Y học thường thức: Rối loạn thích nghi

Khi có một tình huống xấu hoặc khó khăn xảy ra, đa số mọi người đều có thể cảm thấy buồn, lo âu, chán nản. Tuy nhiên, khi sự kiện đó gây ra những phản ứng tiêu cực kéo dài hoặc quá mức, đặc trưng bởi cảm giác lo âu, khó chịu, buồn phiền và có thể có những hành vi táo bạo, liều lĩnh, có thể xem xét người đó đang bị rối loạn thích nghi.

Rối loạn thích nghi, đôi khi giống như một tình huống trầm cảm, là một phản ứng bất thường và quá mức đối với những yếu tố gây stress trong đời sống. Phản ứng nặng nề hơn mức bình thường mong đợi và có thể gây suy giảm đáng kể chức năng xã hội, nghề nghiệp, học tập.

1. Nhận diện triệu chứng

Những triệu chứng tâm thần và triệu chứng cơ thể của rối loạn thích nghi thường diễn ra ngay lập tức sau khi sự kiện stress xảy ra. Triệu chứng thường không kéo dài quá 6 tháng nếu như tác nhân gây stress hoặc hệ quả của nó được giải quyết. Tuy nhiên, nếu stress không được loại bỏ, triệu chứng có thể dai dẳng. Một số người có thể chỉ có một triệu chứng chứng, nhưng một số người khác lại có thể có nhiều triệu chứng.

Những triệu chứng tâm thần của rối loạn thích nghi có thể bao gồm:

  • Lo lắng.
  • Cảm thấy buồn, vô vọng hoặc cảm thấy bế tắc.
  • Khóc.
  • Những hành động bốc đồng.
  • Thiếu tập trung.
  • Đánh giá thấp bản thân.
  • Ý nghĩ tự sát.

Những triệu chứng cơ thể có thể là:

  • Mất ngủ.
  • Xoắn vặn tay chân, bứt rứt không yên.
  • Mệt mỏi.
  • Đau nhức cơ thể.
  • Khó tiêu.

Có nhiều dấu hiệu nhận biết rối loạn này

2. Tiêu chuẩn chẩn đoán rối loạn thích ứng (theo DSM-5)

Những triệu chứng cảm xúc, hành vi đáp ứng lại yếu tố gây stress xảy ra trong vòng 3 tháng kể từ khi yếu tố stress bắt đầu. Các yếu tố stress này có thể là một sự kiện đơn độc (ví dụ chia tay người yêu) hoặc là nhiều sự kiện (ví dụ khó khăn trong kinh doanh và vấn đề hôn nhân).

Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Tâm lý, tải ngay ứng dụng YouMed.

Những yếu tố gây stress có thể tái diễn (như mùa khủng hoảng kinh tế, chia tay những mối quan hệ tình cảm) hoặc dai dẳng (sống trong môi trường trộm cắp). Yếu tố stress có thể ảnh hưởng đến một thành viên, toàn bộ thành viên trong gia đình hoặc cả một nhóm cộng đồng (như thiên tai). Một vài yếu tố có thể đi kèm với những sự kiện chuyên biệt (như đi học, rời khỏi nhà, kết hôn, có con, thất nghiệp, về hưu).

Những triệu chứng hoặc hành vi này gây những thay đổi đáng kể, được cho thấy bởi một hoặc hai tiêu chuẩn sau:

  • Gây những khó chịu đáng kể nhưng lại không tương xứng với mức độ của yếu tố stress gây ra. Lưu ý rằng nội dung của ngoại cảnh và yếu tố văn hóa có thể ảnh hưởng đến độ nặng và biểu hiện triệu chứng.
  • Ảnh hưởng đáng kể chức năng xã hội, nghề nghiệp hoặc chức năng quan trọng khác.

Rối loạn liên quan đến stress không thỏa tiêu chuẩn của những rối loạn tâm thần khác và không chỉ là những những rối loạn tâm thần từ trước nặng lên.

Triệu chứng này không tượng trưng cho một tang thương thông thường.

