Bác sĩ giải đáp nguyên nhân gây đau đầu về đêm thường xuyên?

Đau đầu về đêm là một tình trạng khá phổ biến ở nhiều người. Phần lớn người bệnh không biết nguyên nhân cũng như cách điều trị tình trạng này. Từ đó, họ cảm thấy hoang mang, lo lắng và dẫn đến nhiều hệ lụy phức tạp. Vậy thì triệu chứng đau đầu ban đêm là gì? Có nguy hiểm không? Biện pháp điều trị và phòng ngừa ra sao? Tất cả sẽ được giải đáp qua bài viết sau đây của bác sĩ Nguyễn Lâm Giang. Mời bạn cùng tìm hiểu nhé!

Đau đầu về đêm là gì?

Khái niệm triệu chứng đau đầu vào ban đêm

Bệnh đau đầu về đêm (hay đau đầu về chiều tối) là tình trạng đau đầu có thể xuất hiện bất cứ lúc nào vào buổi tối. Cảm giác đau khiến cho người bệnh cảm thấy rất mệt mỏi và khó chịu. Cơn đau có thể khởi phát sau khi bạn ăn tối, trong lúc đang xem truyền hình. Hoặc xuất hiện ngay trước khi bạn nằm xuống. Và thậm chí làm bạn thức giấc vào lúc nửa đêm.

Cơn đau đầu vào buổi tối thường gây khó chịu cho nhiều người

Khi làm ảnh hưởng đến giấc ngủ, đau đầu vào ban đêm có thể dẫn đến một số hậu quả cho ngày tiếp theo. Chẳng hạn như người bệnh cảm thấy buồn ngủ vào ban ngày. Đi kèm với đó là tình trạng thiếu tập trung, mệt mỏi, mất năng lượng, uể oải và rất dễ nổi nóng.1

Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ của chúng tôi

Những điểm đặc trưng của đau đầu vào ban đêm

Đau đầu vào ban đêm có thể xuất hiện bất cứ lúc nào khi trời đã sụp tối. Mức độ đau có thể xảy ra từ nhẹ đến dữ dội. Một số ít trường hợp người bệnh cảm thấy đầu đau nhức như muốn “nổ tung”. Vị trí đau có thể xuất hiện ở toàn bộ vùng đầu, vùng trán, hai bên thái dương, đỉnh đầu hoặc vùng chẩm. Đau có thể diễn ra ở một bên hoặc hai bên đầu.

Tính chất cơn đau rất dễ thay đổi. Người bệnh có thể cảm thấy đầu mình bị đau nhói, đau giật, đau như siết chặt, đau theo mạch đập,… Ngoài ra, vào lúc đầu, thời gian đau sẽ thay đổi tùy theo yếu tố làm khởi phát cơn đau. Các triệu chứng kèm theo đau đầu có thể bao gồm: buồn nôn, sợ ánh sáng, sợ tiếng ồn, căng thẳng thần kinh,…1 2 3

Nguyên nhân gây đau đầu về đêm

Có nhiều nguyên nhân khác nhau gây nên tình trạng đau đầu về chiều tối. Tuy nhiên, triệu chứng này được chia thành 2 nhóm chính là: đau đầu nguyên phát và thứ phát.1 2 3

Đau đầu nguyên phát

Đau xảy ra một cách độc lập, ít khi kéo dài. Đồng thời thường không có các triệu chứng đi kèm biểu hiện một bệnh lý của cơ quan khác trong cơ thể. Một số bệnh gây nên đau đầu nguyên phát vào ban đêm đó là:

  • Đau nửa đầu Migraine.
  • Đau đầu cụm.
  • Đau đầu căng cơ.
  • Đau đầu do đau dây thần kinh V.

Đau đầu thứ phát

Xảy ra khi cơ thể chịu những tác động từ môi trường bên ngoài hoặc các bệnh lý bên trong. Cụ thể một số tác động đó là:

  • Ô nhiễm tiếng ồn.
  • Ô nhiễm ánh sáng.
  • Không khí thiếu dưỡng khí (oxy).
  • Thay đổi thời tiết đột ngột.
  • Mùi hăng của các hóa chất, nước hoa, vật liệu,… xung quanh.
  • Đột quỵ não: xuất huyết não, xuất huyết màng não.
  • Viêm não, viêm màng não.
  • Khối u não.
  • Thiếu máu não.

Đau đầu về đêm khi nào trở nên nguy hiểm?

