Tâm thần phân liệt đáng thương hay đáng sợ? (Phần 2)

Ở phần trước chúng ta đã tìm hiều về khái niệm tâm thần phân liệt, loạn thần và các triệu chứng của tâm thần phân liệt, trong bài viết này sẽ đề cập đến nguyên nhân và chẩn đoán bệnh.

1. Nguyên nhân nào khiến con người mắc tâm thần phân liệt

Thực sự cho tới thời điểm thực hiện bài viết này, nguyên nhân của bệnh tâm thần phân liệt vẫn chưa xác định được, các nghiên cứu đều cho rằng sự kết hợp các yếu tố về di truyền, thể chất, tâm lý, môi trường đều góp phần gây ra tình trạng này.

  • Di truyền

Nếu trong gia đình bạn có bố/mẹ/anh/chị/em mắc tâm thần phân liệt, nguy cơ bạn bị bệnh sẽ tăng lên gấp 10 lần so với người bình thường. Các nghiên cứu quan sát các cặp sinh đôi cùng trứng cho thấy nếu một người mắc bệnh thì xác suất để người còn lại cũng mắc bệnh là 50%. Gen (vật chất di truyền) rõ ràng là có ảnh hưởng đến việc mắc bệnh nhưng không có một gen đơn độc nào chịu trách nhiệm biểu hiện bệnh mà gồm nhiều gen khác nhau.

Tuy nhiên, việc có các gen này không có nghĩa là chắc chắn bạn bị bệnh mà chỉ là có nguy cơ cao hơn so với người bình thường, bởi gen không phải là yếu tố duy nhất ảnh hưởng lên sự phát triển của bệnh.

Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Sức khỏe tâm thần, tải ngay ứng dụng YouMed.

Tâm thần phân liệt là một dạng rối loạn tâm thần đang có xu hướng gia tăng trong cộng đồng
  • Chất dẫn truyền thần kinh

Não bộ điều khiển chức năng của cơ thể thông qua các tín hiệu được dẫn truyền bởi các chất dẫn truyền thần kinh (neurotransmitter) – người đưa thư. Có sự liên quan giữa các chất này và tâm thần phân liệt, bởi vì thuốc để điều trị bệnh làm biến đổi nồng độ các chất trong não và làm giảm các triệu chứng của tâm thần phân liệt. Một số nghiên cứu cho rằng có thể sự mất cân bằng của hai chất: serotonin và dopamin có thể là nền tảng của vấn đề.

  • Lạm dụng thuốc

Dopamine được cho rằng có góp phần gây ra bệnh này

Thuốc không phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra tâm thần phân liệt, nhưng các nghiên cứu cho thấy lạm dụng thuốc, đặc biệt là cần sa (cannabis), cocain, thuốc gây ảo giác (LSD), amphetamin (ma túy đá)… có thể khởi phát triệu chứng ở những người nhạy cảm. Những người đã hồi phục sau một giai đoạn cấp của tâm thần phân liệt nếu dùng lại những loại thuốc này bệnh có thể tái diễn.

  • Stress

Cũng giống như lạm dụng thuốc, các yếu tố xã hội căng thẳng không phải là nguyên nhân gây ra bệnh, nhưng nếu gặp các tình huống mất đi người thân, người yêu, mất việc, mất nhà, ly hôn, hay bị lạm dụng về thể chất, tinh thần, tình dục…cũng có thể khởi phát bệnh ở những người có nguy cơ cao.

Bệnh tâm thần phân liệt có xu hướng dễ tái phát hơn ở người căng thẳng

2. Chẩn đoán bệnh như thế nào?

Chẩn đoán tâm thần phân liệt là chẩn đoán lâm sàng, dựa vào sự kết hợp các triệu chứng không chỉ tại thời điểm bệnh mà cần phải khai thác bệnh sử từ trước đó nữa, không có bệnh  lý tâm thần hoặc y khoa khác giải thích các triệu chứng. Chẩn đoán bệnh chỉ dựa vào triệu chứng học và diễn tiến, các xét nghiệm chủ yếu là để loại trừ các nguyên nhân như u não, viêm màng não,…

Cũng cần nhắc lại rằng không dấu hiệu hay triệu chứng nào là đặc trưng cho tâm thần phân liệt, mỗi dấu hiệu hay triệu chứng trong tâm thần phân liệt đều có thể xảy ra trong các rối loạn tâm thần và thần kinh khác.

