Bác sĩ giải đáp: Bệnh Parkinson sống được bao lâu?

Đối với bệnh Parkinson, có rất nhiều thắc mắc xung quanh bệnh lý mạn tính này. Trong đó, rất nhiều người muốn biết rằng bệnh Parkinson sống được bao lâu. Vậy thì câu trả lời cụ thể là như thế nào? Và làm gì để kéo dài cuộc sống cho người bệnh Parkinson? Những thắc mắc này sẽ được giải đáp qua bài viết sau đây của Bác sĩ Nguyễn Lâm Giang. Mời bạn cùng tìm hiểu nhé!

Giải đáp bệnh Parkinson sống được bao lâu

Bệnh Parkinson thực chất sẽ không gây tử vong. Tuy nhiên, các biến chứng liên quan đến bệnh có thể làm giảm từ 1 đến 2 năm tuổi thọ của người bệnh. Ngoài ra, một nghiên cứu vào năm 2018 cho thấy tỷ lệ sống còn của những bệnh nhân Parkinson phụ thuộc rất lớn vào loại Parkinson mà họ mắc phải.1 2

Người bệnh mắc bệnh Parkinson vô căn và không rối loạn chức năng nhận thức dường như không bị suy giảm tuổi thọ. Giới tính cũng giữ một vai trò nhất định trong tỷ lệ tử vong. Nhiều nghiên cứu cho thấy bệnh nhân nữ mắc bệnh Parkinson có tỷ lệ tử vong ít hơn nam giới.1

Loại bệnh Parkinson và giới tính là các yếu tố ảnh hưởng đến tuổi thọ của bệnh nhân

Theo Michael J. Fox Foundation (Quỹ Michael J. Fox) dành cho nghiên cứu về căn bệnh Parkinson, bệnh nhân thường bắt đầu phát triển các triệu chứng Parkinson vào khoảng 60 tuổi và nhiều người sống từ 10 đến 20 năm sau khi được chẩn đoán. Tuy nhiên, tuổi và tình trạng sức khỏe chung của bệnh nhân khi khởi phát sẽ ảnh hưởng đến độ chính xác của ước tính này.3

Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ của chúng tôi

Những yếu tố làm suy giảm tuổi thọ của bệnh nhân Parkinson

Bên cạnh việc nắm bắt thông tin bệnh Parkinson sống được bao lâu. Chúng ta cũng cần quan tâm những yếu tố làm suy giảm tuổi thọ bệnh nhân Parkinson. Cụ thể là:

Vấn đề tâm lý

Việc phải đối mặt và che dấu các triệu chứng của bệnh làm cho bệnh nhân Parkinson suy giảm tinh thần cũng như thể chất. Stress và căng thẳng tâm lý có thể khiến những triệu chứng của bệnh nghiêm trọng hơn. Chính sự suy giảm chất lượng tâm lý này làm cho tuổi thọ người bệnh Parkinson rút ngắn so với người bình thường.

Yếu tố môi trường

Người bệnh Parkinson nếu tiếp xúc thường xuyên với môi trường độc hại thì sẽ tăng nguy cơ tiến triển bệnh nặng dần. Chẳng hạn như môi trường chứa các thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu. Hoặc môi trường ô nhiễm không khí, ô nhiễm tiếng ồn, ô nhiễm kim loại nặng,…4

Yếu tố tuổi tác

Phần lớn các trường hợp được chẩn đoán mắc bệnh Parkinson khi đã trên 70 tuổi. Khi tuổi càng cao, tỷ lệ mắc các bệnh nền càng tăng theo. Chẳng hạn như các bệnh lý tim mạch, đái tháo đường, bệnh suy thận, bệnh suy gan,… Tình trạng này sẽ làm tăng nguy cơ suy giảm tuổi thọ của người bệnh Parkinson.1 5

Giới tính

Nữ giới có nguy cơ mắc bệnh Parkinson thấp hơn nam giới. Trong đó, nam giới có nguy cơ mắc bệnh cao hơn 50% so với phụ nữ. Các nhà nghiên cứu vẫn chưa tìm ra lý do chính xác cho điều này.6

Tuy nhiên, đối với nữ giới khi mắc bệnh Parkinson có thể tiến triển nhanh hơn và giảm tuổi thọ. Các triệu chứng ở nữ cũng có thể khác so với các triệu chứng ở nam giới.1

Nam giới mắc bệnh Parkinson có nguy cơ tử vong cao hơn so với nữ giới

Sự tiếp cận những phương pháp điều trị bệnh Parkinson

Ngày nay, những tiến bộ trong điều trị đã có thể giúp tuổi thọ của người bệnh Parkinson tăng lên đáng kể.

Thuốc, cũng như vật lý trị liệu (physical therapy) và hoạt động trị liệu (occupational therapy), đặc biệt hữu ích trong giai đoạn sớm của bệnh. Những phương pháp điều trị này có thể giúp cải thiện chất lượng cuộc sống của người bệnh.1

Làm thế nào để kéo dài tuổi thọ cho người bệnh Parkinson?

Người bệnh Parkinson nên đi khám bệnh tại các phòng khám chuyên khoa Thần kinh. Mục đích là để được các bác sĩ khám, chẩn đoán và điều trị bệnh phù hợp, kịp thời. Tốt nhất là trước khi các biến chứng của của bệnh Parkinson bắt đầu trở nên trầm trọng hơn.

Ngoài ra, việc uống thuốc và sử dụng thêm thực phẩm chức năng điều trị hỗ trợ cũng góp phần nâng cao tuổi thọ của bệnh nhân. Bên cạnh đó, chế độ dinh dưỡng hợp lý cùng lối sống lành mạnh cũng sẽ giúp cho người bệnh cải thiện sức khỏe.

Dưới đây là một số biện pháp phổ biến bạn có thể áp dụng:1 3 7 8

Dinh dưỡng

Nên chia nhỏ các bữa ăn trong ngày. Người bệnh nên ăn thức ăn mềm, dễ tiêu hoá. Đồng thời, tăng cường rau củ, trái cây và các loại cá.

Lối sống

Người bệnh Parkinson nên duy trì lối sống lạnh mạnh, khoa học. Hạn chế thức khuya, không hút thuốc lá, không uống rượu bia. Đồng thời duy trì thói quen tập thể dục hàng ngày.

Tâm lý

Người bệnh nên kiểm soát tâm lý căng thẳng bằng một số biện pháp hiệu quả và dễ thực hiện. Chẳng hạn như: nghe nhạc, tập yoga, ngồi thiền, tập các bài tập hít thở sâu. Ngoài ra, việc thường xuyên trò chuyện, tâm sự với người thân cũng giúp người bệnh lạc quan, vui vẻ hơn.

Sống vui vẻ, lạc quan, ít muộn phiền cũng ảnh hưởng tích cực đến điều trị bệnh Parkinson

Thăm khám đều đặn

Người bệnh nên đi khám thường xuyên, đều đặn ngay sau khi được chẩn đoán mắc bệnh Parkinson. Mục đích là để bác sĩ đánh giá đúng giai đoạn, mức độ bệnh và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp. Đồng thời điều trị các biến chứng của bệnh xảy ra (nếu có).

Lưu ý khi chăm sóc người bệnh Parkinson

Hiện tượng “mở, tắt” ở bệnh Parkinson phải được người chăm sóc quan tâm đến hàng đầu. Cụ thể, khi dùng thuốc một số người bệnh cải thiện được các triệu chứng. Đây gọi là tình trạng “mở”. Còn nếu các triệu chứng của bệnh Parkinson không được kiểm soát tốt. Người bệnh sẽ rơi vào trạng thái “tắt”. Khi này, bệnh nhân sẽ vận động và di chuyển rất khó khăn.

Bên cạnh đó, người chăm sóc nên chú ý lựa chọn, xây dựng chế độ ăn đa dạng và đầy đủ chất cho người bệnh Parkinson. Đồng thời quan sát và ghi nhận triệu chứng khó nuốt. Cũng như các biểu hiện của thiếu hụt dinh dưỡng do tình trạng ăn uống khó gây ra ở người bệnh.

Ngoài ra, người chăm sóc nên hỗ trợ bệnh nhân ở nhiều phương diện. Nên hướng dẫn người bệnh sử dụng thuốc, đưa ra lời khuyến nghị. Đồng thời cung cấp những thông tin về bệnh Parkinson tùy theo từng trường hợp bệnh cụ thể.7

Hy vọng những thông tin trong bài viết sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn vấn đề bệnh Parkinson sống được bao lâu. Cũng như biết được các cách để hạn chế những yếu tố nguy cơ làm giảm tuổi thọ của bệnh nhân. Đồng thời nắm được những lưu ý quan trọng trong việc chăm sóc bệnh nhân Parkinson nói chung.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *