Đau đầu hay nhức đầu là một trong những triệu chứng rất phổ biến. Triệu chứng này là biểu hiện của rất nhiều bệnh lý liên quan đến thần kinh nói chung. Vậy thì tình trạng đau nhức đầu xảy ra do nguyên nhân nào? Điều trị ra sao? Khi nào cần gặp bác sĩ? Tất cả những thông tin này sẽ được trình bày chi tiết qua bài viết sau đây của Bác sĩ Nguyễn Lâm Giang. Mời bạn cùng tìm hiểu nhé!
Đau đầu là gì?
Nhức đầu là cảm giác đau ở bất kì vị trí nào trên đầu. Và có thể xảy ra ở một hoặc cả hai bên đầu. Cảm giác đau này có thể chỉ ở riêng trên một vị trí xác định nào đó. Đồng thời, có hoặc không có kèm theo sự phát tán cơn đau ra khắp đầu từ một điểm nhất định.
Nhức đầu có thể biểu hiện thành một cơn đau dữ dội và gây cảm giác đau nhói hoặc đau kéo dài âm ỉ. Tình trạng đau có thể diễn ra một cách từ từ hoặc đột ngột. Và nó có thể kéo dài từ vài phút đến vài giờ, hoặc có thể lên đến một vài ngày.
Nhức đầu xảy ra do sự bất ổn định trong một số vùng trên đầu có các cấu trúc nhạy cảm đau. Bản thân bộ não không nhạy cảm với các kích thích đau. Bởi vì nó không có các thụ thể cảm nhận đau. Trong khi đó, một số khu vực trên đầu và cổ có các cấu trúc nhạy cảm với kích thích đau. Những cấu trúc ấy được phân chia thành hai loại chính:1 2
Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ của chúng tôi
- Cấu trúc trong sọ. Bao gồm: hệ thống mạch máu, màng não và các dây thần kinh sọ não.
- Cấu trúc ngoài sọ. Bao gồm: màng ngoài xương sọ, các cơ, dây thần kinh, động tĩnh mạch ngoài sọ. Ngoài ra còn có các mô dưới da, mắt, tai, hệ thống các xoang và cấu trúc niêm mạc.
Nguyên nhân và các dạng đau nhức đầu thường gặp
Nguyên nhân của tình trạng nhức đầu
Nhiều người thường thắc mắc rằng tại sao bị đau nhức đầu. Theo các bác sĩ, cơn nhức đầu xuất hiện là do sự kết hợp giữa các tín hiệu từ não, mạch máu và các dây thần kinh xung quanh. Cụ thể, khi các dây thần kinh tại mạch máu và các cơ ở vùng đầu bị kích thích. Tín hiệu đau sẽ được gửi đến não. Vì vậy làm cho chúng ta cảm thấy đau và nhức đầu.1 2
Các nguyên nhân gây đau nhức đầu thường gặp nhất là:1 2 3 4
- Bệnh lý. Thường gặp là tình trạng viêm xoang, viêm tai, viêm các tổ chức ở mắt. Ngoài ra, viêm não, viêm màng não, chấn thương đầu cũng có thể gây ra triệu chứng nhức đầu.
- Căng thẳng. Tình trạng căng thẳng thường xuyên và kéo dài rất dễ đưa đến triệu chứng đau nhức đầu.
- Nguyên nhân từ môi trường xung quanh. Chẳng hạn như: khói thuốc lá, nước hoa, mùi hăng của các loại hóa chất, tiếng ồn, ánh sáng mạnh,…
- Nguyên nhân di truyền. Đây là nguyên nhân thường gặp nhất của tình trạng đau nửa đầu Migraine. 90% trẻ em và thanh thiếu niên bị đau nửa đầu Migraine đều có người thân trong gia đình bị bệnh.3
- Do tác dụng phụ của một số thuốc. Chẳng hạn như: thuốc giãn mạch vành, thuốc hạ áp, thuốc điều trị đái tháo đường,…
- Đau nhức đầu không rõ nguyên nhân. Tình trạng này chiếm tỷ lệ khá lớn.
Các dạng đau nhức đầu thường gặp
Theo các chuyên gia y tế, các dạng nhức đầu thường gặp trong cuộc sống bao gồm:1 2 3 5
- Đau nửa đầu Migraine.
- Nhức đầu căng cơ (thường xảy ra do tình trạng căng thẳng).
- Đau đầu cụm hoặc chuỗi.
- Đau dây thần kinh V (dây thần kinh sinh ba).
- Đau nhức đầu sau chấn thương sọ não.
- Nhức đầu lành tính (do gắng sức, ho, thời tiết,…)
- Nhức đầu do các bệnh lý mạch máu. Chẳng hạn như: tăng huyết áp, xuất huyết não, xuất huyết khoang dưới nhện,…
- Đau nhức đầu do lạm dụng thuốc. Thông thường là các nhóm thuốc giảm đau.
- Nhức đầu do viêm xoang mạn và cấp tính.
Biểu hiện khi bị đau nhức đầu
Biểu hiện chung của người bệnh khi bị nhức đầu đó chính là cảm giác đau nhức ở vùng đầu hay phía trên cổ nói chung. Cảm giác đau có thể xảy ra từ mức độ nhẹ, đau âm ỉ. Cũng có khi cơn đau rất dữ dội, đau như búa bổ, đau căng tức ở vùng đầu. Các triệu chứng có thể kèm theo bao gồm:1 2 3 5
- Sốt.
- Sổ mũi, chảy nước mũi, hắt hơi.
- Buồn nôn và nôn.
- Đau vùng cổ gáy kèm theo tình trạng nhức đầu.
- Mất tập trung, rối loạn cảm xúc.
- Đau hốc mắt, đỏ mắt.
- Rối loạn giấc ngủ, lo âu, trầm cảm,…
Cách giảm đau nhức đầu nhanh chóng
Trước khi xác định nhức đầu là biểu hiện của bệnh gì. Phần lớn mọi người đều sẽ muốn tìm ra cách giảm đau nhanh chóng. Vì cơn đau thường làm cho người bệnh cảm thấy khó chịu và gây ảnh hưởng đến cuộc sống của họ.
Dưới đây là một số phương pháp giúp làm giảm nhức đầu nhanh chóng bệnh nhân có thể áp dụng:1 2 4 5
- Thư giãn, nghe nhạc, nghỉ ngơi. Biện pháp này giúp làm giảm cơn đau nhức ở vùng đầu do căng thẳng.
- Nằm ngủ một giấc. Nếu nhức đầu do thiếu ngủ thì biện pháp này rất hiệu quả giúp hết đau.
- Bấm huyệt. Có 5 huyệt trên cơ thể mà khi xoa hoặc ấn vào, bạn sẽ giảm nhức đầu. Bao gồm: (1) Huyệt Hợp cốc: nằm giữa ngón cái và ngón trỏ. (2) Huyệt Toàn trúc: nằm ở hai bên đầu của sống mũi, ngay phía dưới mép đầu chân mày. (3) Huyệt Thiên trụ: nằm ở dưới hộp sọ phía sau gáy. (4) Huyệt Ấn đường: nằm giữa hai chân mày. (5) Huyệt Bách hội: huyệt nằm ngay trên điểm lõm ở phần đỉnh đầu; đây là giao điểm giữa đường nối hai đỉnh vành tai với đường dọc cơ thể.6
- Uống thuốc giảm đau. Đây là cách điều trị nhức đầu rất nhanh chóng và hiệu quả. Một số thuốc giảm đau thông dụng như: Panadol, thuốc Hapacol, thuốc Eperison, thuốc Celecoxib,…
Khi nào đau đầu cần gặp bác sĩ?
Người bệnh cần được chăm sóc y tế ngay lập tức. Bất kể nhức đầu là dấu hiệu của bệnh gì trong các trường hợp sau đây:1 2 4
- Cơn đau đột ngột, mới xuất hiện với mức độ đau dữ dội.
- Nhức đầu có kèm theo các biểu hiện thần kinh khu trú. Điển hình như: tê yếu nửa người, nói khó, suy giảm ý thức.
- Nhức đầu kèm theo nôn ói, đặc biệt là nôn vọt.
- Có kèm theo triệu chứng sốt kéo dài.
- Kèm theo triệu chứng cứng cổ, co giật,…
Trong những trường hợp sau đây, người bệnh nên đi khám bệnh:1 4
- Nhức đầu kèm theo suy giảm thị lực.
- Cơn đau ngày càng tăng dần về mức độ và thời gian.
- Đau không giảm khi sử dụng các loại thuốc giảm đau.
- Đau xuất hiện đột ngột sau khi gắng sức, bộc lộ xúc cảm mạnh mẽ.
- Nhức đầu kèm theo sổ mũi, hắt hơi nặng dần.
Chẩn đoán đau đầu
Mục tiêu của việc chẩn đoán là tìm ra tình trạng đau nhức đầu mà người bệnh đang gặp phải là biểu hiện của bệnh gì. Để xác định nguyên nhân gây ra cơn đau đầu, các bác sĩ sẽ hỏi bệnh, thăm khám triệu chứng nhức đầu và các triệu chứng thần kinh. Đồng thời chỉ định thực hiện một số xét nghiệm để chẩn đoán xác định bệnh, bao gồm:1 3
- Xét nghiệm công thức máu, sinh hóa máu, các marker viêm, ung thư,…
- Chụp CT Scan sọ não.
- Chụp MRI sọ não.
- Chụp mạch não số hóa xóa nền – DSA.
- Đo điện não.
- Chụp Xquang các xoang trên đầu.
- Đo nhãn áp (áp lực của ổ mắt).
Phương pháp điều trị đau nhức đầu
Sau khi đã xác định chính xác nguyên nhân gây nhức đầu. Các bác sĩ sẽ có hướng điều trị phù hợp. Tùy thuộc vào từng nguyên nhân mà phương pháp điều trị tình trạng sẽ không giống nhau. Các phương pháp được sử dụng có thể là:1 2 3 5
- Kiểm soát căng thẳng. Xây dựng kế hoạch làm việc, nghỉ ngơi khoa học và hợp lý.
- Sử dụng thuốc giảm đau. Các nhóm thuốc giảm đau thông dụng bao gồm: Paracetamol, kháng viêm Non-steroid, giảm đau giãn cơ, dưỡng não,…
- Thuốc kháng sinh. Thuốc này được sử dụng trong những trường hợp nhức đầu do căn nguyên nhiễm khuẩn. Chẳng hạn như: viêm xoang, viêm não, viêm màng não,… do vi khuẩn.
- Phẫu thuật. Được áp dụng trong những trường hợp: xuất huyết não, xuất huyết dưới màng cứng, u não,…
- Can thiệp DSA. Áp dụng khi người bệnh bị nhức đầu do nhồi máu não, hẹp mạch não mức độ nặng.
- Nhóm thuốc điều trị đau nửa đầu Migraine. Bao gồm: Flunarizin, nhóm Triptan, nhóm thuốc chống bệnh động kinh,…
Phòng ngừa đau và nhức đầu
Mấu chốt để phòng ngừa đau, nhức đầu là tìm ra nguyên nhân gây ra nó. Thông thường, các tác nhân gây nhức đầu rất cá biệt theo từng người. Và sau khi đã xác định được các yếu tố kích thích này. Bạn có thể tránh hoặc hạn chế chúng.
Những biện pháp phòng ngừa thiết yếu người bệnh có thể áp dụng như là:1 3 5
- Hạn chế tiếp xúc với các tác nhân kích thích mạnh đến khứu giác hoặc thính giác. Chẳng hạn như mùi hăng của hóa chất, tiếng ồn, phấn hoa,…
- Giữ tinh thần lạc quan, thoải mái, hạn chế căng thẳng, lo âu.
- Có chế độ sinh hoạt và nghỉ ngơi hợp lý. Ngủ đủ giấc từ 6-8 giờ mỗi ngày.
- Tránh tùy ý sử dụng những thuốc thường có tác dụng phụ là gây nhức đầu. Điển hình là thuốc điều trị bệnh mạch vành, bệnh tăng huyết áp.
- Không nên lạm dụng thuốc giảm đau.
- Hạn chế các chất kích thích như cà phê, rượu bia hoặc các thức uống có cồn.
Hy vọng bài viết trên đã cung cấp cho bạn những thông tin cần thiết về tình trạng đau đầu. Như đã đề cập, đây là một triệu chứng rất thường gặp trong cuộc sống. Nó biểu hiện cho rất nhiều bệnh lý khác nhau. Để tình trạng nhức đầu được điều trị hiệu quả và nhanh chóng, tốt hơn hết là đến gặp bác sĩ chuyên khoa. Đồng thời, bạn nên duy trì thói quen sinh hoạt khoa học, lành mạnh để phòng ngừa đau nhức đầu nhé.