Theo tiêu chuẩn của DSM-5 (Diagnostic and Statistical Manual of Mental Disorder – Sổ tay chẩn đoán và thống kê các rối loạn tâm thần), tâm thần phân liệt được chẩn đoán khi thỏa mãn tất cả các tiêu chuẩn sau:

Có ít nhất hai triệu chứng trong số ảo giác, hoang tưởng, ngôn ngữ vô tổ chức, hành vi vô tổ chức, các triệu chứng âm tính kéo dài ít nhất một tháng (bắt buộc phải có một trong ba triệu chứng đầu tiên).

Bệnh làm giảm khả năng chăm sóc bản thân, hoạt động xã hội, công việc, học tập so với trước khi mắc bệnh. Tổng thời gian bệnh kéo dài liên tục ít nhất 6 tháng, bao gồm cả giai đoạn cấp tính, loạn thần hoạt động nổi bật và giai đoạn tiền triệu (prodomal), các triệu chứng âm tính.

Và cũng như các bệnh lý tâm thần khác, các triệu chứng phải loại trừ do tổn thương của thần kinh trung ương như u não, viêm màng não, chấn thương đầu hoặc các bệnh lý toàn thân như rối loạn điện giải, hạ đường huyết, sốc nhiễm trùng, rối loạn nội tiết tuyến giáp… và tác dụng do chất thuốc như đã đề cập ở trên.

Và nếu có rối loạn khí sắc đi kèm (trầm cảm, lưỡng cực) thì công việc của bác sĩ sẽ cực hơn vì phải phân biệt là tâm thần phân liệt có biểu hiện khí sắc hay là một rối loạn khí sắc có triệu chứng loạn thần đi kèm, vì hai hướng xử trí cũng như tiên lượng của hai bệnh là rất khác nhau.

Các triệu chứng cơ bản của tâm thần phân liệt bệnh học là hoang tưởng

3. Diễn tiến bệnh tâm thần phân liệt như thế nào?

Điển hình, dấu hiệu báo trước bắt đầu ở tuổi thiếu niên, sau đó tiền triệu xuất hiện trong vài ngày đến vài tháng. một năm hoặc hơn trước khi khởi phát triệu chứng loạn thần rõ ràng.

Giai đoạn kinh điển của tâm thần phân liệt là một đợt bùng phát và có lui bệnh. Sau đợt loạn thần đầu tiên, bệnh nhân dần khôi phục và sau đó chức năng tương đối bình thường một thời gian dài. Tuy nhiên bệnh nhân thường tái phát, sau mỗi đợt loạn thần, chức năng cơ bản của bệnh nhân sẽ giảm hơn nữa và không trở lại như ban đầu.

Các triệu chứng dương tính có xu hướng trở nên ít nặng nề hơn qua thời gian, nhưng các triệu chứng âm tính làm giảm về chức năng xã hội lại tăng mức độ. Dù khoảng một phần ba tất cả các bệnh nhân tâm thần phân liệt sống hoà nhập với xã hội nhưng đa phần họ không có mục đích sống, sống lệ thuộc, thường xuyên nhập viện hoặc lang thang ngoài đường.

Mong rằng qua bài viết này có thể giúp quý độc giả hiểu thêm về nguyên nhân, chẩn đoán bệnh tâm thần phân liệt, nó cũng như bao bệnh mãn tính khác, vậy nên đừng kì thị người bệnh, nếu nghi ngờ bản thân hoặc người thân mình mắc bệnh, đừng ngần ngại hãy đến các cơ sở y tế uy tín để được giúp đỡ.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *