Bệnh Alzheimer hiện vẫn đang là một gánh nặng nhất định cho gia đình và xã hội. Đến nay, bệnh lý này vẫn chưa có thuốc điều trị triệt để. Vậy thì triệu chứng bệnh Alzheimer theo từng giai đoạn sẽ có những đặc điểm như thế nào? Chúng ta cần lưu ý những gì trong những giai đoạn ấy? Mời bạn tham khảo bài viết sau đây của Bác sĩ Nguyễn Lâm Giang để được giải đáp thắc mắc nhé!
Bệnh Alzheimer là gì?
Trước khi tìm hiểu triệu chứng bệnh Alzheimer thì chúng ta hãy cùng tìm hiểu khái niệm về bệnh Alzheimer.
Bệnh Alzheimer là nguyên nhân thường gặp nhất gây ra tình trạng sa sút trí tuệ ở người cao tuổi. “Sa sút trí tuệ” là một thuật ngữ chung cho tình trạng mất trí nhớ và nhiều khả năng nhận thức khác. Sự sa sút ấy nghiêm trọng đến mức độ có thể cản trở cuộc sống thường ngày. Trong số khoảng 50 triệu người trên thế giới mắc chứng sa sút trí tuệ, ước tính khoảng 60-70% mắc bệnh Alzheimer.1 2
Bệnh Alzheimer thường tiến triển một cách từ từ. Trong đó, theo thời gian, các triệu chứng sa sút trí tuệ sẽ trở nên ngày càng nghiêm trọng hơn. Ở giai đoạn đầu, trí nhớ thường suy giảm nhẹ. Tuy nhiên ở giai đoạn cuối, người bệnh sẽ mất khả năng giao tiếp và phản ứng với môi trường bên ngoài. Đặc biệt, Alzheimer là nguyên nhân xếp hàng thứ sáu gây tử vong ở nước Mỹ hàng năm.1 2
Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ của chúng tôi
Triệu chứng bệnh Alzheimer theo từng giai đoạn
Theo từng giai đoạn, triệu chứng của bệnh Alzheimer sẽ có những nét đặc trưng riêng. Sau đây là những giai đoạn chính của bệnh Alzheimer:1 2 3
Giai đoạn trước khi mất trí nhớ
Trong giai đoạn này, người bệnh thường khỏe mạnh, trí nhớ thường không bị rối loạn. Đồng thời, khi các bác sĩ thăm khám, người bệnh sẽ không xuất hiện bất cứ triệu chứng điển hình nào.
Giai đoạn nhẹ
Trong giai đoạn này, người bệnh có thể nhận ra trí nhớ của họ bị suy giảm ở mức độ nhẹ. Biểu hiện thông qua việc quên một vài từ ngữ hoặc tên gọi mà trước đây khá quen thuộc. Họ cũng có thể quên vị trí để những đồ vật thân thuộc hàng ngày như: chìa khóa cửa, tiền, quần áo,… Tuy nhiên, các biểu hiện này thường không được người nhà nhận biết.
Về sau, triệu chứng bệnh Alzheimer biểu hiện ngày càng rõ hơn. Người thân, bạn bè cũng dần dần nhận ra sự suy giảm trí nhớ của người bệnh. Khi này những khó khăn mà người bệnh thường gặp phải là:
- Ghi nhớ tên của một người mới gặp.
- Nhớ những thông tin sau khi đọc một đoạn văn hoặc nghe một bản tin.
- Làm thất lạc, làm mất một vật nào đó quen thuộc. Chẳng hạn như: chìa khóa xe, tiền, trang sức,…
- Suy giảm khả năng lên kế hoạch cho công việc sắp tới.
Giai đoạn khá nặng
Biểu hiện của bệnh Alzheimer trong giai đoạn này đã rõ ràng hơn. Người bệnh thường:
- Giảm khả năng ghi nhớ những sự kiện gần đây nhất, hoặc vừa mới diễn ra trong nửa ngày.
- Suy giảm khả năng tính toán. Chẳng hạn như thực hiện liên tiếp 5 lần một phép tính toán đơn giản nào đó.
- Không thể nhớ về tiền sử cá nhân của mình một cách rõ ràng, có trình tự.
- Người bệnh thường tỏ ra vẻ thờ ơ, lãnh đạm, giảm hoặc mất khả năng tập trung vào cuộc giao tiếp.
- Người bệnh thậm chí có thể nhầm lẫn về ngày, tháng, năm, các mùa trong năm.
- Tuy nhiên, người bệnh vẫn còn có thể nhớ tên mình, tên những người thân trong gia đình.
Giai đoạn nặng
Trong giai đoạn này, triệu chứng bệnh Alzheimer thường biểu hiện ra như sau:
- Mất hoàn toàn nhận thức về môi trường xung quanh cũng như các sự kiện gần nhất.
- Còn nhớ được tên mình. Một số trường hợp có thể quên cả tên tuổi của bản thân.
- Thỉnh thoảng vẫn phân biệt được người quen và người lạ.
- Rối loạn giấc ngủ từ trung bình đến nặng.
- Hầu hết người bệnh cần sự trợ giúp trong việc vệ sinh cá nhân. Chẳng hạn như: tắm rửa, đi tiêu, đi tiểu.
- Thay đổi về tính cách rõ rệt. Có thể dễ cáu gắt, gây hấn, buồn bã,…
- Hay đi lang thang, không nhớ đường về nhà và bị lạc đường.
Những ai có nguy cơ cao mắc bệnh Alzheimer?
Nguyên nhân bệnh Alzheimer2 4
Tìm hiểu nguyên nhân bệnh Alzheimer sẽ giúp chúng ta biết được những đối tượng nguy cơ của bệnh lý này. Hiện nay, nguyên nhân của bệnh Alzheimer vẫn chưa được xác định một cách cụ thể. Tuy nhiên, các nhà khoa học đã đưa ra một số giả thuyết bao gồm:
- Sự xuất hiện của các loại protein gây độc, hủy hoại các tế bào của bộ não.
- Hệ thống dẫn truyền thần kinh bị gián đoạn do sự hủy myelin và giảm chất dẫn truyền thần kinh.
- Sự gia tăng nồng độ các chất oxy hóa trong tổ chức não gây chết các tế bào não.
Những đối tượng nguy cơ cao của bệnh Alzheimer4
Sau đây là những đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh Alzheimer:
- Những người cao tuổi. Theo nhiều thống kê trên thế giới, những người có độ tuổi từ 65 tuổi trở lên đều có nguy cơ mắc bệnh Alzheimer. Nguy cơ này sẽ gia tăng tỷ lệ thuận với sự gia tăng của độ tuổi.
- Di truyền. Nguy cơ xuất hiện bệnh Alzheimer sẽ gia tăng nếu người thân thế hệ thứ nhất – cha mẹ hoặc anh chị em của người bệnh – mắc bệnh. Một biến thể của gen, APOE e4, được cho là làm tăng nguy cơ mắc bệnh Alzheimer. Cơ chế này giúp cho chúng ta biết được bệnh Alzheimer có di truyền hay không.5
- Giới tính. Theo nhiều nghiên cứu trên thế giới, phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh Alzheimer cao hơn so với nam giới.
- Các bệnh lý tại não xảy ra ở giai đoạn trước 65 tuổi. Bao gồm: chấn thương đầu, viêm não, rối loạn giấc ngủ, nghiện rượu,…
Bệnh Alzheimer có chữa khỏi không?
Bệnh Alzheimer là một bệnh lý mạn tính, tiến triển nặng dần và không thể chữa khỏi hoàn toàn. Việc điều trị nhằm mục tiêu làm chậm thời gian bệnh tiến triển. Đồng thời cải thiện phần nào chất lượng cuộc sống của người bệnh nói riêng và gia đình người bệnh nói chung.6
Hy vọng bài viết đã cung cấp cho bạn những thông tin cần thiết về triệu chứng bệnh Alzheimer. Nhìn chung có thể thấy, các triệu chứng của bệnh sẽ thay đổi tùy theo từng giai đoạn bệnh. Đây là một bệnh lý mạn tính và không có thuốc chữa khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, việc phát hiện sớm bệnh và điều trị tích cực có thể giúp kéo dài quá trình tiến triển của bệnh. Đồng thời giúp cải thiện phần nào đó chất lượng cuộc sống cho người bệnh.