Một khi stress hoặc hệ quả của nó được giải quyết, triệu chứng không tồn tại hơn 6 tháng.

Những thể chuyên biệt:

  • Thể  trầm cảm: khí sắc trầm, cảm giác vô vọng là nổi bật. Thể này cần phân biệt với rối loạn trầm cảm chủ yếu và tang tóc không phức tạp. Trẻ vị thành niên có rối loạn thích ứng dạng này sẽ tăng nguy cơ mắc rối loạn trầm cảm chủ yếu khi trưởng thành.
  • Thể lo âu: cảm giác lo âu, hồi hộp, tim đập nhanh, bồn chồn, lo âu chia ly là nổi bật. Cần phải phân biệt với rối loạn lo âu lan tỏa. 
  • Thể lo âu và trầm cảm hỗn hợp: kếu hợp giữa lo âu và trầm cảm là nổi bật. Không đạt đủ tiêu chuẩn cho rối loạn lo âu hoặc rối loạn trầm cảm chủ yếu đã được chẩn đoán.
  • Thể rối loạn cư xử: rối loạn cư xử bao gồm vi phạm những nguyên tắc xã hội, luật pháp. Ví dụ trốn học, phá hoại của công, đánh nhau, vi phạm giao thông. Cần phân biệt với rối loạn ứng xử và rối loạn nhân cách chống đối xã hội.
  • Thể rối loạn cảm xúc và cư xử: gồm cảm rối loạn cư xử và cảm cảm xúc là nôi bậc.
  • Thể không biệt định: những phản ứng không thuộc các phân loại trên.

3. Những nguyên nhân có thể gây ra rối loạn thích nghi

Nhiều sự kiện stress trong đời sống có thể gây rối loạn thích nghi. Một vài nguyên nhân phổ biến ở người lớn bao gồm:

  • Người thân mất.
  • Đổ vỡ các mối quan hệ.
  • Bệnh tật hoặc những vấn đề về sức khỏe.
  • Chuyển đến nhà mới hoặc nơi ở mới.
  • Thiên tai.
  • Những vấn đề về tiền bạc.

Những nguyên nhân điển hình ở trẻ vị thành niên:

  • Bạo lực hoặc những vấn đề trong gia đình.
  • Vấn đề ở trường học.
  • Lo lắng về giới tính.

>> Bạo hành gia đình có thể để lại nhiều hậu quả đến tâm lý của trẻ. Tìm hiểu thêm: Bạo hành gia đình là gì?

Các vấn đề gia đình có thể gây nên rối loạn này

4. Dịch tễ

Tỉ lệ hiện mắc ước tính là 2 – 8% dân số. Nữ giới được chẩn đoán rối loạn thích ứng cao gấp 2 lần so với nam giới. Phụ nữ độc thân có yếu tố nguy cơ cao nhất. Ở trẻ em và trẻ vị thành niên, tỉ lệ mắc của nam và nữ là ngang nhau. Rối loan có thể xảy ra ở bất kỳ độ tuổi nào, tuy nhiên thường thấy nhất là ở tuổi vị thành niên.

Ở tuổi vị hành niên, stress thường gặp nhất ở hai giới là vấn đề trường học, cha mẹ bỏ rơi hoặc ly hôn, lạm dụng chất kích thích. Ở tuổi trưởng thành, những nguyên nhân thường gặp là vấn đề hôn nhân, ly hôn, chuyển đến nơi làm việc mới và vấn đề tài chính.

Rối loạn thích ứng là một chẩn đoán tâm thần thường gặp nhất đối với những bệnh nhân có những vấn đề cần nhập viện hoặc phẫu thuật. Trong một nghiên cứu, có khoảng 5% bệnh nhân nhập viện trong vòng 3 năm có rối loạn thích ứng. Lên đến 50% những bệnh nhân có vấn đề y khoa chuyên biệt hoặc yếu tố gây stress được chẩn đoán rối loạn thích ứng. Hơn thế nữa, 10 – 30% bệnh nhân có vấn đề sức khỏe tâm thần điều trị ngoại viện và 50% bệnh nhân nội viện được chẩn đoán rối loạn thích ứng.

