dịch thoát ra ngoài. Thị lực thường sẽ ổn định hoặc cải thiện hơn. Hầu hết người bệnh điều trị một bên mắt đều cho kết quả tốt ở cả hai mắt. Tuy nhiên, phương pháp này không phải lúc nào cũng thành công và cũng có thể làm nặng thêm các vấn đề về thị lực.
  • Tạo shunt. Đưa một ống dài, nhỏ (shunt) vào não hoặc tủy sống thắt lưng để dẫn lưu dịch não tủy. Ống dẫn lưu sẽ được để dưới da và thông đến bụng. Thường chỉ đặt shunt khi tình trạng sức khỏe ổn định. Tác dụng phụ bao gồm tắc ống dẫn lưu, đau đầu nhẹ và nhiễm trùng.
  • Đặt stent xoang tĩnh mạch. Hiếm khi được sử dụng. Stent sẽ được đặt vào tĩnh mạch lớn trong sọ để làm tăng khả năng lưu thông máu. Cần nhiều nghiên cứu hơn để xác định lợi ích và nguy cơ của thủ thuật này.

Khi bạn có giả u não, bạn cần phải đi khám mắt thường xuyên để theo dõi những thay đổi trong diễn tiến bệnh

Lối sống

Béo phì làm tăng đáng kể nguy cơ mắc phải bệnh ở phụ nữ. Ngay cả ở phụ nữ không bèo phì, tăng cân vừa phải cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh.

Giảm cân và duy trì cân nặng hợp lý có thể làm giảm nguy cơ mắc chứng rối loạn thị giác này.

Thay đổi lối sống lành mạnh để giảm nguy cơ mắc bệnh

Giả u não có thể xảy ra ở cả trẻ em và người lớn, nhưng thường gặp ở phụ nữ béo phì và trong độ tuổi sinh đẻ. Điều trị thuốc giúp làm giảm áp lực nội sọ và giảm đau đầu. Tuy nhiên trong một số trường hợp cần phải phẫu thuật. Nếu bạn có các triệu chứng của bệnh, hãy liên hệ bác sĩ ngay để được khám và điều trị kịp thời.

>> Xem thêm: Khối u não và nên chuẩn bị gì  

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *