Rối loạn hành vi ở trẻ là một trong số những bệnh lý thuộc chuyên khoa Tâm thần, và xảy ra ở trẻ em. Đây là một trong những rối loạn tâm thần rất phức tạp trong việc chẩn đoán và điều trị bệnh. Chính vì vậy, các bậc phụ huynh nên phát hiện sớm bệnh lý này ở trẻ để điều trị kịp thời. Bài viết sau đây của bác sĩ Nguyễn Lâm Giang sẽ trình bày rõ hơn về vấn đề này để bạn đọc tham khảo.
Rối loạn hành vi ở trẻ là gì?
Theo the U.S. Department of Health and Human Services (Bộ Y tế và Dịch vụ Con người Hoa Kỳ), rối loạn hành vi ở trẻ em được mô tả là những hành vi bất thường, bị rối loạn. Những hành vi bị rối loạn ấy xảy ra ở trẻ em và kéo dài ít nhất 6 tháng. Đồng thời gây ra các vấn đề ở gia đình, nhà trường cũng như các hoàn cảnh xã hội nhất định.1
Rối loạn hành vi là một loại rối loạn tâm thần được đặc trưng bởi các hành vi kéo dài dai dẳng. Những hành vi lặp đi lặp lại ấy không phổ biến ở những đứa trẻ ở cùng độ tuổi. Đồng thời, chúng mang tính chất bất thường, làm gián đoạn những người xung quanh và các hoạt động của trẻ.2
Ba loại rối loạn hành vi thường gặp nhất ở trẻ em đó là rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD), rối loạn thách thức chống đối (ODD) và rối loạn cư xử (CD).2 3
Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Sức khỏe tâm thần, tải ngay ứng dụng YouMed.
Tác hại khi trẻ bị rối loạn hành vi
Rối loạn hành vi không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ mà còn ảnh hưởng đến những người xung quanh trẻ. Chẳng hạn như cha mẹ, anh chị em, thầy cô, bạn bè,… Những tác hại khi trẻ bị rối loạn hành vi đó là:2 3
- Trẻ có thể tự gây hại bản thân mình bằng những hành động bộc phát, không suy nghĩ.
- Những hành động thô bạo của trẻ bị rối loạn hành vi có thể gây tổn thương, ảnh hưởng đến sức khỏe của những người xung quanh.
- Trẻ tự cô lập bản thân mình, gặp nhiều khó khăn để thích nghi với xã hội.
- Có thể gặp những rắc rối liên quan đến pháp luật, hình sự. Nguyên nhân xuất phát từ các hành vi gây gổ, đánh nhau, chống đối,…
Nguyên nhân rối loạn hành vi ở trẻ
Không có nguyên nhân cụ thể nào cho những hành vi bị rối loạn ở trẻ. Có thể một tổng thể các yếu tố sinh lý và môi trường giữ một vai trò nhất định nào đó. Tuy nhiên, trẻ ở bất kỳ giới tính hay hoàn cảnh nào cũng đều có thể bị rối loạn hành vi.2
Các yếu tố sau đây có thể góp phần làm tăng nguy cơ rối loạn hành vi xảy ra ở trẻ em:
Cấu trúc não và các chất dẫn truyền thần kinh
Nhiều bằng chứng tin cậy cho thấy những thay đổi trong cấu trúc não, sự thay đổi mức độ dẫn truyền thần kinh có thể ảnh hưởng nhất định đến hành vi của trẻ. Ví dụ, các vùng não kiểm soát sự chú ý hoạt động kém hơn ở những trẻ bị tăng động.3
Serotonin thấp và sự nhạy cảm cao với hormone cortisol cũng có thể đóng vai trò trong hành vi gây hấn. Ngoài ra, các vấn đề ảnh hưởng đến khả năng học tập có thể có ảnh hưởng nhất định. Bởi vì trẻ em bị chậm phát triển trí tuệ có nguy cơ bị rối loạn hành vi cao gấp hai lần trẻ bình thường.3 4
Các bất thường khi sinh nở
Rối loạn hành vi thường xuất hiện phổ biến hơn ở trẻ nhẹ cân, trẻ sinh non.3
Yếu tố di truyền
Rối loạn hành vi có thể xảy ra ở những người cùng huyết thống. Điều này chứng tỏ nhiều trường hợp có khuynh hướng di truyền làm tăng nguy cơ phát triển các rối loạn hành vi.2
Giới tính
Trẻ em nam dễ bị rối loạn hành vi hơn so với trẻ nữ. Đến nay vẫn không rõ liệu điều này có phải là do sự khác biệt về mặt sinh học, hay liệu sự khác biệt về chuẩn mực giới tính và những kỳ vọng, đã làm ảnh hưởng đến cách trẻ em nam cư xử hoặc phát triển chứng hành vi rối loạn.3
Tổn thương
Tổn thương về mặt tâm lý là một phản ứng đa dạng về thể chất và xúc cảm đối với sự căng thẳng. Tiếp xúc sớm với những tổn thương tâm lý có thể ảnh hưởng đến sự phát triển hành vi của trẻ.2
Bất kỳ tổn thương tâm lý nào cũng có thể gây ra những rối loạn hành vi. Một số trường hợp phổ biến nhất bao gồm:2
- Hoàn cảnh gia đình khó khăn.
- Thiếu sự chăm sóc, nuôi dưỡng chu đáo từ bố mẹ.
- Bị lạm dụng về mặt thể chất hoặc tình cảm
- Gia đình thường xuyên gây gổ, cãi vả.
Nhận biết dấu hiệu trẻ bị rối loạn hành vi
Những dấu hiệu trẻ bị rối loạn hành vi thường gặp nhất bao gồm:2 3
- Thường xuyên cư xử với người hay vật một cách hung hăng.
- Có những hành vi hủy hoại, phá hoại đồ vật, tài sản.
- Có những hoạt động tự gây hại cho bản thân như uống rượu bia, hút thuốc lá, sử dụng ma túy,…
- Thường không tuân thủ bất cứ nội quy hay quy tắc xã hội, tổ chức nào.
- Có những hành vi vi phạm pháp luật.
- Luôn có hành động chống đối, chẳng hạn như: đánh bạn, bỏ học, trộm cắp, nói dối,…
Trong đó, dựa theo từng rối loạn hành vi gây rối phổ biến nhất, một số triệu chứng cụ thể bao gồm:2 3
Rối loạn tăng động giảm chú ý (Attention deficit hyperactivity disorder – ADHD)
Không tập trung
- Không thể tập trung, dễ bị phân tâm.
- Dường như không nghe hướng dẫn hoặc quên làm theo chúng.
- Chuyển từ nhiệm vụ này sang nhiệm vụ khác mà không hoàn thành bất cứ việc gì.
Bốc đồng
- Thường hay ngắt lời, làm gián đoạn người khác đang nói chuyện.
- Hay quậy phá, dễ nổi giận, rất khó kiềm chế cảm xúc.
- Làm gián đoạn hoặc xâm phạm vào các cuộc trò chuyện, trò chơi hoặc hoạt động của người khác.
Hiếu động thái quá
- Thường xuyên bồn chồn bằng cách gõ vào bàn tay, bàn chân hoặc di chuyển xung quanh chỗ ngồi.
- Cảm thấy khó khăn khi đứng yên hoặc ngồi yên một chỗ.
- Thường xuyên di chuyển, chuyển động liên tục.
- Nói quá nhiều.
- Gặp khó khăn khi chờ đến lượt của mình.
Rối loạn thách thức chống đối (Oppositional defiant disorder – ODD)
- Thường xuyên và dễ tức giận, khó chịu hoặc cáu kỉnh.
- Thường xuyên tranh luận với người lớn, đặc biệt là những người quen thuộc nhất trong cuộc sống của trẻ, chẳng hạn như cha mẹ.
- Từ chối tuân theo các quy tắc.
- Hành vi khiêu khích, chẳng hạn như cố ý làm phiền hoặc làm người khác khó chịu.
Rối loạn cư xử (Conduct disorder – CD)
- Thường không vâng lời cha mẹ, thầy cô, người lớn.
- Trốn học nhiều lần.
- Có xu hướng sử dụng ma túy, cả thuốc lá và rượu, ở độ tuổi rất sớm.
- Thiếu sự đồng cảm với người khác.
- Ngược đãi động vật.
- Gây hấn với người khác, hoặc thể hiện các hành vi bạo lực bao gồm bắt nạt và lạm dụng thể chất hoặc tình dục.
- Sử dụng vũ khí.
- Thường xuyên nói dối.
- Hành vi phạm tội như trộm cắp, cố ý châm lửa, đột nhập vào nhà và phá hoại.
- Có xu hướng chạy trốn khỏi nhà.
- Có thể có ý định tự sát – mặc dù trường hợp này hiếm gặp hơn.
Chẩn đoán rối loạn hành vi
Điều quan trọng là phải hỏi ý kiến các bác sĩ chuyên khoa Tâm thần – Nhi nếu trẻ có những biểu hiện gợi ý rối loạn hành vi. Bác sĩ có thể chẩn đoán chứng rối loạn này thông qua một quá trình đánh giá. Quá trình này có thể bao gồm:2 3
- Quan sát những hành vi bất thường của trẻ.
- Lập ra danh sách kiểm tra những hành vi trong tuần.
- Bảng câu hỏi theo tiêu chuẩn.
- Phỏng vấn với cha mẹ, người chăm sóc trẻ hoặc thầy cô của trẻ.
Điều trị rối loạn hành vi ở trẻ
Điều trị cho trẻ bị rối loạn hành vi là một quá trình cần sự phối hợp của bác sĩ chuyên khoa, gia đình và xã hội.
Điều trị y khoa
Đối với những trường hợp rối loạn trung bình đến nặng, bác sĩ sẽ cân nhắc về việc dùng thuốc để kiểm soát các hành vi thiếu kiểm soát. Những loại thuốc được dùng để điều trị rối loạn hành vi ở trẻ em thường là:2 3 5
- Thuốc chống loạn thần có tác dụng kiểm soát tạm thời những hành vi hung hăng, bạo lực. Chẳng hạn như: haloperidol, risperidon, và chlorpromazin.
- Thuốc ổn định khí sắc: depakin, carbamazepin.
- Thuốc điều trị tăng động giảm chú ý: clonidin, methylphenidat.
Điều trị từ gia đình
Muốn điều trị tốt chứng rối loạn hành vi ở trẻ thì gia đình đóng vai trò rất quan trọng. Bởi chỉ cha mẹ có kiên trì, quyết tâm thì trẻ mới sớm đạt được hiệu quả điều trị. Muốn được như vậy, các bậc phụ huynh cần:2 3 6
- Dành thời gian yêu thương và chăm sóc trẻ rối loạn hành vi. Hướng trẻ đến những suy nghĩ, hành vi tích cực.
- Khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động giúp rèn luyện tính kiên nhẫn. Mục đích là để trẻ có khả năng kiểm soát những suy nghĩ và hành động của mình.
- Không nên cho trẻ xem những bộ phim hành động, bạo lực.
Đối với thầy cô, nhà trường
Để hỗ trợ điều trị những trẻ bị rối loạn hành vi, thầy cô và nhà trường của trẻ nên:2 3
- Hướng dẫn trẻ cách hòa nhập với bạn bè.
- Dạy cho trẻ biết những suy nghĩ, hành vi nào là sai. Đồng thời hướng trẻ đến những hành động đúng đắn, tốt đẹp hơn.
- Thực hiện nguyên tắc thưởng – phạt. Thưởng khi trẻ có những hành vi tốt và phạt khi trẻ có những hành vi sai lầm.
Nói tóm lại, rối loạn hành vi ở trẻ là một bệnh lý phức tạp và khó khăn trong việc điều trị. Điều quan trọng là những người nuôi dưỡng trẻ cần phát hiện sớm những trẻ bị rối loạn hành vi. Mục tiêu là điều trị đúng bệnh ở trẻ và càng sớm càng tốt. Hạn chế tối đa những hậu quả đáng tiếc cũng như những hệ lụy tiêu cực về sau.