Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng là tình trạng có thể gây ra nhiều khó khăn trong đời sống sinh hoạt của người bệnh. Nhiều người lầm tưởng bệnh chỉ có thể xảy ra ở người lớn tuổi. Thực tế, bệnh cũng có thể xảy ra ở mọi đối tượng, đặc biệt là lứa tuổi lao động. Bài viết sau đây của Thạc sĩ, Bác sĩ Đào Duy Phương sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng. Từ đó cùng với bác sĩ điều trị lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp.
Giải phẫu các đĩa đệm
Để hiểu thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng là gì và gây ra các triệu chứng gì, trước tiên, chúng ta hãy cùng tìm hiểu về giải phẫu vùng lưng và cột sống thắt lưng.
Vùng lưng
Lưng được tạo thành từ:
- Đốt sống: đây là “xương lưng” của bạn. Các đốt sống xếp chồng lên nhau như một xấp tiền xu. Mỗi xương có một lỗ ở trung tâm. Khi xếp chồng lên nhau tạo thành một “ống” rỗng bảo vệ tủy sống.
- Tủy sống và rễ thần kinh: tủy sống tập hợp đường đi của các dây thần kinh kết nối não với phần còn lại của cơ thể. Tủy sống chạy trong ống sống. Các rễ thần kinh phân nhánh từ tủy sống và đi ra lỗ liên hợp giữa hai đốt sống. Từ đó, chúng kết nối với tay, chân và các cơ quan. Đây cũng là lý do tại sao các vấn đề ở lưng có thể gây đau chân, hoặc các vấn đề về bàng quang.
- Cơ, gân và dây chằng – cơ, gân và dây chằng được gọi là “mô mềm” của lưng. Các mô mềm này hỗ trợ lưng.
- Đĩa đệm – nằm ở giữa hai đốt sống để làm đệm và cho phép chuyển động.
Đĩa đệm có lớp bao xơ bên ngoài dai và phần nhân nhầy trung tâm giống như thạch. Lớp bao xơ bên ngoài của đĩa đệm đôi khi có thể bị vỡ ra, làm thoát phần nhân nhầy bên trong. bác sĩ gọi đó là thoát vị đĩa đệm.
Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ của chúng tôi
Các đĩa đệm bị thoát vị có thể gây ra các triệu chứng do phần nhân nhầy tràn ra ngoài có thể gây kích ứng các dây thần kinh lân cận. Thêm vào đó, bản thân đĩa đệm có thể phình ra và chèn ép lên các rễ thần kinh.
Cột sống thắt lưng
Cột sống được tạo thành từ 24 xương đốt sống.
Phần thắt lưng (lưng thấp) của cột sống chịu hầu hết trọng lượng của cơ thể. Có 5 đốt sống thắt lưng được đánh số từ L1 đến L5. Các đốt sống được ngăn cách bởi các đĩa đệm, hoạt động như bộ phận chống sốc, ngăn các đốt sống cọ xát với nhau.
Vòng ngoài của đĩa đệm được gọi là vòng xơ cấu tạo bởi các dải sợi liên kết giữa các thân sống. Mỗi đĩa có nhân nhầy trung tâm. Ở mỗi mức đĩa đệm, một cặp dây thần kinh gai thoát ra khỏi tủy sống.
Tủy sống và các dây thần kinh gai sống hoạt động cho phép các tín hiệu, hoặc xung động được truyền qua lại giữa não và cơ thể để truyền lại cảm giác và kiểm soát chuyển động.
Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng là gì?
Thoát vị đĩa đệm xảy ra khi nhân nhầy của đĩa đệm vỡ ra qua một vết rách của vòng xơ. Nhân nhầy gây kích ứng rễ thần kinh, gây ra một sự kích thích đó giống như một kích ứng hóa học.
Cơn đau là do viêm và sưng rễ thần kinh do áp lực của đĩa đệm thoát vị gây ra. Theo thời gian, mảnh thoát vị có xu hướng co lại và bạn có thể giảm đau một phần hoặc hoàn toàn. Trong hầu hết các trường hợp, đau lưng vùng thắt lưng thấp hoặc chân sẽ giảm trong khoảng 6 tuần.
Lồi đĩa đệm xảy ra khi vòng xơ vẫn còn nguyên vẹn nhưng tạo thành một chỗ lồi ra có thể chèn ép lên các rễ thần kinh. Đĩa thoát vị thực sự xảy ra khi vòng xơ bị nứt hoặc vỡ, cho phép nhân nhầy trung tâm bị ép ra. Đôi khi thoát vị nghiêm trọng đến mức xuất hiện một mảnh rời; có nghĩa là một mảnh đã vỡ hoàn toàn khỏi đĩa đệm và nằm trong ống sống.
Hầu hết các đĩa đệm thoát vị xảy ra ở cột sống thắt lưng, nơi các dây thần kinh cột sống thoát ra giữa các đốt sống thắt lưng; và sau đó liên kết lại với nhau để tạo thành dây thần kinh ngồi (thần kinh tọa), chạy xuống chân người bệnh.
Nguyên nhân của thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng
Đĩa đệm có thể phình to, lồi ra hoặc thoát vị do chấn thương và nâng vật nặng không đúng cách, hoặc có thể xảy ra tự phát.
Bên cạnh đó, lão hóa đóng một vai trò quan trọng. Khi tuổi già, đĩa đệm mất nước trở nên khô và cứng hơn. Vòng xơ phía ngoài của đĩa có thể yếu đi. Nhân nhầy có thể phồng lên hoặc vỡ ra qua một vết rách của vòng xơ, gây đau khi chạm vào dây thần kinh.
Di truyền, hút thuốc lá và một số hoạt động nghề nghiệp và giải trí dẫn đến thoái hóa đĩa đệm sớm hơn.
Chấn thương, lao động nặng là những yếu tố chính làm ảnh hưởng đến cấu trúc bản tận của đĩa đệm.
Giảm lưu thông máu do hút thuốc lá (làm hư hại những mạch máu nhỏ), do tiểu đường, giảm dinh dưỡng, vôi hóa bản tận, là những yếu tố thúc đẩy tiến trình thoái hóa. Khi bản tận bị thay đổi cấu trúc, sự khuếch tán nuôi dưỡng đĩa đệm giảm, giảm nước trong nhân nhầy, giảm áp lực thủy tĩnh: lực nén chuyển ra ngoài làm xé rách vòng sợi dẫn tới nhân đệm lồi, có ba dạng: lồi lan toả, rách vòng xơ, mãnh rời.
Ai có nguy cơ mắc thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng?
Thoát vị đĩa đệm xảy ra phổ biến nhất ở độ tuổi 30 – 40. Mặc dù những người trung niên và lớn tuổi có nguy cơ cao hơn một chút, nếu họ tham gia vào các hoạt động thể chất mạnh.
Thoát vị đĩa đệm thắt lưng là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất của đau lưng dưới liên quan đến đau chân, và xảy ra phổ biến gấp 15 lần so với thoát vị đĩa đệm cổ. Thoát vị đĩa đệm xảy ra 8% ở vùng cổ và chỉ 1- 2% thời gian ở vùng trên lưng (ngực).
Triệu chứng của thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng
Thoát vị đĩa đệm không phải lúc nào cũng có triệu chứng. Mặc khác, các triệu chứng phổ biến nhất là tê, đau hoặc giảm cảm giác lan dọc xuống chân một bên hoặc hai bên. Những triệu chứng này ảnh hưởng đến các phần khác nhau của chân, tùy thuộc tầng đĩa đệm bị thoát vị.
- Khởi phát đau lưng. Người bệnh có thể cảm thấy đau tỏa ra từ vùng lưng dưới.
- Khi đau lan dọc xuống chân thì đau lưng giảm.
- Đau lan xuống mông, đùi, cẳng chân; giảm đau với tư thế gập háng & gập gối. Người bệnh phải thay đổi tư thế mỗi 10-20 phút.
- Hiệu ứng ho (Cough effect): 87% tăng đau khi ho, hắt hơi, nhảy mũi, rặn đi đại tiện.
- Triệu chứng bàng quang (1-18%): Lúc đầu Bàng quang giảm cảm giác là dấu hiệu có sớm như khó đi tiểu, tiểu rặn, tiểu còn tồn đọng nước tiểu. Về sau, thường thấy có triệu chứng “kích thích” như mắc tiểu không nhịn lâu được (urinary urgency), tiểu nhiều lần (không bao gồm tiểu đêm). Bí tiểu liên quan đến chèn ép chùm rễ thần kinh đuôi ngựa.
Khi nào đến gặp bác sĩ?
Người bệnh nên đến khám bác sĩ khi có các triệu chứng sau đây:
- Đau lưng mới xuất hiện, lan xuống mông đùi hoặc xuống chân.
- Đau lưng hoặc chân kèm theo yếu chân hoặc các vấn đề rối loạn tiêu tiểu.
- Khi gặp tình trạng “bàn chân rơi”. Đó là khi bạn dường như không thể giữ bàn chân của mình lên. Bạn có thể nhận thấy điều này đặc biệt là khi đi bộ, rớt dép.
- Đau lưng hoặc chân kèm theo sốt hoặc các triệu chứng khác khiến bạn lo lắng.
Chẩn đoán được thực hiện như thế nào?
Việc chụp phim có thể kiểm tra xem có bị thoát vị đĩa đệm hay không, nhưng hầu hết người bệnh không cần. Đó là bởi vì hầu hết những người có các triệu chứng của thoát vị đĩa đệm sẽ tự thuyên giảm, bất kể hình ảnh đó cho thấy gì.
Chẩn đoán hình ảnh, chẳng hạn như chụp MRI hoặc chụp CT, có thể cho biết các mô bên trong lưng trông như thế nào. Các xét nghiệm này có thể tìm thấy đĩa đệm thoát vị nếu có. Nhưng các bác sĩ thường không chỉ định cho đến khi một người đã có các triệu chứng trong ít nhất 4 đến 6 tuần. Trong hầu hết các trường hợp, việc yêu cầu xét nghiệm sớm hơn là không có ý nghĩa; bởi vì việc điều trị thoát vị đĩa đệm trong những tuần đầu tiên là như nhau, cho dù xét nghiệm hình ảnh có thể cho thấy gì.
1. Cộng hưởng từ (MRI)
MRI là phương pháp chẩn đoán không xâm lấn, sử dụng từ trường để khảo sát chi tiết về mô mềm cột sống. Từ đó, thần kinh và đĩa đệm có thể nhìn thấy rõ ràng. Có thể bơm thuốc tương phản từ hoặc không.
MRI có thể phát hiện chính xác đĩa đệm nào bị tổn thương và bất kỳ rễ thần kinh nào bị chèn ép. MRI cũng có thể phát hiện tăng sinh xương, u tủy hoặc áp-xe.
2. Chụp X-quang
Chụp X-quang ống sống là phương pháp chuyên biệt; trong đó, thuốc cản quang được tiêm vào ống sống thông qua chọc dò tủy sống. Thuốc cản quang hiển thị màu trắng trên tia X, cho phép bác sĩ xem chi tiết tủy sống và ống sống. Bên cạnh đó, có thể cho thấy một dây thần kinh bị chèn ép bởi đĩa đệm thoát vị, gai xương, khối u tủy và áp-xe.
Chụp X quang xem các xương đốt sống và có thể cho bác sĩ biết nếu có bất kỳ đốt sống nào quá gần nhau hoặc liệu bạn có bị thay đổi khớp, gai xương hoặc gãy xương hay không. Không thể chẩn đoán thoát vị đĩa đệm chỉ với X-Quang.
3. Chụp cắt lớp vi tính (CT-scan)
CT-scan là hình ảnh không xâm lấn, sử dụng chùm tia X và máy tính để tạo hình ảnh 2 chiều của cột sống. Có thể tiêm thuốc cản quang hoặc không. Chụp CT này đặc biệt hữu ích để xác nhận đĩa nào bị hỏng.
Đo điện cơ (EMG) và đo dẫn truyền thần kinh (NCS)
Các phương pháp này đo hoạt động điện của các dây thần kinh và cơ bắp. Kim nhỏ hoặc điện cực được đặt trong cơ và tín hiệu được ghi nhận trên máy tính.
NCS cũng tương tự, nhưng nó đo xem các dây thần kinh của bạn truyền tín hiệu điện từ một đầu dây thần kinh này sang đầu khác tốt như thế nào. Vì thoát vị đĩa đệm gây chèn ép lên rễ thần kinh, thần kinh không thể thu nhận cảm giác và điều khiển chuyển động cho cơ theo cách bình thường. Giúp phát hiện tổn thương thần kinh.
Điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng
Điều trị bảo tồn không phẫu thuật
Đây là bước đầu tiên để phục hồi và có thể bao gồm thuốc, nghỉ ngơi, xoa bóp, vật lý trị liệu, tập thể dục tại nhà, thủy liệu pháp, tiêm steroid ngoài màng cứng (ESI), thao tác nắn khớp và kiểm soát đau.
Với phương pháp điều trị theo nhóm, 80% người bị đau lưng cải thiện trong khoảng 6 tuần và trở lại hoạt động bình thường. Nếu không đáp ứng với điều trị bảo tồn hoặc triệu chứng tăng nặng hơn có thể xem xét phẫu thuật.
Cụ thể, các phương pháp điều trị không phẫu thuật bao gồm:
1. Tự chăm sóc
Trong hầu hết các trường hợp, cơn đau do thoát vị đĩa đệm sẽ trở nên tốt hơn trong vòng vài ngày và giải quyết hoàn toàn trong 4 đến 6 tuần. Hạn chế hoạt động, điều trị bằng kem/nóng và sử dụng thuốc kháng viêm, giảm đau sẽ giúp người bệnh phục hồi.
2. Thuốc
Bác sĩ có thể kê toa các thuốc giảm đau, thuốc kháng viêm không steroid (NSAID) và steroid. Đôi khi thuốc giãn cơ được kê đơn để giảm co thắt cơ.
- Các thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs) như aspirin, naproxen (alleve, naprosyn), ibuprofen (motrin, nuprin, advil), và celecoxib (celebrex); là các ví dụ về các thuốc NSAIDs được sử dụng để làm giảm viêm và giảm đau.
- Thuốc giảm đau, chẳng hạn như acetaminophen (tylenol), có thể làm giảm đau nhưng không có tác dụng kháng viêm như NSAID. Sử dụng lâu dài các thuốc giảm đau và NSAID có thể gây loét dạ dày và các vấn đề về gan thận.
- Thuốc giãn cơ, chẳng hạn như methocarbamol (robaxin), carisoprodol (soma) và cyclobenzaprine (flexeril), có thể được kê toa để kiểm soát co thắt cơ.
- Steroid có thể được kê toa để giảm sưng viêm dây thần kinh. Chúng được dùng đường uống (dưới dạng gói liều medrol) với liều giảm dần trong khoảng 5 ngày. Ưu điểm là giảm đau gần như ngay lập tức trong vòng 24 giờ.
Tiêm steroid: Thủ thuật này được thực hiện dưới phép soi huỳnh quang tia X và liên quan đến việc tiêm corticosteroid và chất gây tê vào khoang ngoài màng cứng của cột sống. Thuốc được truyền bên cạnh vùng đau để giảm sưng và viêm dây thần kinh.
Khoảng 50% bệnh nhân sẽ nhận thấy giảm đau sau khi tiêm, mặc dù hiệu quả có xu hướng tạm thời. Có thể tiêm lại lần thứ 2 để đạt hiệu quả đầy đủ. Thời gian giảm đau khác nhau, kéo dài trong nhiều tuần hoặc nhiều năm. Tiêm thấm được thực hiện kết hợp với một chương trình vật lý trị liệu và hoặc tập thể dục tại nhà.
3. Vật lý trị liệu
Mục tiêu vật lý trị liệu là giúp người bệnh trở lại hoạt động động đầy đủ trong thời gian sớm nhất có thể, và phòng ngừa tổn thương tái diễn.
Các bác sĩ vật lý trị liệu có thể hướng dẫn bạn về tư thế, kỹ thuật nâng và đi bộ phù hợp, và họ sẽ làm việc với bạn để tăng cường cơ lưng dưới, chân và dạ dày của bạn. Họ cũng sẽ khuyến khích bạn kéo giãn và tăng sự linh hoạt của cột sống và chân. Các bài tập thể dục và tăng cường sức mạnh là những yếu tố quan trọng trong quá trình điều trị và sẽ trở thành một phần của sự dẻo dai kéo dài suốt cuộc đời của bạn.
4. Liệu pháp tổng thể
Một số bệnh nhân thấy châm cứu, yoga, thay đổi dinh dưỡng/chế độ ăn uống, thiền và phản hồi sinh học hữu ích trong việc kiểm soát cơn đau cũng như cải thiện sức khỏe tổng thể.
Điều trị phẫu thuật
Phẫu thuật thoát vị đĩa đệm thắt lưng có thể là một lựa chọn nếu các triệu chứng của bạn không cải thiện đáng kể với các phương pháp điều trị bảo tồn. Phẫu thuật cũng có thể được khuyến cáo nếu có dấu hiệu tổn thương thần kinh như yếu hoặc mất cảm giác của chân.
1. Phẫu thuật vi phẫu
Bác sĩ phẫu thuật rạch một đường 1–2 inch ở giữa lưng. Để tiếp cận đĩa đệm bị tổn thương, các cơ cột sống được bóc tách và di chuyển sang một bên để lộ đốt sống. Một phần của xương bản sống được lấy ra để lộ rễ thần kinh và đĩa đệm. Phần đĩa đệm bị vỡ chạm vào dây thần kinh cột sống sẽ được lấy ra một cách cẩn thận bằng các dụng cụ đặc biệt. Khoảng 80–85% bệnh nhân phục hồi thành công nhờ phẫu thuật và có thể trở lại làm việc bình thường trong khoảng 6 tuần.
2. Phẫu thuật nội soi xâm lấn tối thiểu
Bác sĩ phẫu thuật thực hiện một vết rạch nhỏ ở phía sau. Các ống nhỏ gọi là ống nông được sử dụng với đường kính tăng dần để mở rộng đường hầm đến đốt sống. Một phần của xương được lấy ra để lộ rễ thần kinh và đĩa đệm. Bác sĩ phẫu thuật sử dụng nội soi hoặc kính hiển vi để loại bỏ đĩa đệm bị vỡ. Kỹ thuật này ít gây tổn thương cơ hơn so với phẫu thuật truyền thống.
3. Làm thế nào để biết liệu phẫu thuật có phù hợp với tôi không?
Bác sĩ sẽ cho người bệnh biết nếu phẫu thuật có thể giúp cho tình trạng của họ. Sau đó, cả bác sĩ và người bệnh có thể cùng nhau quyết định xem phẫu thuật có phù hợp với mình không.
Phẫu thuật điều trị thoát vị đĩa đệm thường bao gồm việc loại bỏ phần đĩa đệm bị tổn thương. Đôi khi, toàn bộ đĩa được lấy ra. Nó có thể giúp bệnh nhân cảm thấy tốt hơn nhanh hơn so với khi không phẫu thuật. Nhưng, giống như bất kỳ phẫu thuật nào, nó cũng đi kèm với rủi ro.
Mặc dù phẫu thuật có thể tăng tốc độ phục hồi, nhưng nó thường không cần thiết đối với người bị thoát vị đĩa đệm. Đó là bởi vì theo thời gian, cơ thể sẽ hấp thụ thạch từ một đĩa đệm bị tổn thương và tự lành lại. Nhưng điều này có thể mất hàng tháng.
Những người khó chịu nhiều hoặc muốn bệnh nhanh khỏi, đôi khi chọn phẫu thuật. Những người sợ phẫu thuật hoặc những người cảm thấy muốn đối phó với các triệu chứng của họ đôi khi quyết định không phẫu thuật.
Phục hồi và phòng ngừa thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng
Đôi khi, nhiều người nghĩ nguyên nhân gây thoát vị đĩa đệm là do nhấc vật nặng sai cách, hoặc làm căng lưng bằng cách nào đó. Sự thật không có nhiều bằng chứng về việc di chuyển hoặc nâng sai cách có thể gây thoát vị đĩa đệm.
Đau lưng ảnh hưởng đến 8/10 người tại một số thời điểm trong cuộc sống của họ, và thường hết trong vòng 6 tuần. Người bệnh nên có thái độ lạc quan, tinh thần tích cực, hoạt động thường xuyên và trở lại làm việc nhanh chóng; đây là những yếu tố rất quan trọng để phục hồi.
Chìa khóa để tránh tái phát là phòng ngừa:
- Nâng/khiêng vật nặng đúng cách.
- Thực hiện tư thế đúng trong khi ngồi, đứng, đi và ngủ.
- Chế độ tập thể dục phù hợp để tăng cường cơ bụng yếu và ngăn ngừa tái chấn thương.
- Giữ cân nặng phù hợp.
- Thái độ tích cực và kiểm soát stress.
- Không hút thuốc lá.
Trên đây là thông tin về bệnh lý thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng. Hi vọng đã cung cấp cho bạn đọc những thông tin hữu ích. Từ đó, có những biện pháp phòng ngừa bệnh, cũng như cách xử trí phù hợp khi nghi ngờ mắc bệnh.