5. Người có nguy cơ mắc rối loạn thích nghi

Bất kỳ ai cũng có thể mắc rối loạn thích nghi. Không phải ai cũng đương đầu với các yếu tố khó khăn như nhau. Kỹ năng sống và những cách thức giúp bạn đương đầu với những khó khăn có thể quyết định bạn mắc rối loạn thích nghi hay không.

6. Diễn tiến tiên lượng

Với điều trị thích hợp, tiên lượng của bệnh là khá tốt. Hầu hết bệnh nhân trở về chức năng sống trước đây trong vòng 3 tháng. Một vài người (đặc biệt trẻ vị thành niên) được chẩn đoán rối loạn thích nghi, sau này có thể có rối loạn khí sắc hoặc rối loạn sử dụng chất. Do đó, trẻ vị thành niên thường cần thời gian hồi phục lâu hơn so với người lớn.

Cũng như định nghĩa, rối loạn thích ứng bắt đầu trong vòng 3 tháng kể từ khi có stress và kéo dài không quá 6 tháng sau khi stress được giải quyết. Nếu stress là một sự kiện cấp (ví dụ như mất việc), khởi đầu của rối loạn thường ngay lập tức (ví dụ trong vòng vài ngày) và thời gian kéo dài thường ngắn (ví dụ không quá một vài tháng). Nếu stress hoặc hậu quả của nó dai dẳng, rối loạn thích nghi có thể tiếp diễn và trở thành một dạng dai dẳng.

7. Điều trị

Nếu được chẩn đoán rối loạn thích nghi, bạn cần được điều trị. Có thể bạn cần điều trị trong thời gian ngắn hoặc thời gian dài. Rối loạn thích nghi điểu hình có thể điều trị với những liệu pháp tâm lý, thuốc hoặc cả hai.

Điều trị tâm lý

Khi đi làm tâm lý, bạn có thể trở về chức năng sống bình thường trước đây hoặc tốt hơn. Những tâm lý gia có thể nâng đỡ cảm xúc và giúp bạn hiểu được nguyên nhân của rối loạn thích nghi. Điều này có thể giúp bạn phát triển các kỹ năng đương đầu với những tình huống khó khăn trong tương lai.

Rối loạn thích nghi có thể điều trị bằng tâm lý

Có nhiều liệu pháp điều trị rối loạn thích nghi. Những liệu pháp có thể là:

  • Liệu pháp nhóm.
  • Chăm sóc tâm lý khẩn cấp.
  • Nhận thức hành vi (CBT).
  • Trò chuyện liệu pháp.
  • Liệu pháp tương tác cá nhân (IPT).

Điều trị bằng thuốc

Một vài người rối loạn thích nghi có thể cần sử dụng thuốc. Điều trị này thường dùng trong thời gian ngắn để giảm các triệu chứng như lo âu, trầm cảm, mất ngủ. Những thuốc này có thể là:

  • Benzodiazepine ví dụ như lorazepam, alprazolam.
  • Nonbenzodiazepine giải lo âu như gabapentin.
  • SSRI hoặc SNRI như sertraline hoặc venlafaxine.

8. Phòng ngừa rối loạn thích nghi

Không có phương pháp nào đảm bảo ngăn ngừa được rối loạn thích ứng. Tuy nhiên, học cách đương đầu và vượt qua có thể giúp bạn thích ứng được với những yếu tố khó khăn. Bạn có thể tăng khả năng đương đầu và vượt qua bằng cách:

  • Xây dựng một mạng lưới bạn bè, người thân có thể nâng đỡ bạn.
  • Tìm kiếm điều tích cực trong những tình huống khó khăn.
  • Sống khỏe mạnh.
  • Tự tin vào bản thân rằng mình có thể vượt qua những khó khăn trong đời sống.

Những điều này có thể giúp bạn đương đầu với các tình huống stress. Bạn có thể thảo luận với bác sĩ hoặc tâm lý gia để có những cách kiểm soát và đương đầu tốt nhất trong các tình huống khó khăn này.

Bác sĩ Nguyễn Đào Uyên Trang

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *