Rối loạn hành vi là một trong những bệnh lý thuộc chuyên khoa Tâm thần. Bệnh lý này ngày càng trở nên phổ biến trong cuộc sống. Nó gây ảnh hưởng không hề nhỏ đến người bệnh, gia đình người bệnh và cho xã hội nói chung. Vậy thì rối loạn này có nguyên nhân do đâu? Biểu hiện của bệnh và cách điều trị ra sao? Tất cả sẽ được giải đáp qua bài viết sau đây của bác sĩ Nguyễn Lâm Giang. Mời bạn cùng tìm hiểu nhé.
Rối loạn hành vi là gì?
Những rối loạn bất thường về hành vi chính là sự kéo dài dai dẳng theo thời gian của tập hợp nhiều hành vi bất thường. Đặc trưng của những rối loạn ấy là hành vi gây hấn và vi phạm các quyền cũng như lợi ích chính đáng của người khác. Bệnh thường gặp nhiều ở trẻ nhỏ, trẻ vị thành niên tuy nhiên cũng có thể xuất hiện ở người lớn.1 2
Trẻ em mắc chứng rối loạn này có thể xuất hiện một hoặc nhiều hơn các biểu hiện sau:3
- Tấn công về thân thể hoặc đe dọa gây xâm hại đến cơ thể.
- Tự hủy hoại tài sản của chính bản thân hoặc của những người khác.
- Những hành vi lừa dối, trộm cắp.
- Thường xuyên vi phạm các quy tắc phù hợp so với những trẻ cùng độ tuổi.
Một số rối loạn tâm thần khác thường liên quan mật thiết với những bất thường về hành vi như:4
Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Sức khỏe tâm thần, tải ngay ứng dụng YouMed.
- Rối loạn tăng động giảm chú ý (viết tắt là ADHD).
- Trầm cảm, hưng cảm.
- Các rối loạn trong việc học tập.
Nhiều yếu tố tâm lý xã hội cũng có liên hệ nhất định với chứng rối loạn này. Chẳng hạn như:1 3
- Tiền sử bị bạo lực gia đình.
- Cha mẹ sống không thuận hòa.
- Thiếu sự dạy bảo của cha mẹ.
- Hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn,…
Ai có nguy cơ bị rối loạn hành vi?
Những đối tượng sau đây sẽ có nguy cơ cao phát triển những rối loạn, bất thường hành vi:1 3
- Tiền sử từ tuổi ấu thơ: gặp những khó khăn trong học tập, khởi phát sớm sự rối loạn cảm xúc, khí sắc.
- Chậm phát triển trí tuệ – tâm thần, vận động.
- Tiền sử chấn thương ở vùng đầu, co giật và những tổn thương khác tại hệ thần kinh.
- Tiền sử mắc các rối loạn tâm thần khác trước đó. Điển hình như: loạn thần cấp, rối loạn sử dụng chất, trầm cảm, hưng cảm,…
- Từng bị ngược đãi, xâm phạm thân thể, tình dục trong quá khứ.
- Gia đình có người thân bị mắc bệnh tâm thần, hoặc có người thân phạm tội.
- Cha mẹ ruột là người bị một trong các bệnh lý tâm thần có ảnh hưởng đến hành vi. Điển hình như: tâm thần phân liệt, rối loạn khí sắc, rối loạn nhân cách,…
Đặc điểm nhận biết người rối loạn hành vi
Đối với trẻ em và tuổi vị thành niên
Trẻ em và trẻ ở độ tuổi vị thành niên sẽ có những biểu hiện sau đây:3 4
- Hay bắt nạt người khác.
- Đối xử độc ác với các loài động vật.
- Phá hoại tài sản của người khác.
- Thường xuyên gây gổ, đánh nhau.
- Có thói quen ra ngoài muộn vào ban đêm.
- Đối xử rất tàn nhẫn với người khác.
- Thường xuyên có những hành vi tiêu cực, không chịu tuân theo quy tắc của tập thể, xã hội.
- Không chịu đi học.
- Nói dối và lừa gạt người khác.
- Có thói quen trộm cắp.
Đối với người lớn
Người lớn có hành vi bị rối loạn sẽ xuất hiện các biểu hiện sau:1
- Thường xuyên gây hấn với người khác thông qua lời nói và hành động.
- Dễ nóng giận, gây gổ với những người xung quanh dù là một vấn đề rất nhỏ.
- Đe dọa, đánh đập hoặc những hành vi nguy hiểm, có thể xâm hại đến người khác.
- Đánh đập động vật, giết hại một cách không thương tiếc.
- Dễ lạm dụng rượu bia, các chất kích thích, ma túy.
- Ép người khác quan hệ tình dục hoặc có hành vi cưỡng hiếp.
- Thường xuyên trộm cắp, nói dối.
- Việc tuân theo các nguyên tắc đạo đức chuẩn mực gặp nhiều khó khăn.
- Không thể chịu đựng ở những nơi tôn nghiêm, đòi hỏi tuân thủ nhiều quy tắc.
Các phương pháp điều trị rối loạn hành vi
Phương pháp điều trị đa phương thức thường được áp dụng trong bệnh chứng hành vi rối loạn. Điển hình bao gồm:
- Can thiệp hành vi trị liệu.
- Giáo dục trị liệu.
- Tâm lý trị liệu.
- Sự hỗ trợ từ gia đình.
- Can thiệp bằng thuốc.
Tâm lý trị liệu cá nhân thường dựa trên hành vi. Phương pháp này hướng vào một số kỹ năng xử lý tình huống, giải quyết vấn đề. Đi kèm với đó là những phần thưởng phù hợp chứng tỏ rất hữu ích với nhiều trường hợp người bệnh. Tuổi bắt đầu điều trị là rất quan trọng. Bởi vì những hành vi thích nghi không tốt càng kéo dài bao nhiêu thì các rối loạn về hành vi sẽ càng khó thay đổi bấy nhiêu.1 3
Ngoài ra, một số loại thuốc sau đây có thể hỗ trợ điều trị tình trạng này:1 5
- Nhóm thuốc chống loạn thần haloperidol, risperidone hiệu quả trong việc điều trị sự hung hăng.
- Thuốc kích thích methylphenidate và ức chế Alpha (clonidin) có hiệu quả trong điều trị tăng động giảm chú ý.
- Thuốc ổn định cảm xúc: acid valproic, carbamazepin, lithium,… có hiệu quả trong việc giảm những hành vi gây hấn, bốc đồng.
Có thể phòng ngừa rối loạn hành vi không?
Hành vi bị rối loạn hầu hết có liên quan đến yếu tố tâm lý xã hội. Những yếu tố ấy xuất phát từ môi trường sống tại gia đình, nhà trường và xã hội. Chúng đóng vai trò chủ đạo trong cơ chế gây bệnh và khởi phát bệnh. Vì vậy, công tác phòng ngừa rối loạn cảm xúc, hành vi ở trẻ em và người lớn cần có sự quan tâm của toàn xã hội. Với sự kết hợp của nhiều lĩnh vực liên quan như: văn hóa, giáo dục, y tế, an ninh,…3
Sự ảnh hưởng của các lĩnh vực liên quan3
- Ngành giáo dục nên chú ý đến việc giảng dạy về tâm lý, đạo đức, tác phong, ngôn ngữ,… cho học sinh, sinh viên.
- Lĩnh vực y tế cần chú ý phát triển ngành tâm thần nói chung và ngành tâm thần ở trẻ em nói riêng. Mục đích để tăng cường công tác điều trị và phòng ngừa rối loạn cảm xúc, hành vi cùng các rối loạn tâm lý xã hội khác.
- Ngành văn hóa cần kiểm tra chặt chẽ các loại phương tiện thông tin đại chúng. Chẳng hạn như sách, báo, tạp chí,… để loại trừ tối đa những văn hóa phẩm không lành mạnh.
Biện pháp phòng ngừa dành cho mỗi cá nhân1 3
- Duy trì thói quen tập thể dục hàng ngày để tăng cường sức khỏe tâm thần.
- Có chế độ học tập, làm việc và nghỉ ngơi hợp lý. Hạn chế lo âu, stress, căng thẳng.
- Không nên lạm dụng các loại chất kích thích.
- Không sử dụng ma túy dù chỉ một lần.
- Điều trị thật triệt để các bệnh lý Tâm thần kinh như: trầm cảm, lo âu, viêm não,…
Nói chung, rối loạn hành vi là một bệnh lý tâm thần có thể xảy ra ở cả trẻ em và người lớn. Bệnh có thể gây ra những hậu quả không hề nhỏ cho cá nhân, gia đình và xã hội. Phòng ngừa và điều trị bệnh hiệu quả góp phần mang lại sức khỏe thể chất, tinh thần thật tốt cho mọi người. Đồng thời góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển.