Chất lượng cuộc sống càng ngày được nâng cao, tuổi thọ trung bình ngày càng tăng lên kéo theo đó là sự xuất hiện của các bệnh lý tuổi già nhiều hơn. Bệnh Alzheimer là một trong số đó, có lẽ tên gọi “bệnh lú lẫn” nghe sẽ quen thuộc hơn với mọi người. Vậy bệnh có biểu hiện như thế nào, điều trị ra sao? Cùng đọc bài viết bày để hiểu hơn về bệnh nhé.
Cách nhận biết bệnh Alzheimer
Ban đầu các triệu chứng của bệnh Alzheimer thường là nhẹ, nhưng khi các tế bào não bị tổn thương theo thời gian. Chúng trở nên tồi tệ hơn và bắt đầu ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của người bệnh. Điều này khiến triệu chứng bệnh khác hẳn với các hành vi, suy nghĩ chậm chạp, hay quên của tuổi già bình thường.
Người bệnh Alzheimer không ai có toàn bộ triệu chứng giống nhau hoàn toàn. Phần lớn, triệu chứng đầu tiên xuất hiện là gặp khó khăn để nhớ những thông tin hay những sự kiện gần đây. Có thể sự việc mới xảy ra cách đây vài phút hay vài ngày, người bệnh đã quên.
Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ của chúng tôi
Chính vì thế người mắc Alzheimer thường hay:
- Mất đồ (như chìa khóa, kính) hoặc để quên đồ ở những nơi rất kì lạ như điện thoại để trong tủ lạnh…
- Quên tên bạn bè, người thân hoặc rất khó khăn để tìm từ đúng trong khi nói chuyện.
- Không nhớ đã nói những gì, thường xuyên lặp lại một nội dung nói chuyện.
- Bị lạc ở nơi rất quen thuộc, đã đi nhiều lần.
Trong khi đó, ở giai đoạn đầu trí nhớ về những kí ức xa xưa, người bệnh vẫn còn nhớ tốt, nhưng khi bệnh diễn tiến nặng lên, bệnh nhân sẽ quên hết, ngay cả trí nhớ xa.
Ngoài mất trí nhớ, bệnh có triệu chứng nào?
Ngoài vấn đề về trí nhớ, người bệnh Alzheimer cũng gặp khó khăn trong cách suy nghĩ, nói chuyện, thực hiện các công việc.
Ví dụ như:
- Lời nói – lặp lại lời nói của chính mình hoặc rất khó khăn để theo dõi, hiệu nội dung cuộc nói chuyện.
- Khả năng phán đoán ước tính trong không gian ba chiều bị sai lệch, khiến cho việc đi lên đi xuống cầu thang, hoặc đậu xe trở nên “khó nhằn”.
- Khả năng tập trung, lên kế hoạch, tổ chức bị suy giảm. Người bệnh dành rất nhiều thời gian để ra quyết định, thực hiện lựa chọn hay hoàn thành một công việc gồm nhiều bước quen thuộc như nấu ăn, giặt đồ.
Bên cạnh đó, cảm xúc của người bệnh Alzheimer cũng rất dễ thay đổi, đang vui, bỗng chốc buồn rầu, lo sợ hoặc cáu gắt. Hành vi cũng vậy, đang cười nói vui vẻ, bỗng chốc trở nên bứt rứt đi lại nhiều hoặc thậm chí kích động muốn đánh người, giấc ngủ với bị xáo trộn.
Càng về sau các triệu chứng dần trở nên nặng hơn và có thể xuất hiện các triệu chứng khác. Một số người bắt đầu tin những điều không có thật (hoang tưởng) ví dụ như tin rằng con cái đang nói xấu tìm cách đầu độc mình, hoặc người lạ muốn lấy trộm đồ. Hoặc thường nghe/nhìn thấy những điều thực sự đang không có trước mặt bệnh nhân (ảo giác).
Dần dần họ không còn tự ăn, tự đi lại, tự vệ sinh được nữa và người bệnh cần giúp đỡ trong tất cả các hoạt động hàng ngày của họ. Chính những thay đổi này khiến cho không chỉ bản thân người bệnh mả cả người chăm sóc cũng cảm thấy trở nên mệt mỏi, bất lực. Do đó, nếu bạn cần sự giúp đỡ có thể yêu cầu sự hỗ trợ từ bác sĩ tâm thần hoặc đội ngũ tư vấn tâm lý.
Xét nghiệm giúp chẩn đoán bệnh Alzheimer chính xác?
Cho đến thời điểm hiện tại không có một xét nghiệm đơn độc nào để chẩn đoán bệnh Alzheimer.
Thông thường các bác sĩ sẽ hỏi về các triệu chứng của bệnh nhân, tình trạng bệnh lý của bản thân bệnh nhân, gia đình, thăm khám, thực hiện các bài kiểm tra. Loại trừ các bệnh lý cấp tính có thể nguy hiểm tới tính mạng như nhiễm trùng hệ thần kinh, u não hoặc các bệnh lý có triệu chứng tương tự khác như thiếu hụt vitamin, bệnh lý tuyến giáp, trầm cảm thông qua các xét nghiệm chuyên biệt.
Chụp MRI (cộng hưởng từ) hoặc CT (cắt lớp vi tính) có thể giúp loại trừ u não, tai biến mạch máu não. Với người bệnh Alzheimer trên phim chụp có thể thấy một số cấu trúc liên quan đến trí nhớ bị teo nhỏ.
Ngoài ra, với nền y học hiện đại có thể làm các xét nghiệm về gene để xác định các bất thường liên quan đến bệnh, hỗ trợ chẩn đoán.
Nếu tôi bị Alzheimer, tôi có thể sống bao lâu?
Trung bình, một người sau khi được chẩn đoán có thể sống được khoảng 10 năm, phản ánh bệnh nhân mắc bệnh khi tuổi đã cao chứ không phải do diễn tiến bệnh. Có những người bệnh có thể sống chung với bệnh lâu đến 20 năm.
Bệnh Alzheimer điều trị như thế nào?
Cho đến hiện tại chưa có một loại thuốc trên thị trường có thể điều trị khỏi bệnh Alzheimer hoàn toàn. Chúng có thể làm giảm tạm thời các triệu chứng hoặc làm chậm tiến triển bệnh.
Người chăm sóc làm gì để giúp đỡ bệnh nhân Alzheimer?
Bên cạnh đó bệnh nhân cũng rất cần những hỗ trợ không thuốc khác, mà người chăm sóc có thể giúp ích, ví dụ:
Tạo lập các thói quen hoặc sử dụng hộp thuốc hàng ngày có thể cải thiện một số vấn đề do mất trí nhớ gây ra.
Giữ tinh thần, thể chất khỏe mạnh, tham gia các hoạt động xã hội ưa thích có thể có tác động rất tích cực đến một người mắc bệnh Alzheimer. Đó có thể là:
- Tập thể dục thường xuyên như bơi lội, đi bộ hoặc thái cực quyền.
- Rèn luyện trí óc bằng cách đọc hoặc giải đố.
- Tham gia một câu lạc bộ hay nhóm để hát, nhảy, làm đồ thủ công.
Khi bệnh nặng hơn, việc hồi tưởng nói về những bức ảnh hoặc những vật thể quen thuộc có thể phù hợp hơn với người bệnh.
Theo thời gian, những thay đổi trong hành vi như kích động hoặc gây hấn trở nên dễ xảy ra hơn, đó có thể là cách người bệnh bộc lộ sự khó chịu trong cơ thể do:
- Khát, đói, quá nóng hoặc quá lạnh
- Đau
- Kích thích quá mức: ồn ào, quá sáng…
- Phản ứng quá mức: tức giận, sợ hãi, thất vọng, buồn đau….
Hiểu lý do đằng sau hành vi của người bệnh sẽ giúp ích cho người chăm sóc. Còn nếu không hiệu quả hãy đưa người bệnh đến gặp bác sĩ để được hỗ trợ.
Sa sút tâm thần do bệnh Alzheimer với biểu hiện nổi bật là mất trí nhớ, và mất khả năng thực hiện các công việc thường ngày. Các phương thức điều trị hiện tại bao gồm dùng thuốc và không dùng thuốc có thể hỗ trợ giúp bệnh nhân duy trì chất lượng cuộc sống tốt hơn. Mọi thông tin trong bài viết mang tính chất tham khảo, các bạn nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán chính xác và điều trị sớm.