Chấn thương sọ não kín là một tổn thương thường gặp. Chấn thương này gây nhiều khó khăn trong việc chẩn đoán và điều trị. Cơ chế, các dấu hiệu nghi ngờ để tìm đến bác sĩ, cũng như chẩn đoán và điều trị các trường hợp này như thế nào? Mời bạn cùng tìm hiểu qua bài viết sau đây của Bác sĩ Nguyễn Bùi Trọng Tín.
Chấn thương sọ não kín là gì?
Chấn thương sọ não (CTSN) là những va chạm vào đầu đủ mạnh để gây thương tổn ở xương và sọ não. Dựa vào hình thái tổn thương, chấn thương sọ não được chia làm tổn thương xương sọ và nội sọ.
Về tổn thương xương sọ sẽ chia làm chấn thương sọ não kín và chấn thương sọ não hở.1 Sự khác biệt giữa 2 kiểu chấn thương này là có hay không việc thông thương giữa các cấu trúc trong xương sọ (gồm màng não, não, dịch não tủy) với môi trường bên ngoài.
Thông thường, CTSN hở sẽ đi kèm với các vết thương ở da đầu làm lộ xương, nhu mô não. Tuy nhiên một số trường hợp chỉ vỡ xương sọ, làm dịch não tủy chảy ra ngoài thông qua mũi nhưng không có tổn thương ở da đầu.
Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ của chúng tôi
Ngược lại, chấn thương sọ não kín là các chấn thương không có sự thông thương của các cấu trúc trong sọ với môi trường bên ngoài, mặc dù xương sọ, các cấu trúc trong sọ (não, mạch máu não) có tổn thương.
Như vậy, một cách trực quan thì chấn thương sọ não hở dễ quan sát hơn. Do chúng ta có thể thấy được vết thương ở da đầu kèm xương sọ hay nhu mô não lộ ra, hoặc thấy được dịch não tủy (màu trong suốt) chảy qua mũi, tai.
Đối với chấn thương sọ não kín sẽ không có các dấu hiệu trên, khó đánh giá nếu chỉ dựa vào quan sát bên ngoài, nếu bị bỏ sót dẫn đến các biến chứng nguy hiểm.
Nguyên nhân chấn thương sọ não kín
Tại Việt Nam, tai nạn giao thông (TNGT) là nguyên nhân thường gặp nhất cũng như nguyên nhân gây tử vong hàng đầu của dân số từ độ tuổi 15 – 49.1
Các nguyên nhân khác có thể kể đến gồm có tai nạn sinh hoạt, tai nạn lao động, thể thao. Ngoài ra, bạo hành ở trẻ em là nhóm nguyên nhân dễ bị bỏ sót.2
Triệu chứng chấn thương sọ não kín
Não bộ là cơ quan chi phối, điều khiển tất các cơ quan khác trong cơ thể. Do đó các tổn thương ở não sẽ ảnh hưởng đến các chức năng của cơ thể, độ nặng tùy thuộc vào tổn thương. Có thể chia các triệu chứng theo từng nhóm như sau:
- Nhóm triệu chứng liên quan đến hành vi, nhận thức, trạng thái tinh thần: Bệnh nhân lú lẫn, tiếp xúc chậm, mất trí nhớ sau chấn thương, thay đổi tính cách.
- Nhóm triệu chứng liên quan đến vận động, cảm giác: Bệnh nhân than đau đầu, yếu nửa người đối diện với bên não bị tổn thương; co giật tay chân.
- Đối với trẻ em, các triệu chứng sẽ không rõ ràng như người lớn, đặc biệt là các bé sơ sinh, các bé còn chưa biết nói. Khi đó, cần chú ý đến các triệu chứng, dấu hiệu sau khi phát hiện bé có một chấn thương ở đầu: bé quấy khóc nhiều, ăn kém, bú kém, lừ đừ, ngủ gà.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Hãy đến gặp bác sĩ ngay để được chẩn đoán và điều trị kịp thời khi:
- Khi gặp phải một trường hợp nghi ngờ chấn thương sọ não kín (sau tai nạn, nghi ngờ bị bạo hành,…).
- Khi bạn hay người thân có một chấn thương tương đối mạnh ở vùng đầu, và/hoặc có thay đổi tính cách, hành vi, các triệu chứng vận động, cảm giác đã đề cập ở trên.
- Trong trường hợp chấn thương không đáng kể kèm theo không có các triệu chứng/dấu hiệu nghi ngờ tổn thương não đồng thời đối tượng > 2 tuổi thì có thể theo dõi tại nhà.
Điều trị tại nhà có được không?
Các tổn thương ở não có thể từ nhẹ đến nặng. Do đó không phải tất cả các trường hợp CTSN kín đều cần phải gặp bác sĩ. Sau khi đã chẩn đoán CTSN kín thì cũng có trường hợp điều trị/xử trí tại nhà.
Sau khi bác sĩ thăm khám, chụp phim kiểm tra có tổn thương sọ não hay không, cũng như loại trừ các tổn thương khác ngoài sọ; nếu CTSN kín mức độ nhẹ kèm theo có người theo dõi tại nhà và nơi ở gần bệnh viện thì có thể điều trị cũng như theo dõi tại nhà.
Điều quan trọng là khi nghi ngờ có CTSN kín, cần phải gặp bác sĩ để xem xét điều trị ở nhà hay nhập viện. Không nên tự ý điều trị tại nhà.
Chẩn đoán chấn thương sọ não kín
Chẩn đoán CTSN kín dựa vào thăm khám lâm sàng, cũng như các công cụ hình ảnh học. Chủ lực nhất là chụp CT (cắt lớp vi tính) sọ não không tiêm thuốc cản quang.
CTSN kín đôi khi không biểu hiện rõ ra để chúng ta thấy (lộ xương sọ, lộ nhu mô não ra ngoài), do đó việc chẩn đoán CTSN kín tương đối khó khăn. Do đó phải dựa vào cơ chế chấn thương (lực tác động có mạnh không), các triệu chứng/dấu hiệu nghi ngờ. Khi đó bác sĩ sẽ xem xét chỉ định chụp CT sọ não để chẩn đoán.
Các chỉ định để chụp CT sọ não không tiêm thuốc cản quang, gồm có:2
- Bệnh nhân có thang điểm GCS
- Mất tri giác sau chấn thương, lừ đừ, tiếp xúc chậm hơn bình thường.
- Giảm tri giác tiến triển dần.
- Mất trí nhớ sau chấn thương.
- Đau đầu kéo dài.
- Nôn ói.
- Động kinh, co giật sau chấn thương.
- Không rõ cơ chế chấn thương.
- Trẻ em dưới 2 tuổi, trừ trường hợp chấn thương không đáng kể.
- Nghi ngờ có bạo hành ở trẻ em.
- Chấn thương vùng mặt nghiêm trọng.
- Dấu hiệu tổn thương thần kinh: yếu liệt nửa người, đồng tử dãn.
Thang điểm GCS (Glasgow coma score)
Đây là 1 thang điểm được sử dụng rất nhiều trên lâm sàng. Thang điểm này đánh giá 3 yếu tố:2
- Mở mắt (Eye opening), từ 1 – 4 điểm.
- Đáp ứng lời nói (Verbal response), từ 1 – 5 điểm.
- Đáp ứng vận động (Motor response), từ 1 – 6 điểm.
Điểm GCS từ 3 – 15 điểm. Điểm càng thấp thì tình trạng bệnh nhân càng nặng. Khi có giảm từ 1 điểm trở lên, bác sĩ sẽ cân nhắc chụp CT sọ não để chẩn đoán. Ví dụ, thời điểm cấp cứu, bệnh nhân được chấm 15 điểm, sau đó 2 giờ được đánh giá lại còn 13 điểm (giảm 2 điểm), khi đó bác sĩ sẽ cho chỉ định chụp CT sọ não.
Các xét nghiệm cần thực hiện
Trong CTSN, hình ảnh học là công cụ không thể thiếu để chẩn đoán. Trong bối cảnh cấp cứu, chụp CT sọ não không tiêm cản quang là một công cụ dễ thực hiện, nhanh chóng và giúp chẩn đoán hầu hết các tình trạng CTSN.
Chụp cộng hưởng từ (MRI) là một công cụ khác, cho hình ảnh rõ nét hơn, tuy nhiên thời gian chụp lâu (15 – 30 phút). MRI không phù hợp với hoàn cảnh cấp cứu. Ngoài ra, bệnh nhân chấn thương sọ não thường trong trạng thái kích thích, vật vã, do đó việc chụp MRI rất khó khăn, cần sử dụng thuốc an thần.
Nhìn chung, chấn thương sọ não là một tình trạng cấp cứu. CT sọ não là một công cụ đủ để bác sĩ chẩn đoán và quyết định điều trị cho bệnh nhân.
Điều trị chấn thương sọ não kín
Khi có một trường hợp (nghi ngờ) chấn thương sọ não nhập viện, nguyên tắc khi khám và theo dõi bệnh nhân là phải khám một cách toàn diện, theo dõi thường xuyên để phát hiện các tổn thương muộn. Bác sĩ sẽ phân mức độ tổn thương sọ não thành nhẹ, trung bình và nặng để có hướng xử trí.
Phân tầng mức độ tổn thương
CTSN mức độ nhẹ (GCS 14 – 15 điểm)
Hơn 80% các trường hợp CTSN là nhẹ, đa phần các trường hợp này sẽ phục hồi hoàn toàn. Có khoảng 3% sẽ diễn tiến nặng hơn cần phải can thiệp phẫu thuật. Đối với nhóm bệnh nhân này, mục tiêu điều trị là xem xét chỉ định cần chụp CT sọ não hay không, xem xét chỉ định nhập viện để theo dõi tránh bỏ sót các tổn thương tiến triển.
CTSN mức độ trung bình (GCS 9 – 13 điểm)
Chiếm khoảng 10% các trường hợp chấn thương sọ não. Trong nhóm này có khoảng 10% các trường hợp sẽ diễn tiến thành CTSN mức độ nặng. Do đó, cách tiếp cận và xử trí nhóm CTSN trung bình gần giống như CTSN nặng.
CTSN mức độ nặng (GCS
Tiếp cận bệnh nhân nhóm này cần tuân theo quy tắc ABCDE. Quản lý ABCDE dành cho nhóm bệnh nhân chấn thương sọ não mức độ trung bình nặng như sau:3
- Airway – Đường thở: Kiểm soát đường thở thông thoáng.
- Breathing – Hô hấp: Đánh giá chấn thương ngực, tràn dịch/tràn máu màng phổi, mảng sườn di động, chèn ép tim,… là các tình trạng có thể đi kèm trong bệnh cảnh chấn thương sọ não, các tình trạng này có thể dẫn đến tử vong rất nhanh nếu không kịp thời phát hiện và xử trí.
- Circulation – Tuần hoàn: Đảm bảo huyết áp tâm thu ở mức > 100 mmHg ở bệnh nhân 50 – 69 tuổi, > 110 mmHg ở bệnh nhân 15 – 49 tuổi và bệnh nhân trên 70 tuổi. Thông thường tổn thương ở não sẽ ít khi làm tụt huyết áp. Trừ khi có các chương thương gây mất máu đi kèm như gãy xương đùi, xương chậu, vỡ tạng trong bụng.
- Disability – Thần kinh: Đã được mô tả ở trên.
- Exposure – Khám toàn thân: nhằm tránh bỏ sót các tổn thương khác.
Về mặc điều trị CTSN kín, tùy theo kiểu tổn thương và mức độ, bác sĩ sẽ lựa chọn điều trị nội khoa hoặc phẫu thuật để giải quyết tổn thương.
Điều trị triệu chứng
Đối với các trường hợp CTSN nhẹ, việc điều trị bao gồm giảm đau, giảm buồn nôn. Theo dõi các dấu hiệu thần kinh để kịp thời phát hiện tổn thương tiến triển nặng hơn. Đối với nhóm này, có thể điều trị tại nhà nếu thỏa các điều kiện:
- Chụp CT sọ não không ghi nhận tổn thương.
- Điểm GCS > 14.
- Không có các yếu tố nguy cơ trung bình – cao của tổn thương nội sọ.
- Có người thân chăm sóc, theo dõi.
- Bệnh nhân có thể nhanh chóng vào viện khi cần thiết.
- Không có yếu tố phức tạp: bạo lực gia đình, lạm dụng trẻ em.
Điều trị nội khoa tình trạng tăng áp lực nội sọ
Cấu trúc xương sọ là một không gian kín, gồm có 3 thành phần:
- Não.
- Mạch máu.
- Dịch não tủy.
Khi có một tổn thương như phù não, chảy máu trong não nhiều sẽ chèn ép não, tăng áp lực nội sọ. Nếu tình trạng này không được giải quyết sẽ dẫn đến thiếu máu nuôi não, tổn thương não không thể phục hồi. Vì vậy, bác sĩ sẽ cân nhắc sử dụng các biện pháp để làm giảm áp lực nội sọ:
- Nằm đầu cao 30° (làm giảm ứ đọng máu trong não).
- Đảm bảo đường thở thông thoáng.
- Truyền dịch ưu trương (dung dịch có áp lực thẩm thấu cao hơn máu trong cơ thể).
- Dẫn lưu dịch não tủy (bằng cách đặt dẫn lưu ra thắt lưng hoặc dẫn lưu não thất ra ngoài).
- Tăng thông khí.
- Hạ thân nhiệt phòng ngừa.
- Sử dụng thuốc an thần.
Điều trị phẫu thuật
Trong một số trường hợp CTSN, các tổn thương choán chỗ trong đầu không thể giải quyết bằng nội khoa, do đó cần được phẫu thuật. Mục tiêu phẫu thuật là lấy khối choán chỗ, cụ thể là các khối máu tụ, não dập, đôi khi phải mở một mảng sọ để giải ép.
Lưu ý bệnh nhân cần cân nhắc với từng phương pháp điều trị
Như vậy, điều trị CTSN sẽ tùy vào bệnh cảnh, có thể chỉ cần điều trị triệu chứng. Nhưng cũng có trường hợp cần điều trị nội khoa tình trạng tăng áp lực nội sọ hoặc điều trị phẫu thuật.
Phẫu thuật là một cách nhanh chóng để lấy khối choán chỗ, giảm áp lực nội sọ nhanh chóng. Tuy nhiên cũng đi kèm với nhiều biến chứng như phản ứng với thuốc mê, chảy máu sau phẫu thuật, nhiễm trùng,… Do đó, bác sĩ điều trị sẽ cân nhắc lợi ích, nguy cơ của từng phương pháp, tư vấn với bệnh nhân/thân nhân để ra hướng điều trị phù hợp nhất.
Chấn thương sọ não là một tình trạng chấn thương ở xương sọ và/hoặc các cấu trúc bên trong đó (não, mạch máu não). Trong đó, chấn thương sọ não kín là tình trạng không có sự thông thương giữa não với môi trường bên ngoài. Do đó việc chẩn đoán sẽ khó khăn hơn CTSN hở. Khi gặp một trường hợp chấn thương đầu đi kèm các dấu hiệu nghi ngờ có CTSN, nên đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế để được đánh giá và đưa ra phương pháp điều trị phù hợp.