Rối loạn hoang tưởng là một dạng bệnh tâm thần. Người mắc bệnh thường có một hoặc nhiều ý nghĩ ảo tưởng trong thời gian dài, thường là trên một tháng. Vậy đâu là những triệu chứng cũng như nguyên nhân của căn bệnh này? Hướng điều trị như thế nào? Hãy cùng Chuyên viên Tâm lý Nguyễn Thị Hương tìm hiểu qua bài viết nhé.
Rối loạn hoang tưởng là gì?
Rối loạn hoang tưởng hiện nay có tên gọi chính thức là rối loạn ảo tưởng. Đây là một dạng bệnh tâm thần nghiêm trọng với triệu chứng chính là những ảo tưởng. Tuy nhiên, những suy nghĩ ảo tưởng của người bệnh không hoàn toàn kỳ quái hoặc xa rời thực tế. Chúng thường dựa trên những điều có thể xảy ra với người bệnh trong cuộc sống thực. Một ví dụ thường thấy là có ai đó theo dõi, lừa dối hoặc rất yêu họ.
Người mắc bệnh rối loạn ảo tưởng thường không có biểu hiện hành vi kỳ quái một cách rõ rệt. Do vậy, căn bệnh không ảnh hưởng đến khả năng hoạt động của họ. Căn bệnh này trong thực tế khá hiếm gặp và có nhiều sự tương đồng với tâm thần phân liệt.
Phân loại rối loạn ảo tưởng
- Erotomanic (ảo tưởng lãng mạn): Người bệnh tin rằng có ai đó đang yêu họ và cố gắng tìm cách liên lạc với người đó. Thông thường, đối tượng trong trường hợp này thường là người nổi tiếng hoặc quan trọng. Ảo tưởng này có thể dẫn đến hành vi rình rập.
- Ảo tưởng ghen tuông: Người bệnh tin rằng người bạn đời hoặc bạn tình của mình không chung thủy.
- Ảo tưởng bị hại: Người bệnh tin rằng họ hoặc ai đó gần gũi với họ đang bị hãm hại, ngược đãi. Họ thậm chí có thể báo với chính quyền về điều này dù không hề có cơ sở thực tế.
- Grandiose: Người bệnh thổi phồng quá mức về giá trị bản thân. Họ có thể tin rằng bản thân mình là người có tài năng tuyệt vời hoăc có một khám phá quan trọng.
- Somatic: Họ tin rằng cơ thể họ có khiếm khuyết hoặc bất thường về mặt y tế.
- Ảo tưởng về suy nghĩ: Họ cho rằng những người khác đang nhận thức được suy nghĩ của họ. Trường hợp khác, họ có thể tin rằng một thực thể khác đang chèn suy nghĩ của đối tượng đó vào đầu họ.
- Ảo tưởng hỗn hợp: Người bệnh có thể có nhiều hơn một hoặc tất cả các ảo tưởng trên đây.
Triệu chứng của rối loạn hoang tưởng
Người mắc căn bệnh này thường có rất nhiều suy nghĩ viển vông và có nhiều bằng chứng cho thấy đó là những ý tưởng không thực tế. Các triệu chứng này thường kéo dài từ một tháng trở lên. Do vậy, đôi khi chúng còn được gọi là chứng rối loạn hoang tưởng dai dẳng. Một số dấu hiệu dễ nhận thấy nhất của căn bệnh này bao gồm:
Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Tâm lý, tải ngay ứng dụng YouMed.
- Những ý nghĩ ảo tưởng không kỳ quặc.
- Tâm trạng khó chịu, đôi khi có sự lo lắng, tức giận.
- Ảo giác liên quan đến ảo tưởng. Ví dụ một người cho rằng người họ có vấn đề về mùi sẽ ngửi thấy mùi hôi.
Nguyên nhân của bệnh rối loạn hoang tưởng
Cho đến nay, nguyên nhân chính xác dẫn đến rối loạn ảo tưởng vẫn chưa có kết quả. Các nhà nghiên cứu chỉ có thể đưa ra một số yếu tố liên quan dưới đây:
- Di truyền: Căn bệnh này thường phổ biến hơn ở những người sống trong gia đình có thành viên mắc bệnh tương tự. Điều này cho thấy căn bệnh có thể liên quan đến gen và có thể di truyền.
- Yếu tố sinh học: Những bất thường ở não bộ cũng có thể dẫn đến những ý nghĩ ảo tưởng. Những vùng não bất thường này sẽ ảnh hưởng đến khả năng nhận thức và suy nghĩ của người bệnh.
- Sử dụng chất kích thích: rượu, bia, ma túy,.. là những chất kích thích có thể dẫn đến ảo tưởng.
- Môi trường sống, yếu tố tâm lý: Có nhiều bằng chứng cho thấy sự căng thẳng có thể kích hoạt hoang tưởng. Ngoài ra, những người bị cô lập, xa cách cũng có nhiều khả năng bị rối loạn ảo tưởng hơn.
Hướng điều trị rối loạn hoang tưởng
Chẩn đoán rối loạn hoang tưởng
Để có được hướng điều trị phù hợp, trước tiên người bệnh cần được chẩn đoán đúng bệnh. Các bác sĩ sẽ tiến hành các xét nghiệm để loại trừ các thực thể là nguyên nhân gây triệu chứng. Các thực thể có thể kể đến như bệnh Alzheimer, động kinh, rối loạn ám ảnh cưỡng chế, tâm thần phân liệt,… Chẩn đoán rối loạn hoang tưởng sẽ được thực hiện khi:
- Người đó có một hoặc nhiều ảo tưởng kéo dài từ một tháng trở lên.
- Họ chưa bao giờ được chẩn đoán mắc tâm thần phân liệt.
- Ngoài những ảo tưởng và ảnh hưởng của nó, cuộc sống của họ hầu như vẫn bình thường. Các hành vi không kỳ quặc.
- Không có các rối loạn tâm thần, thuốc hoặc tình trạng sức khỏe nào khác có thể là nguyên nhân gây bệnh.
- Các giai đoạn hưng cảm, trầm cảm nếu có sẽ rất ngắn khi so sánh với các cơn hoang tưởng.
Điều trị rối loạn hoang tưởng như thế nào?
Sau khi được chẩn đoán, các bác sĩ sẽ đưa ra hướng điều trị phù hợp. Thông thường, việc này sẽ bao gồm thuốc và liệu pháp tâm lý.
- Thuốc: Loại thuốc chính để điều trị rối loạn ảo tưởng là thuốc chống loạn thần. Chúng bao gồm cả loại điển hình và không điển hình. Các loại thuốc này hoạt động bằng cách ngăn chặn các thụ thể dopamin trong não. Qua đó làm giảm bớt tình trạng ảo tưởng. Ngoài ra, người bệnh cũng có thể được kê đơn thêm các loại thuốc an thần hoặc thuốc chống trầm cảm.
- Tâm lý trị liệu: Bên cạnh thuốc, các liệu pháp tâm lý cũng có ích trong việc điều trị căn bệnh này. Liệu pháp thường được sử dụng nhiều nhất là nhận thức hành vi (CBT). Chúng giúp người bệnh nhận thức và thay đổi các suy nghĩ, hành vi không phù hợp. Bên cạnh đó còn có thể kèm theo các liệu pháp gia đình hoặc tâm lý cá nhân.
Rối loạn hoang tưởng thường là một tình trạng mãn tính. Tuy nhiên, nếu được điều trị đúng cách, các triệu chứng có thể dần giảm bớt. Từ đó, người bệnh có thể phục hồi hoàn toàn và trở về trạng thái bình thường. Hiện nay chưa có cách nào để ngăn ngừa căn bệnh này. Cách tốt nhất là giúp người bệnh tìm đến bác sĩ chuyên môn để chẩn đoán và điều trị kịp thời.