Nguyên nhân bệnh Parkinson và cách phòng ngừa

Bệnh Parkinson là một trong những bệnh lý thần kinh khá phổ biến. Đây là một bệnh rất thường gặp ở người cao tuổi. Bệnh tiến triển nặng dần và có ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người bệnh. Vậy thì nguyên nhân bệnh Parkinson là gì? Bệnh Parkinson có thể điều trị và phòng ngừa được hay không? Bài viết sau đây của bác sĩ Nguyễn Lâm Giang sẽ làm sáng tỏ những vấn đề này. Mời bạn cùng tìm hiểu nhé!

Nguyên nhân bệnh Parkinson

Bệnh Parkinson xảy ra do sự thoái hóa của các tế bào thần kinh trong một vị trí của bộ não. Phần này có tên gọi là Subantia nigra. Các tế bào thần kinh nằm trong phần này của não có chức năng sản xuất chất dopamine. Dopamine có vai trò như một chất truyền tin giữa các bộ phận của não cũng như hệ thần kinh nói chung. Đồng thời, giúp điều chỉnh và kiểm soát các hoạt động của cơ thể.

Vị trí của Subantia nigra (hay còn gọi là chất đen) trong não người

Khi các tế bào thần kinh này bị hỏng hoặc thoái hóa, lượng dopamine trong não sẽ suy giảm. Tình trạng này đồng nghĩa với việc phần não kiểm soát hoạt động không thể diễn ra một cách bình thường. Điều này dẫn đến các cử động của cơ thể trở nên chậm chạp và khó kiểm soát.

Sự mất mát của các tế bào thần kinh ở vùng Subantia nigra là một quá trình diễn tiến khá chậm. Các dấu hiệu bệnh Parkinson thường chỉ xuất hiện dần khi khoảng 80% tế bào thần kinh trong lớp nền bị chết đi.1 2

Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ của chúng tôi

Yếu tố tăng nguy cơ mắc bệnh Parkinson

Những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh Parkinson bao gồm:

Tuổi tác

Trong phần lớn những người mắc bệnh Parkinson. Biểu hiện của bệnh Parkinson trở nên rõ ràng hơn ở độ tuổi từ 60 trở lên. Tuy nhiên, trong khoảng 5-10% các trường hợp, chúng xuất hiện sớm hơn. Khi các triệu chứng xuất hiện trước độ tuổi 50, người bệnh được gọi là mắc bệnh Parkinson khởi phát sớm.3

Giới tính

Nam giới có nguy cơ mắc bệnh Parkinson cao hơn 50% so với phụ nữ. Tuy nhiên, khi độ tuổi của những người phụ nữ tăng lên, nguy cơ mắc bệnh Parkinson cũng sẽ tăng theo. Các nhà khoa học đã nghiên cứu nguyên nhân này do nhiều yếu tố gây nên, bao gồm:3 4

  • Yếu tố lối sống.
  • Yếu tố di truyền.
  • Các yếu tố liên quan đến nội tiết và sinh sản.
  • Sự thay đổi trong cấu trúc của bộ não liên quan đến hoạt động sản xuất dopamine.

Nam giới có nguy cơ mắc bệnh Parkinson cao hơn phụ nữ

Yếu tố gia đình và di truyền

Theo các tổ chức y tế chuyên nghiên cứu về bệnh Parkinson, có khoảng 10-15% các trường hợp liên quan đến yếu tố di truyền. Điều này giải thích được thắc mắc liệu bệnh Parkinson có di truyền không của nhiều người.5

Các nhà khoa học đã xác định sự biến đổi một số gen có thể dẫn đến bệnh Parkinson. Tuy nhiên, những thay đổi này không phải 100% là do di truyền.6

Một số gen có thể làm tăng nguy cơ phát triển bệnh Parkinson. Tuy nhiên, chúng không gây nên các triệu chứng trên lâm sàng. Gen GBA là một trong số những loại gen được đề cập này.6

Tiền sử chấn thương đầu

Những người có tiền sử bị chấn thương ở đầu sẽ có nguy cơ mắc bệnh Parkinson cao hơn người bình thường. Một nghiên cứu tại Mỹ năm 2018 đã được thực hiện trên các cựu chiến binh. Kết quả cho thấy: Ngay cả những chấn thương nhẹ ở đầu cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh Parkinson lên đến 56%.7

Tiền sử chấn thương đầu làm tăng nguy cơ mắc bệnh Parkinson

Tiếp xúc với hóa chất

Các nhà khoa học cho rằng việc tiếp xúc với các loại hóa chất khác nhau cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh Parkinson. Các loại hóa chất đó bao gồm:8

  • Thuốc diệt cỏ và thuốc trừ sâu.9
  • Các kim loại nặng như: chì, thủy ngân, mangan, đồng, sắt, nhôm, bismuth, thallium,…10
  • Các loại dung môi hữu cơ như: Trichloroethylene (TCE), perchloroethylene,… và Polychlorinated Biphenyls (PCBs).

Điều trị bệnh Parkinson

Sau khi biết được nguyên nhân bệnh Parkinson, bài viết sẽ trình bày những phương pháp điều trị bệnh này để bạn đọc tham khảo. Bệnh Parkinson không thể chữa khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, thuốc có thể giúp giảm nhẹ các triệu chứng của người bệnh ở những mức độ nhất định. Trong một số trường hợp, phẫu thuật não có thể được chỉ định.3 11

Thuốc men

Các loại thuốc điều trị Parkinson mà bác sĩ có thể kê đơn bao gồm:

  • Carbidopa – Levodopa dạng viên uống, dạng hít.
  • Thuốc chủ vận dopamine: pramipexole, ropinirole, rotigotine, apomorphine.
  • Thuốc ức chế MAO B: selegiline, rasagiline, safinamide.
  • Chất ức chế Catechol O-methyltransferase (COMT): entacapone và opicapone là hai loại thuốc chính trong nhóm này.
  • Thuốc kháng cholinergic: Điển hình là benztropine và trihexyphenidyl.
  • Thuốc amantadine.

Phẫu thuật

Phương pháp phẫu thuật chủ yếu để điều trị bệnh Parkinson là kích thích não sâu. Trong phương pháp này, các bác sĩ phẫu thuật sẽ cấy ghép một số điện cực vào một phần cụ thể vào não. Các điện cực được kết nối với một máy phát điện được ghép vào ngực gần xương đòn. Tác dụng để truyền các xung điện đến não và giúp giảm các triệu chứng của bệnh Parkinson.

Bệnh Parkinson có thể ngăn ngừa không?

Các nhà khoa học cho rằng bệnh Parkinson có thể phòng ngừa được ở những mức độ nhất định. Những việc làm sau đây có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh:8 11

  • Uống cà phê hoặc những thức uống có chứa chất caffein.12
  • Tập thể dục thường xuyên ngay từ khi còn trẻ.
  • Hạn chế tiếp xúc với các dung môi hữu cơ như xăng dầu, chất tẩy rửa có mùi thơm,…
  • Mang công cụ bảo vệ đầu khi làm việc tại những nơi có nguy cơ cao chấn thương đầu. Chẳng hạn như: công trường xây dựng, nhà máy sản xuất,…

Hy vọng bài viết sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về nguyên nhân bệnh Parkinson. Đồng thời biết được những phương pháp điều trị và hạn chế nguy cơ mắc bệnh. Nói chung đây là một bệnh lý mạn tính, không thể chữa khỏi hoàn toàn. Đồng thời không có bằng chứng cho thấy hành động cụ thể nào có thể ngăn ngừa bệnh Parkinson. Ngoài ra, nếu bạn còn bất kỳ thắc mắc hay câu hỏi cần tư vấn thì hãy liên hệ với chúng tôi nhé!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *