Stress nặng: Triệu chứng, hậu quả và cách quản lý

Stress nặng là một trạng thái đáng báo động. Chúng ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống của người mắc phải. Vậy stress nặng có những dấu hiệu nào và cách quản lý chúng ra sao? Hãy cùng Chuyên viên tâm lý Nguyễn Thị Hương tìm hiểu ngay dưới đây để biết cách kiểm soát chúng khi cần nhé. 

Những triệu chứng của stress nặng

Stress nặng rất dễ nhận biết. Chúng biểu hiện trên tất cả mọi khía cạnh cuộc sống như hành vi, cảm xúc, sức khỏe thể chất…của người bệnh.

Các dấu hiệu cảm xúc của stress nặng1 2

Dễ kích động, thất vọng và ủ rũ

Những người bị stress nặng thường có cảm xúc tiêu cực. Họ dễ bị kích động ngay cả trong những tình huống thông thường. Sự kích động có thể biểu hiện ở trạng thái dễ dàng cáu gắt, tức giận hoặc ủ rũ, thất vọng. Có thể nói, người bị stress nặng thường trở nên nhạy cảm hơn với mọi vấn đề trong cuộc sống. Họ cảm thấy bị mất kiểm soát hoặc ngược lại, muốn kiểm soát tất cả mọi điều đang xảy ra.

Có những suy nghĩ tồi tệ về bản thân

Một dấu hiệu nữa dễ nhận thấy khi bị stress là người bệnh có xu hướng suy nghĩ tồi tệ về bản thân. Họ cảm thấy mình không có giá trị, bất lực hoặc cô đơn. Một số trường hợp tiến triển xấu còn khiến người bệnh xa lánh mọi người và thậm chí là đến mức trầm cảm.

Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Tâm lý, tải ngay ứng dụng YouMed.

Khó thư giãn và tĩnh tâm

Người bị stress nặng rất khó thư giãn. Các loại hormone stress tiết ra khiến cơ thể luôn trong tình trạng chiến đấu. Chính vì thế, họ khó bình tĩnh hay thư giãn. Stress kéo dài còn khiến tâm trạng bức bối, khó chịu và rất dễ nổi nóng.

Dấu hiệu thể chất của stress nặng

Đau đầu hoặc đau nhức cơ bắp

Đau nhức là một trong những triệu chứng stress nặng dễ nhận thấy. Khi phải đối diện với các vấn đề gây căng thẳng, các loại hormone được tiết ra sẽ làm cơ thể luôn phải ở trong tình trạng hoạt động cường độ cao. Do vậy, các cơn đau bắt đầu xuất hiện. Chúng như một dấu hiệu báo rằng bạn đang bị quá tải.

Đau đầu là một trong những dấu hiệu của stress nặng

Giảm ham muốn hoặc khả năng tình dục

Stress kéo dài có thể tác động tiêu cực đến sự ham muốn cũng như khả năng tình dục. Một kết quả nghiên cứu được công bố vào năm 2014 đã cho thấy điều này.3 Không chỉ riêng tình dục, khao khát được thân mật cũng giảm sút nếu stress chuyển thành mãn tính.

Khó ngủ hoặc mất ngủ

Khi bị stress lâu ngày, nguy cơ mất ngủ là rất cao. Hormone cortisol khiến bạn khó mà bình tĩnh và thư thái để có thể đi vào giấc ngủ. Đặc biệt là khi các suy nghĩ còn tràn ngập trong đầu và phần lớn đó là các suy nghĩ tiêu cực và lo lắng.

Dấu hiệu nhận thức khi bị stress nặng

Giảm khả năng tập trung và hay quên

Nếu như gần đây bạn cảm thấy mình hay quên hoặc khả năng tập trung kém đi thì rất có thể đó là hậu quả của stress kéo dài. Một nghiên cứu trên động vật đã cho thấy, những con chuột tiếp xúc với căng thẳng cấp tính thường có hiệu suất trí nhớ kém hơn.4 Các nhà khoa học cũng đã nhận thấy một số loại hormone tiết ra sau khi căng thẳng có thể gây chấn thương hoặc suy giảm trí nhớ.5

Lo lắng

Bệnh stress nặng thường đi kèm với biểu hiện lo lắng. Đó là cảm giác sợ hãi thường xuyên về một vấn đề gì đó. Những người thường trải qua mức độ stress cao thường có nguy cơ bị lo lắng nhiều hơn so với những đối tượng khác.

Hậu quả của stress nặng

Stress nặng kéo dài có thể làm trầm trọng hơn hoặc gây ra nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Trong đó bao gồm cả vấn đề sức khỏe thể chất và tinh thần. Người bị stress nặng có khả năng gặp các vấn đề như trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn nhân cách… Bên cạnh đó, các bệnh về tim mạch, tiêu hóa, rối loạn ăn uống, béo phì…cũng có thể xuất hiện hoặc nặng hơn do stress.

Stress gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe

Cách giảm stress nặng

Stress nặng khiến người mắc phải phải đối diện với nhiều nguy cơ. Tuy nhiên, chúng ta hoàn toàn có thể quản lý và làm giảm chúng xuống. Có khá nhiều kỹ thuật đơn giản mà chúng ta có thể áp dụng hằng ngày để giúp tâm trí khỏe mạnh hơn.

Tăng cường các hoạt động thể chất

Các hoạt động thể chất như tập thể dục, làm vườn, leo cầu thang bộ…đều có tác dụng làm giảm căng thẳng. Khi tập trung vào các động tác của của cơ thể khi thực hiện hoạt động này, chúng ta sẽ ngừng nghĩ đến vấn đề gây stress. Từ đó, căng thẳng được giảm bớt và bạn cũng sẽ thư giãn hơn. Bạn hãy chọn bất kỳ một hoạt động thể chất yêu thích nào đó như thể dục nhịp điệu, yoga, chạy bộ, đạp xe…và tập luyện thành một thói quen. Bạn sẽ thấy hữu ích ngay đấy nhé.

Thiền chánh niệm

Thiền ngày càng trở nên phổ biến trong cuộc sống và chúng cũng rất hữu ích trong việc quản lý stress nặng. Đặc biệt, kỹ thuật này còn được ưa chuộng bởi tính đơn giản, chi phí thấp và có thể thực hiện bất cứ lúc nào. Chỉ vài phút thiền mỗi ngày cũng giúp ích rất nhiều cho tâm trí của bạn.

Thiền là một kỹ thuật giúp quản lý stress hiệu quả

Tăng cường sự kết nối

Một kỹ thuật khá đơn giản nữa để kiểm soát stress là trò chuyện với người thân hoặc người mà bạn tin tưởng. Điều này sẽ giúp chúng ta giải tỏa bớt những cảm xúc tiêu cực và có sự kết nối tốt hơn với người xung quanh. Nếu không muốn trò chuyện, bạn có thể viết nhật ký, vẽ tranh, tô màu… Đây đều là những phương pháp giải tỏa stress cực kỳ hữu hiệu.

Stress nặng có hậu quả khá nặng nề nếu không được phát hiện và kiểm soát kịp thời. Do vậy, nếu thấy có những dấu hiệu đáng ngờ, bạn hãy áp dụng ngay một số cách để giảm tải bớt gánh nặng cho tâm trí. Nếu tình trạng kéo dài và không giảm bớt, đừng ngần ngại liên hệ với những người có chuyên môn để được giúp đỡ.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *