Sang chấn tâm lý (hay còn gọi là chấn thương tâm lý) là dạng tổn thương về mặt tâm trí do một sự kiện đau khổ gây ra. Kinh nghiệm khi trải qua một sang chấn tâm lý là trải nghiệm độc đáo ở mỗi người. Trải nghiệm này rất khó để xóa khỏi tâm trí, nó có thể kéo dài trong nhiều năm với cường độ cảm xúc lớn, sang chấn có thể xuất phát từ nhiều loại sự kiện khác nhau, từ những người trải qua chiến tranh, những người là nạn nhân của lạm dụng, bạo lực hay cả những người đã chứng kiến một sự kiện khủng khiếp.
1. Sang chấn tâm lý
Từ “trauma ” (sang chấn) xuất phát từ tiếng ‘traûma’ trong ngôn ngữ Hy Lạp cổ để mô tả về một tổn thương, một sự thiệt hại. sang chấn tâm lý được hiểu như là kết quả của một hoặc nhiều các sự kiện gây tổn hại, đe dọa nghiêm trọng đến thể chất, tinh thần, đôi khi đến cả tính mạng. Nó tác động tiêu cực đến các mặt xã hội, sức khỏe thể chất – tinh thần, cảm xúc ảnh hưởng đến khả năng học tập, làm việc và chất lượng cuộc sống.
Sang chấn tâm lý có thể là kết quả của một hoặc được tích lũy qua nhiều tuần, nhiều năm, thậm chí là nhiều thập kỷ từ các sự kiện đau buồn lặp đi lặp lại. Thông thường các sự kiện này liên quan đến phản ứng căng thẳng (stress) quá mức, vượt quá khả năng đối phó của một người hoặc tích hợp những cảm xúc tiêu cực liên quan đến trải nghiệm đó.
Ví dụ, một người trải qua tai nạn giao thông, có thể sợ khi điều khiển xe trở lại, sợ rằng sẽ trải nghiệm lại tai nạn ngay cả khi chỉ ngồi trên xe. Họ không chỉ nhạy cảm hơn với những gì đang xảy ra xung quanh mà còn có những ký ức sống động đôi khi xuất hiện như thể họ đang sống lại tai nạn khi trên xe hoặc trong những cơn ác mộng. Khi đi trên đường bất kỳ lúc nào trải nghiệm tai nạn luôn có thể được tái hiện.
Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Tâm lý, tải ngay ứng dụng YouMed.
Các loại sang chấn khác có thể tạo ra các triệu chứng tương tự. Những người gặp nguy hiểm rất sợ và cảnh giác khi họ ở trong bối cảnh tương tự. Những người bị thương bởi bạo lực rất sợ hãi khi thấy người đã hành hung họ. Đôi khi nhìn thấy khuôn mặt của người nào đó tương đồng với người hành hung mình cũng làm họ hoảng loạn.
Một sang chấn không nhất thiết phải do chính họ trực tiếp trải nghiệm. Chúng ta hoàn toàn có thể bị sang chấn tâm lý ngay cả khi là khán giả chứng kiến của một sự kiện khủng khiếp như đứa trẻ chứng kiến bạn cùng lớp bị bạo hành.
2. Hệ quả của sang chấn
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng sang chấn tâm lý có thể thay đổi hệ thống nội tiết tố của cơ thể và hệ thống thần kinh bằng những phản ứng tâm lý – thể lý. Một số nghiên cứu cụ thể chỉ ra rằng, sang chấn tâm lý cụ thể ảnh hưởng đến vùng não giữa, một phần của bộ não chi phối cảm xúc, ghi nhớ thông tin và não trán, vùng não điều khiển quá trình logic, tư duy và các hoạt động sống khác.
Tùy thuộc vào bối cảnh, yếu tố tạo nên sang chấn, hậu quả có thể là cảm xúc, hành vi hoặc ảnh hưởng lên cả nhận thức như khả năng suy nghĩ và đưa ra quyết định, đôi khi để lại di chứng thần kinh. Về cảm xúc, họ có nguy cơ cao phát triển các rối loạn như lo lắng tột độ, mất kiểm soát cơn tức giận, buồn bã, cảm giác tội lỗi của người sống sót.
Họ có thể gặp các vấn đề liên tục với giấc ngủ hoặc nỗi đau thể xác, gặp khó khăn trong các mối quan hệ cá nhân, nghề nghiệp và cảm thấy bản thân không có giá trị, phản ứng căng thẳng kém thích nghi.
3. Làm thế nào với sang chấn tâm lý
Những trải nghiệm sang chấn thường khơi dậy những cảm xúc mạnh mẽ. đáng lo ngại là nó có thể tự thuyên giảm hoặc không. Trước một sự kiện đau khổ gây sang chấn, phản xạ thông thường chúng ta có là hoảng hốt hoặc né tránh. Một người có thể trải qua một loạt các phản xạ cảm xúc như sợ hãi, giận dữ, tội lỗi, xấu hổ, cảm giác bất lực và dễ bị tổn thương cũng rất phổ biến.
Một vài người tin rằng thời gian có thể xóa bỏ mọi thứ, nhưng đôi khi nó là những lời nói trấn an để ta tránh nói về nó. Sự né tránh quá mức có thể làm mọi thứ trở nên khó kiểm soát hơn. Và điều xảy ra trong hầu hết các trường hợp là các triệu chứng của sang chấn tâm lý xuất hiện một cách đột ngột và dữ dội trong những thời điểm chúng ta không ngờ tới.
Phương pháp điều trị phải kể đến các phương pháp can thiệp tâm lý tập trung sang chấn thông qua lắng nghe, thấu cảm và các kỹ thuật khác hỗ trợ sự hồi phục khả năng đương đầu tốt hơn và hạn chế các hệ quả tiêu cực. Trong một số trường hợp, điều trị dược lý có thể hữu ích.
4. Chúng ta đều xứng đáng được hỗ trợ
Đa phần những người trải qua sự kiện gây sang chấn tâm lý không cần điều trị. Nhưng khi các dấu hiệu tăng nặng, làm suy giảm khả năng học tập/làm việc và chất lượng cuộc sống. Đó là tín hiệu cho thấy bạn cần sự giúp đỡ chuyên nghiệp từ một chuyên gia sức khỏe tâm thần.
Chứng sang chấn có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân và có thể gây ga những hiệu quả nghiêm trọng ảnh hưởng đến cuộc sống. Nhưng bạn cũng có thể được hỗ trợ để giúp bạn có cơ hội trở lại với cuộc sống.
- Điều gì xảy ra khi gặp sang chấn tâm lý? (Phần 2)
- Điều gì xảy ra khi gặp sang chấn tâm lý? (Phần 3)