Đau đầu vào ban đêm có thể chỉ là biểu hiện của đau đầu nguyên phát, không nguy hiểm. Tuy nhiên, nó cũng có thể là dấu hiệu báo hiệu cho một bệnh lý nguy hiểm, cấp tính cần được điều trị ngay. Vì vậy, người bệnh không nên chủ quan đối với triệu chứng đau đầu này. Một vài dấu hiệu sau đây chứng tỏ đau đầu vào ban đêm đã có tính chất nguy hiểm. Khi ấy, bạn nên đi khám bệnh ngay:1

  • Nói khó, nói ngọng, nói đớ hoặc không nói được.
  • Nói lộn xộn và không trả lời đúng câu hỏi của mọi người, không biết mình đang nói gì.
  • Nhìn mờ, nhìn đôi và các vấn đề về thị giác.
  • Choáng váng, xây xẩm, chóng mặt.
  • Suy giảm sự tỉnh táo.
  • Bất tỉnh.
  • Sốt cao (có hoặc không kèm theo rét run).
  • Cổ cứng, cổ gượng bất thường.
  • Tê hoặc yếu nửa người phải hoặc trái.

Khi có cơn đau đầu về đêm kèm với tình trạng sốt cao. Người bệnh nên nhanh chóng đến cơ sở y tế để thăm khám

Khi có cơn đau đầu về đêm kèm sốt cao người bệnh nên nhanh chóng đến cơ sở y tế để thăm khám

Cách điều trị và phòng tránh đau đầu về đêm

Điều trị đau đầu vào ban đêm1 2 3 4

Cách để điều trị đau đầu vào ban đêm chủ yếu là tìm ra nguyên nhân để có hướng xử trí phù hợp. Bên cạnh đó, những phương pháp giảm đau tạm thời sẽ giúp cho người bệnh thoải mái, dễ chịu và có một giấc ngủ ngon.

Những phương pháp giảm đau tạm thời

  • Thư giãn, nhắm mắt, nghe nhạc.
  • Nằm nghỉ ngơi trong phòng yên tĩnh, ánh sáng dịu nhẹ.
  • Massage vùng đầu mặt cổ.
  • Thoa dầu nóng, dầu gió lên vị trí đau đầu như trán, thái dương.
  • Bấm các huyệt có tác dụng giảm đau đầu tạm thời như: Bách hội, Ấn đường, Toản trúc,…
  • Tắm với nước ấm khi trời lạnh hoặc nước mát khi trời nóng.

Những phương pháp điều trị đặc hiệu

  • Nhóm thuốc giảm đau thông thường: Paracetamol, thuốc Alaxan, Efferalgan,…
  • Thuốc giảm đau kháng viêm NSAIDs: thuốc Meloxicam, Ibuprofen, thuốc Celecoxib.
  • Nhóm thuốc cắt cơn đau nửa đầu Migraine: Triptans, thuốc Tamik (dihydroergotamin), Flunarizin.
  • Thuốc chống trầm cảm 3 vòng.
  • Thuốc ức chế Beta điển hình như Propranolol.
  • Nhóm thuốc giảm đau, giãn cơ như: Thuốc Eperison, Tolperison.
  • Kháng sinh trong trường hợp viêm não, viêm màng não.
  • Phẫu thuật trong trường hợp u não.
  • Điều trị chuyên khoa Thần kinh trong trường hợp đột quỵ não.

Phẫu thuật thần kinh là một trong những cách chữa trị đặc hiệu cho tình trạng đau đầu về đêm

Phòng tránh đau đầu về đêm1 2 3

Những phương pháp giúp bạn đọc phòng tránh đau đầu vào ban đêm bao gồm:

  • Có chế độ làm việc và nghỉ ngơi hợp lý, khoa học. Hạn chế thức khuya, ngủ không đủ giấc, ngủ quá nhiều.
  • Không nên lạm dụng các loại chất kích thích như caffeine, cocain để duy trì sự tỉnh táo.
  • Hạn chế rượu bia và các thức uống có cồn.
  • Duy trì chế độ luyện tập thể dục, thể thao đều đặn hàng ngày.
  • Quản lý tốt trạng thái căng thẳng thần kinh, không nên để stress kéo dài.
  • Điều trị tốt các bệnh lý có thể gây đau đầu. Chẳng hạn như: viêm xoang, thiểu năng tuần hoàn não, đau dây thần kinh V.

Hy vọng bài viết trên đã cung cấp cho bạn những thông tin cần thiết của triệu chứng đau đầu về đêm. Nói tóm lại, đau đầu về đêm là một dấu hiệu của nhiều bệnh lý đa dạng. Trong đó có cả những bệnh nguy hiểm đòi hỏi sự can thiệp y tế kịp thời. Vì vậy, mỗi người chúng ta không nên chủ quan với triệu chứng này. Đồng thời nên đi khám càng sớm càng tốt nếu đau đầu không giảm với những biện pháp giảm đau thông thường.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *