ASMR chắc hẳn là một cụm từ còn khá xa lạ đối với nhiều người. Tuy nhiên, trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc các trang web nước ngoài, cụm từ này rất phổ biến. Nó đang dần dần trở thành một trào lưu sôi nổi ở phương Tây. Đồng thời xâm nhập rất mạnh mẽ vào thị trường châu Á. Vậy thì cụm từ này có nghĩa là gì? Nó có lợi ích gì cho cuộc sống của chúng ta? Hãy cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Trung Nghĩa đi tìm câu trả lời qua bài viết sau đây nhé!
ASMR là gì?
ASMR là viết tắt của cụm từ Autonomous Sensory Meridian Response. Khi dịch sang tiếng Việt thì nó có nghĩa cơ bản là “Phản ứng cực khoái độc lập”. Nó biểu hiện cho cảm giác rùng mình của con người sau khi tiếp nhận một vài kích thích nhất định. Chẳng hạn như những âm thanh êm dịu hoặc những sự đụng chạm lặp lại nhiều lần.
Đã từ rất lâu, nhiều người nhận thấy rằng cảm giác rùng mình này tạo nên sự thư giãn. Đôi khi làm cho họ say mê. Ngoài ra, hiệu ứng Autonomous Sensory Meridian Response còn được so sánh tương đương với một cơn cực khoái.
Cái cảm giác mà Autonomous Sensory Meridian Response tạo ra cho con người không giống với sự rùng mình khi thưởng thức một bài hát hay. Cảm giác rùng mình, say mê khi nghe một bài hát mà mình yêu thích sẽ lan tỏa khắp cơ thể. Cảm giác của phản ứng cực khoái độc lập lại thường xuất phát ở đầu và cổ. Đôi khi lan truyền đến tay và chân.
Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Sức khỏe tâm thần, tải ngay ứng dụng YouMed.
ASMR tác động đến con người theo cơ chế nào?
Cho đến thời điểm hiện tại, những âm thanh lạ lẫm ấy vì sao lại tác động đến tinh thần của người nghe vẫn chưa được lý giải. Một số giả thuyết cho rằng chúng đã làm tăng tiết hormone hạnh phúc trong cơ thể con người. Nhưng cơ chế mà chúng làm tăng tiết các hormone đó vẫn chưa được xác định rõ ràng.
Những hormone hạnh phúc mà Autonomous Sensory Meridian Response kích thích tiết ra:
- Dopamine: Mang lại cho con người niềm vui và cảm giác hài lòng trong tức khắc. Đồng thời, hormon này còn giúp làm giảm các trạng thái căng thẳng, stress.
- Endorphin: Có vai trò ngăn chặn những cơn đau cấp tính, làm dịu đi cảm giác khó chịu. Tác dụng này giúp cho con người ổn định tinh thần, cảm thấy ngập tràn năng lượng.
- Oxytocin: đây là một trong những hormone có vai trò quan trọng trong tình yêu.
- Serotonin: Cơ thể con người sẽ tiết ra loại hormone này khi nhận được lời khen, lời tán thưởng. Và đó chính là cảm giác hạnh phúc.
Những tác nhân đã tạo nên ASMR
Cảm giác thích thú do ASMR có thể xảy ra khi con người tiếp xúc với một số kích thích nhất định. Kích thích ấy có thể là: Âm thanh, mùi hương, hình ảnh, chất liệu, sự đụng chạm.
Một số âm thanh thường gặp tạo hiệu ứng phản ứng cực khoái độc lập bao gồm:
- Tiếng nhai thức ăn: Có lẽ là loại âm thanh rất dễ gây nghiện nhất. Khi chúng ta đói bụng, những tiếng nhai thức ăn càng kích thích bạn hơn. Âm thanh ấy tạo cho chúng ta cảm giác như mình đang thưởng thức món ăn.
- Tiếng thì thầm: Đây là âm thanh khá phổ biến và cũng gây hiệu ứng điển hình nhất, đặc biệt là tiếng của bạn nữ. Hiệu ứng chỉ được tạo thành một cách đơn giản đó là một người nói thì thầm.
- Tiếng cào nhẹ hoặc tiếng gõ nhẹ: Một cá nhân sẽ gõ nhẹ lên bàn, lên ly nước hoặc cào nhẹ lên chiếc mic thu âm.
- Tiếng mưa: Tiếng mưa là một âm thanh có tác dụng rất tốt đối với những người khó ngủ. Nhiều người cho rằng tiếng mưa đã tạo nên hiệu ứng cực khoái. Nhờ vậy, chúng ta sẽ ngủ dễ hơn và ngon hơn.
- Tiếng lật sách: Mặc dù âm thanh này không phải ai cũng thích nghe. Nhưng đối với nhiều người, nó lại tạo thành phản ứng cực khoái.
Ngoài những âm thanh thường gặp trên, một số âm thanh cũng tạo được Autonomous Sensory Meridian Response. Chẳng hạn như: Tiếng mưa rơi, rót nước, gấp khăn, tiếng lá khô hoặc tiếng cắn vào trái cây,…
Những tác dụng tích cực của ASMR đối với con người
Sau đây là những tác dụng tuyệt vời mà Autonomous Sensory Meridian Response mang lại cho con người:
1. Cảm giác thư giãn
Tuy không phải là tất cả, nhưng phần lớn những người nghe những âm thanh lạ lẫm kia lại cảm thấy thư giãn tinh thần hơn. Cuộc thử nghiệm 2018 với sự góp mặt của 1002 tình nguyện viên trong độ tuổi từ 18 đến 77 tuổi. Kết quả cho thấy 81% số người tham gia cảm thấy được thư giãn khi xem một video.1
2. Giảm căng thẳng, lo lắng
Nghiên cứu khác được công bố rộng rãi vào năm 2015. Kết quả cho thấy rằng có 70% người xem video với mục đích giải tỏa căng thẳng. Ngoài ra, nó còn giúp phần lớn người tham gia nghiên cứu cảm thấy nhẹ lòng, đỡ lo lắng hơn.2
3. Cải thiện tình trạng rối loạn giấc ngủ
Năm 2015, có đến 82% người xem công nhận hiệu ứng Autonomous Sensory Meridian Response giúp họ dễ ngủ hơn.2
Nghiên cứu năm 2017, 41% số người tham gia cho rằng họ xem video để giúp họ dễ đi vào giấc ngủ hơn.3
4. Cải thiện bệnh lý trầm cảm
Một nghiên cứu để tìm hiểu về lợi ích của Autonomous Sensory Meridian Response trong việc thay đổi tâm trạng. Kết quả chỉ ra rằng những người trải nghiệm ASMR đã giảm bớt những triệu chứng trầm cảm. Thậm chí, một số người đã kết hợp âm thanh với ngồi thiền để điều trị trầm cảm hiệu quả hơn.4
5. Cải thiện sức khỏe
Không chỉ cải thiện tinh thần, Autonomous Sensory Meridian Response còn giúp cải thiện sức khỏe thể chất. Thông qua tác dụng cải thiện lưu thông máu, hỗ trợ tiêu hóa và giúp chúng ta giảm cân.
Con người có nên tiếp nhận ASMR hay không?
Tác động tiêu cực của ASMR hiện nay vẫn chưa được ghi nhận. Bên cạnh những đoạn âm thanh, những video tạo cảm giác thoải mái thì cũng có một số video kích thích sự ham muốn. Điều này có thể gây sự hiểu nhầm cho toàn bộ nội dung của Autonomous Sensory Meridian Response.
Thực tế thì những âm thanh Autonomous Sensory Meridian Response luôn tồn tại xung quanh chúng ta. Những sản phẩm ASMR chỉ giúp con người có cơ hội được tiếp nhiều hơn với những âm thanh ấy.
Có hai cách mà mọi người có thể trải nghiệm Autonomous Sensory Meridian Response. Một là chỉ nghĩ về một âm thanh làm chúng ta hài lòng. Chẳng hạn như tiếng vỗ lưng, tiếng xả nước, tiếng lá rơi, tiếng giọt nước rơi,… Hoặc bạn cũng có thể trải nghiệm thông qua việc nghe âm thanh ghi âm hoặc xem video.
Bạn đang gặp các vấn đề về tâm lý, sức khỏe, hoặc đơn giản là muốn tìm kiếm những âm thanh mới lạ. Khi ấy, Autonomous Sensory Meridian Response là một trong những sự lựa chọn lý tưởng. Nhờ những âm thanh hoặc những đoạn video, bạn sẽ thấy khỏe khoắn hơn, vui tươi hơn hoặc đơn giản là sự bất ngờ trước thế giới của những âm thạnh lạ lẫm.
Cách tạo Autonomous Sensory Meridian Response đơn giản nhất
Thật sự không quá khó cũng không quá dễ để tạo ra những hiệu ứng Autonomous Sensory Meridian Response. Bởi vì kích thích gây ASMR ở mỗi người là không giống nhau. Đồng thời, một số âm thanh này lại có khả năng tạo cảm giác tốt hơn những âm thanh khác.
Người làm video nên thử nghiệm nhiều lần để chọn ra loại âm thanh có ảnh hưởng nhiều nhất đến người xem. Sau giai đoạn này thì mọi việc trở nên rất đơn giản. Bạn chỉ cần một chiếc máy quay, một vài vật dụng tạo ra âm thanh. Và quan trọng nhất là một máy ghi âm thật tốt. Sự chân thực của âm thanh càng cao thì video càng hiệu quả và thu hút nhiều người xem.
Ngoài ra, bạn chỉ cần đảm bảo rằng video có âm lượng ổn định. Không quá to cũng không quá nhỏ. Khi ấy, bạn đã có thể tự tạo ra cho chính mình một video ASMR có chất lượng tốt. Đồng thời không cần phải trải qua bất cứ thủ thuật xử lý nào khác.
Hy vọng với những thông tin mà bài viết đã cung cấp, bạn đọc sẽ hiểu rõ hơn về ASMR. Từ đó, các bạn sẽ biết cách tạo ra hiệu ứng Autonomous Sensory Meridian Response. Cũng như vận dụng hiệu ứng ấy để cải thiện tình trạng sức khỏe của mình được tốt hơn.