Trong phần trước, chúng ta đã tìm hiểu về khái niệm tâm thần phân liệt, loạn thần cũng như các triệu chứng, chẩn đoán và diễn tiến của của bệnh. Ở bài viết cuối trong chuỗi bài “Tâm thần phân liệt đáng thương hay đáng sợ?”, bạn có thể hiểu về các phương pháp điều trị, hỗ trợ cho cả bệnh nhân và gia đình.
1. Khi nào bệnh nhân tâm thần phân liệt cần nhập viện?
Yêu cầu nhập viện khi lần đầu tiên khởi phát bệnh. Bác sĩ cần phải xác định rõ chẩn đoán, đánh giá bệnh nhân có các hành vi làm tổn hại đến bản thân và những người khác như tự sát, giết người, không thể tự chăm sóc được bản thân như ăn uống, vệ sinh, mặc quần áo hay không. Các trường hợp khác có thể điều trị ngoại trú (đến khám và lấy thuốc về uống), thường là trong giai đoạn ổn định của bệnh.
2. Dùng thuốc gì?
Câu trả lời là thuốc chống loạn thần. Đây là một nhóm thuốc thường được khuyến cáo để điều trị ban đầu cho các giai đoạn tâm thần phân liệt cấp tính. Chúng hoạt động theo cơ chế chặn tác động lên não của dopamin. Dopamin là một loại chất dẫn truyền thần kinh có liên quan đến cơ chế gây bệnh tâm thần phân liệt.
Thuốc chống loạn thần có thể làm giảm cảm giác lo lắng hoặc gây hấn trong vài giờ sử dụng. Nhưng có thể mất vài ngày hoặc vài tuần (thường là 2 – 3 tuần) để giảm các triệu chứng hoang tưởng, ảo giác khác. Tuy nhiên, vì thuốc cũng có những tác dụng không mong muốn nên người bệnh cần được bác sĩ tâm thần thăm khám, chọn lựa thuốc phù hợp. Không nên tự ý mua thuốc hay thay đổi liều lượng thuốc.
Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Sức khỏe tâm thần, tải ngay ứng dụng YouMed.
Hiện tại ở Việt Nam dùng thuốc dạng uống là chủ yếu. Dạng phóng thích chậm dành cho những bệnh nhân tuân thủ kém vẫn còn hạn chế, chưa được phổ biến nhiều.
>> Còn một số loại thuốc khác cũng được chỉ định cho bệnh nhân tâm thần phân liệt. Đọc thêm bài viết: Tâm thần phân liệt đáng thương hay đáng sợ? (Phần 3)
3. Uống thuốc trong bao lâu?
Bạn có thể chỉ cần uống thuốc cho đến khi giai đoạn cấp của tâm thần phân liệt qua đi. Tuy nhiên, phần lớn người bệnh thường được uống thuốc thêm 1 hoặc 2 năm sau khi giai đoạn bệnh đầu tiên hồi phục để dự phòng các giai đoạn cấp khác xảy ra. Ngoài ra, họ sẽ dùng thuốc lâu hơn nếu bệnh tái phát.
4. Có cần sử dụng liệu pháp tâm lý không?
Một bệnh nhân tâm thần phân liệt được điều trị tốt nhất khi kết hợp cả dùng thuốc và liệu pháp tâm lý. Điều trị tâm lý giúp người bệnh có thể đối phó được các triệu chứng hoang tưởng, ảo giác tốt hơn. Đồng thời, nó giúp điều trị các triệu chứng âm tính như vô cảm hay mất hứng thú trong cuộc sống. Ngoài ra, liệu pháp gia đình (một trong số nhiều liệu pháp tâm lý) sẽ giúp đỡ bệnh nhân và các thành viên trong gia đình đối mặt tốt hơn với tình trạng bệnh.
5. Làm thế nào để “chung sống” với tâm thần phân liệt?
Tâm thần phân liệt có thể hồi phục hoàn toàn dù tỉ lệ không nhiều Đa phần bệnh nhân sẽ có những đợt bệnh tái phát. Với điều trị bằng thuốc cũng như hỗ trợ về mặt tâm lý, bệnh nhân có thể quản lý tốt bệnh và không để nó làm ảnh hưởng nhiều tới cuộc sống.
Nhiều người nghĩ điều trị cho bệnh nhân tâm thần phân liệt điều trị là để họ nằm yên một chỗ, đừng đi lang thang. Thật ra, ngay cả bác sĩ tâm thần trước đây cũng có quan niệm điều trị như vậy. Tuy nhiên, hiện tại, quan niệm này đã không còn. Người bệnh được hy vọng có thể trở về cuộc sống như trước đây. Nghĩa là họ sống tích cực, chủ động hơn, có thể tự chăm sóc bản thân, giữ cho thể chất cũng như tinh thần khỏe mạnh, có thể làm việc được.
Vì bệnh hay tái phát nên việc nhận ra các triệu chứng khi bệnh quay lại cũng rất quan trọng. Thời gian tiếp cận điều trị càng sớm, tiên lượng bệnh càng tốt. Các triệu chứng nổi bật của bệnh như ảo thanh, hành vi, ngôn ngữ vô tổ chức như đã đề cập ở bài trước. Ngoài ra, còn có các triệu chứng khác nhẹ hơn, “tinh tế” hơn như ăn mất ngon, cảm giác lo lắng, nghi ngờ, sợ hãi, căng thẳng, khó ngủ, khó có thể tập trung.
Chúng có thể là dấu hiệu báo trước bệnh tái phát. Bệnh nhân hoặc người nhà nên đưa bệnh nhân tái khám trở lại.
6. Duy trì lối sống lành mạnh
Một lối sống lành mạnh bao gồm chế độ ăn cân bằng với nhiều rau củ và trái cây, tập thể dục thường xuyên (≥ 30 phút mỗi ngày, ít nhất 5 ngày/tuần), nên tránh căng thẳng quá mức và ngủ đủ (6 – 9 tiếng/đêm).
Tỉ lệ hút thuốc lá ở bệnh nhân tâm thần phân liệt cao gấp 3 lần so với dân số nói chung. Việc ngưng hút thuốc không những có lợi về mặt thể chất (phòng ngừa ung thư, các bệnh lý tim mạch, tai biến) mà còn có ích về sức khỏe tâm thần.
Tránh xa rượu và các chất kích thích khác. Rượu, bia và chất cấm có thể làm giảm các triệu chứng của bệnh trong một thời gian ngắn nhưng về lâu về dài, chúng sẽ tệ đi. Hơn nữa, dùng bia, rượu có thể có tương tác với thuốc điều trị bệnh, khiến kết quả điều trị không mong muốn.
Như vậy, qua 3 bài viết, chúng tôi đã cung cấp những thông tin cơ bản về bệnh tâm thần phân liệt, bao gồm triệu chứng, chẩn đoán, diễn tiến, cách điều trị, hỗ trợ cho bệnh nhân và gia đình người bệnh. Tâm thần phân liệt không phải là không điều trị được. Nếu có triệu chứng bệnh, bạn nên đi khám để được điều trị sớm nhất.