Rối loạn phân liệt cảm xúc (Phần 2): Diễn tiến và điều trị

Tiếp theo bài viết rối loạn phân liệt cảm xúc “Phần 1: nguyên nhân, chẩn đoán”, phần này sẽ cung cấp các thông tin về diễn tiến cũng như cách điều trị và chăm sóc bệnh nhân phân liệt cảm xúc như thế nào cho tốt.

1. Diễn tiến bệnh rối loạn phân biệt cảm xúc như thế nào?

Điển hình bệnh sẽ khởi phát vào độ tuổi thanh niên, mặc dù bệnh có thể xảy ra vào bất cứ lúc nào từ thiếu niên cho tới trung niên. Nhiều bệnh nhân ban đầu biểu hiện các triệu chứng loạn thần trước nên lúc đó có thể được chẩn đoán là tâm thần phân liệt, loạn thần cấp…nhưng sau đó chẩn đoán sẽ là phân liệt cảm xúc nếu các triệu chứng về khí sắc dần xuất hiện và chiếm ưu thế hơn. Nhưng cũng có thể giai đoạn đầu tiên của bệnh là trầm cảm hoặc hưng cảm, sau đó mới biểu hiện loạn thần.

Rối loạn phân liệt cảm xúc ảnh hưởng lớn đến cuộc sống người bệnh

Nói về kết cục của bệnh thì phân liệt cảm xúc nằm ở giữa tâm thần phân liệt và rối loạn khí sắc, tức là sẽ tốt hơn tâm thần phân liệt nhưng lại xấu hơn so với rối loạn khí sắc.

2. Điều trị rối loạn phân liệt cảm xúc như thế nào?

Sự kết hợp liệu pháp hóa dược và liệu pháp tâm lý là điều trị tối ưu nhất. Để đạt được lợi ích và sự tuân thủ tối đa, kế hoạch điều trị phải được cá nhân hóa cho mỗi bệnh nhân.

Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Tâm lý, tải ngay ứng dụng YouMed.

Giống như tâm thần phân liệt, chỉ định nhập viện là bắt buộc đối với những bệnh nhân gây nguy hiểm cho bản thân như tự sát, tự làm đau bản thân hoặc gây tổn hại cho người khác như đánh đập, giết người hoặc bản thân không thể tự chăm sóc mình…Họ nên được nhập vào các bệnh viện có chuyên khoa tâm thần để được quản lý, chăm sóc thích hợp.

Có nhiều loại thuốc được sử dụng để điều trị rối loạn phân liệt cảm xúc, bao gồm thuốc chống loạn thần, ổn định khí sắc và thuốc chống trầm cảm. Sự lựa chọn loại thuốc nào sẽ phụ thuộc vào giai đoạn bệnh và diễn tiến bệnh. Việc điều trị sớm và các chức năng trước đó tốt sẽ cải thiện tiên lượng bệnh.

Liệu pháp tâm lý cho người bệnh phân liệt cảm xúc có rất nhiều lợi ích, các liệu pháp này tập trung phát triển các kĩ năng xã hội, phục hồi chức năng nhận thức, kiểm soát cảm xúc trong tất cả các lĩnh vực đời sống bao gồm giảm stress để ngăn ngừa tái phát bệnh và tái nhập viện.

Ngoài ra trong các phiên gặp gỡ với chuyên gia tâm lý, bệnh nhân và gia đình sẽ được giáo dục về bệnh và điều trị bệnh,  gia đình sẽ hỗ trợ để bệnh nhân tuân thủ dùng thuốc và tham gia điều trị tâm lý, cũng như duy trì các hoạt động thường ngày của bệnh nhân.

3. Bản thân bệnh nhân có thể làm gì cho chính mình?

Có nhiều người mặc dù mắc rối loạn phân liệt cảm xúc nhưng bản thân họ vẫn có thể sống vui vẻ, trọn vẹn cuộc sống thậm chí ngay cả khi vẫn còn triệu chứng, bởi họ được hướng dẫn để tự chăm sóc lấy bản thân mình [3]. Tự chăm sóc là cách bạn làm những công việc hằng ngày, tập thể dục, ăn uống, có các mối quan hệ giúp bạn cảm thấy khỏe mạnh. Những thay đổi nhỏ trong nhiều lĩnh vực nhất định có thể giúp ngăn ngừa các vấn đề khác phát sinh hoặc biến nó trở nên tồi tệ hơn.

Nhận ra các yếu tố khởi phát bệnh bằng cách ghi chép các sự kiện mỗi ngày, chất lượng giấc ngủ, chế độ ăn  có thể giúp bạn nhận ra những suy nghĩ, cảm xúc và hành vi của bản thân. Bạn có thể muốn chia sẻ những quan sát của mình cho người thân, bạn bè, đội ngũ hỗ trợ để nâng đỡ mình. Khi lắng nghe một ngày của bạn tồi tệ như thế nào họ có thể động viên để bạn tiếp tục duy trì những cam kết bạn đã đề ra, và nếu những cách thức này trước đây có hiệu quả thì bạn cũng đừng ngần ngại thảo luận với bác sĩ điều trị nhé.

Thử các phương thức thư giãn mới như tập yoga, ngồi thiền, mát-xa với tinh dầu, bấm huyệt… hay các công việc chân tay như: nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa, làm đồ thủ công… miễn sao bạn cảm thấy thoải mái là được.

Bên cạnh đó chế độ ăn, hoạt động thể chất, tập trung vào những điều tích cực cũng rất quan trọng mà bản thân bệnh nhân nên thực hiện tốt.

4. cần theo dõi bệnh rối loạn phân biệt cảm xúc như thế nào?

Sự thay đổi môi trường từ ở bệnh viện và ở nhà đối với bệnh nhân tâm thần rất quan trọng vì vấn đề tuân thủ thuốc. Thường bệnh nhân mắc bệnh phân liệt cảm xúc thiếu đánh giá chính xác và ý thức về bệnh của họ. Họ hay từ chối tiếp tục uống thuốc khi được xuất viện. Khi các triệu chứng bắt đầu tốt hơn nhờ thuốc bệnh nhân có thể nghĩ không cần uống thuốc nữa, những suy nghĩ như vậy dẫn đến là ngưng điều trị và kết quả là bệnh nhân quay trở lại nhập viện trong vài tuần kế tiếp.

Cũng có thể sự không tuân thủ điều trị là do các tác dụng phụ của thuốc như là tăng cân hoặc ngầy ngật, mệt mỏi. Vì vậy đối với những bệnh nhân này các bác sĩ thường lựa chọn thuốc uống một ngày một lần hoặc thuốc dạng tiêm phóng thích chậm. Trong mỗi trường hợp đều có những nguy cơ, lợi ích, tác dụng phụ khác nhau, cũng giống như việc đổi thuốc, nên có sự thảo luận với với bệnh nhân và gia đình.

Rối loạn phân liệt cảm xúc là một bệnh mãn tính, hay tái phát, bệnh có những biểu hiện của loạn thần và cả khí sắc, điều trị nên phối hợp cả dùng thuốc và tâm lý liệu pháp, nếu được điều trị sớm và tuân thủ tốt bệnh nhân có thể khôi phục bệnh.

>> Như vậy qua hai bài viết chúng tôi đã cung cấp đến quý độc giả các thông tin cơ bản về chẩn đoán, diễn tiến, điều trị, hỗ trợ và cách bệnh nhân rối loạn phân liệt cảm xúc tự chăm sóc bản thân mình. Hi vọng, các bạn có thể hiểu thêm về bệnh để không xa lánh, không “sợ” bệnh nhân mắc bệnh rối loạn phân liệt cảm xúc. Xem lại phần 1: Rối loạn phân liệt cảm xúc (Phần 1)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *