Stress sau sinh ảnh hưởng đến rất nhiều phụ nữ. Điều này tác động tiêu cực đến cả sức khỏe thể chất và tinh thần của người mẹ. Đây là một vấn đề về sức khỏe tâm thần mà chúng ta cần hết sức lưu ý và cần có sự giúp đỡ của bác sĩ. Bài viết sau đây của Chuyên viên Tâm lý Nguyễn Thị Hương sẽ cung cấp thông tin về vấn đề này. Mời bạn đọc cùng theo dõi nhé!
Thế nào là stress sau sinh?
Sinh con là một quá trình hết sức gian nan. Người mẹ phải trải qua rất nhiều thay đổi về nội tiết, thể chất, cảm xúc và tâm lý trong suốt thai kỳ. Sau khi sinh con, người mẹ có thể trải qua nhiều cảm xúc khác nhau. Từ vui sướng, thích thú đến buồn chán, lo lắng và thường hay khóc. Những cảm giác này được gọi là “hội chứng baby blues“. Hội chứng này có xu hướng giảm trong 2 tuần đầu sau khi sinh.1
Khoảng một phần bảy phụ nữ có thể bị stress sau sinh. Trong khi phụ nữ đã trải qua giai đoạn sinh nở có xu hướng phục hồi nhanh chóng. Stress sau sinh có xu hướng kéo dài hơn và ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng sinh lý bình thường của phụ nữ.
Bên cạnh đó, stress sau sinh còn ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa người mẹ và em bé. Phản ứng và hành vi của não bộ người mẹ bị tổn hại khi bị stress sau sinh.
Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Tâm lý, tải ngay ứng dụng YouMed.
Nguyên nhân của stress sau sinh
Cho đến nay, các bác sĩ vẫn không biết nguyên nhân cụ thể gây ra stress sau sinh. Chỉ có một điều chắc chắn rằng vấn đề này có thể ảnh hưởng đến bất kỳ ai. Ngoài ra, các yếu tố di truyền và môi trường cũng có vai trò trong việc mắc phải chứng này. Vì vậy, các bác sĩ đã chia các nguyên nhân gây stress sau sinh ra làm hai nhóm.1 2
Những nguyên nhân vật lý
Nguyên nhân vật lý là những nguyên nhân xuất phát từ vấn đề thể chất. Chúng liên quan nhiều đến việc thay đổi các loại hormone trong cơ thể. Trong đó, hai loại hormone bị sụt giảm nhiều nhất là estrogen và progesteron. Thêm vào đó, một số hormone khác từ tuyến giáp cũng giảm theo. Chính điều đó khiến cơ thể thay đổi và dẫn đến cảm giác mệt mỏi, uể oải, chán nản, buồn bã…
Những nguyên nhân về cảm xúc
Sau khi sinh, phụ nữ phải đối mặt với một vai trò mới là làm mẹ. Quá trình chăm sóc em bé cùng với việc thay đổi vai trò này có thể tác động tiêu cực đến cảm xúc của họ. Nhất là khi đi kèm với đó là việc thiếu ngủ và không có thời gian cho bản thân. Ngoài ra, những thay đổi trên cơ thể như rạn da, tăng cân… cũng dễ dẫn đến sự thiếu tự tin vào bản thân. Tất cả những điều này đều có thể là những tác nhân dẫn đến stress sau sinh.
Yếu tố xã hội
Bạo lực gia đình, lạm dụng tình dục, bạo lực về thể chất và lời nói cũng có thể là yếu tố gây ra stress sau sinh.
Hút thuốc lá trong thời kỳ mang thai là một yếu tố nguy cơ phát triển trầm cảm sau sinh.
Những vấn đề liên quan khác
Bên cạnh những yếu tố về thể chất hay cảm xúc, một số vấn đề liên quan khác như tiền sử bệnh tâm lý hay các mối quan hệ cũng sẽ làm tăng nguy cơ bị trầm cảm sau sinh. Nếu từng được chẩn đoán bị rối loạn lưỡng cực hay có tiền sử trầm cảm, bạn nên cẩn trọng. Ngoài ra, trong gia đình nếu có người từng mắc phải hội chứng này thì đó cũng là một yếu tố nguy cơ.
Thêm vào đó, chúng ta không thể không kể đến các yếu tố như công việc, các mối quan hệ, tài chính, sức khỏe của cả mẹ và bé,… Chúng đều là những vấn đề có thể làm tăng khả năng bị stress sau sinh.
Triệu chứng của stress sau sinh
Dù không có nguyên nhân cụ thể nhưng stress sau sinh có những dấu hiệu khá rõ ràng và dễ nhận biết. Chúng có thể là một triệu chứng riêng lẻ hoặc nhiều vấn đề diễn ra cùng lúc. Điển hình là những dấu hiệu dưới đây:1 2
Các triệu chứng về thể chất
Stress sau khi sinh sẽ có một số triệu chứng được biểu hiện trên mặt thể chất như xuất hiện các cơn đau. Chúng có thể là đau đầu hoặc đau bụng. Ngoài ra mất ngủ hay chán ăn cũng là những biểu hiện thường thấy.
Tuy vậy, đôi khi chúng cũng biểu hiện dưới dạng ngủ quá nhiều hoặc ăn uống vô độ. Đồng thời, bạn cũng có thể cảm thấy mất năng lượng và không muốn hoạt động. Thay vào đó, cảm giác uể oải sẽ xâm chiếm và khiến bạn thấy chán nản, mệt mỏi hơn. Stress sau sinh mổ cũng có những dấu hiệu tương tự.
Các triệu chứng về cảm xúc
Cảm thấy lo lắng
Phụ nữ sau sinh thường lo lắng về sự phát triển của bé và sự hồi phục sức khỏe của mẹ. Người mẹ luôn suy nghĩ làm sao để con bú no, ngủ kỹ, khi khóc phải dỗ như thế nào,…
Những lo lắng này thường xuyên xuất hiện. Lâu dần sẽ có thể chuyển thành ám ảnh. Đây là một dấu hiệu khá nguy hiểm của stress sau sinh.
Khó tập trung
Thêm 1 dấu hiệu nữa của stress sau sinh là dễ mất tập trung. Sản phụ khó có thể tập trung vào một việc nào đó dù là làm việc hay thư giãn. Sự bồn chồn lấn áp tâm trí, vì thế người mẹ sẽ khó tập trung suy nghĩ hay đưa ra các quyết định phù hợp. Phụ nữ sau sinh thường ở nhà với con và ít ra ngoài. Vì vậy rất dễ cảm thấy bí bách, không thoải mái và khó tập trung làm việc.
Khó gắn kết với con
Trong suốt quá trình mang thai, người mẹ luôn mong mỏi ngày được gặp con yêu. Tuy nhiên, có nhiều yếu tố như áp lực, căng thẳng, stress sau sinh khiến mẹ có suy nghĩ khó gắn kết với con. Nếu tình trạng này kéo dài, mẹ và bé có thể sẽ không gắn kết được sợi dây tình cảm thiêng liêng. Lúc đó mẹ nên tìm gặp bác sĩ tâm lý để giải tỏa và được hướng dẫn cải thiện tình trạng.
Có suy nghĩ tự tử
Ngoài ra phụ nữ sau sinh thường chán nản, dễ cáu gắt và đôi khi là hoảng loạn. Những hứng thú thường sẽ giảm đi rõ rệt ngay cả với những hoạt động yêu thích. Trong một số trường hợp diễn tiến nặng, phụ nữ có thể khóc rất nhiều. Nếu tiến triển hơn, họ có thể nghĩ đến chuyện giết con và tự tử. Lúc này, chắc chắn người nhà phải đưa đến bác sĩ.
Cách ngăn ngừa stress sau sinh
Mặc dù stress sau sinh khá phổ biến và dễ mắc phải. Tuy nhiên, chúng ta có thể ngăn ngừa chúng bằng một số biện pháp nhất định. Điều này đặc biệt quan trọng với những ai từng có tiền sử trầm cảm hoặc các vấn đề về tâm lý.1
Xây dựng lối sống lành mạnh khi mang thai và sau sinh
Các biện pháp chính bao gồm ăn uống đầy đủ dinh dưỡng và tập thể dục đều đặn. Các mẹ bầu nên ăn uống điều độ và không kiêng kiêng khem quá mức. Ngoài ra, giấc ngủ cũng rất quan trọng. Các bác sĩ khuyến cáo nên ngủ ít nhất 7- 8 tiếng mỗi đêm. Điều này sẽ giúp bảo đảm sức khỏe cả về thể chất lẫn tinh thần của người mẹ.
Bạn cũng có thể lập kế hoạch trước, trong và sau khi mang thai để thích nghi dễ dàng hơn với quá trình này.
Cởi mở với người thân về cảm xúc và yêu cầu được giúp đỡ khi cần
Việc giao tiếp cởi mở với người thân sẽ giúp bạn có được sự kết nối. Điều này không chỉ giúp bạn dễ chịu mà còn ngăn ngừa được stress sau sinh. Nếu cảm thấy cần thiết, bạn có thể yêu cầu sự giúp đỡ của người thân hoặc người có chuyên môn. Điều quan trọng nhất là bạn có được tâm trạng ổn định và giải tỏa được những cảm xúc tiêu cực.
Theo dõi chặt chẽ khi mang thai
Hãy nhờ đến sự hỗ trợ của bác sĩ trong suốt quá trình bạn mang thai. Điều đó có thể giúp bạn phát hiện sớm những triệu chứng của stress sau sinh và ngăn ngừa chúng. Một số bài kiểm tra tâm lý trong giai đoạn này là cần thiết. Nếu có những dấu hiệu stress nhẹ, sự hỗ trợ hoặc tư vấn của người có chuyên môn sẽ giúp cải thiện tình hình.
Kiểm tra sức khỏe tinh thần sau khi sinh con
Ngay khi vừa sinh con xong, bạn có thể đến gặp bác sĩ sớm để được tầm soát các dấu hiệu của stress. Vấn đề càng được phát hiện sớm sẽ càng dễ giải quyết. Cần nhấn mạnh rằng, đây là biện pháp đặc biệt cần thiết với những ai từng có tiền sử trầm cảm.
Stress sau sinh ngày càng phổ biến và ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của những người mắc phải. Nếu không được hỗ trợ kịp thời, chúng có thể diễn tiến nặng hơn. Từ đó, chúng khiến người bệnh khó chăm sóc cả bản thân và cả em bé. Do vậy, nếu có tiền sử bệnh tâm lý hoặc có những triệu chứng như miêu tả bên trên, bạn đừng ngần ngại tìm kiếm sự giúp đỡ từ bác sĩ.