Ngưng thở khi ngủ là một rối loạn giấc ngủ nghiêm trọng xảy ra khi hơi thở của một người bị gián đoạn trong khi ngủ. Những người mắc hội chứng ngưng thở khi ngủ không được điều trị sẽ ngừng thở liên tục trong khi ngủ, đôi khi hàng trăm lần. Điều này dẫn đến não bộ và các cơ quan trong cơ thể có thể không được cung cấp đủ oxy.
1. Hội chứng ngưng thở khi ngủ là gì? Có các dạng nào?
Chứng ngưng thở khi ngủ thực chất là các cơn tắc nghẽn đường hô hấp lặp đi lặp lại. Trong khi ngủ, phần cơ họng được nghỉ ngơi. Lưỡi và các mô mềm ở hầu họng giãn ra và gây nghẽn đường thở một phần hoặc hoàn toàn. Khi ngưng thở, không khí qua vùng nghẽn bị hạn chế, làm giảm nồng độ oxy trong máu. Sự thiếu oxy này phát ra tín hiệu đánh thức một phần não để chỉ huy cơ thể thở trở lại.
Vì cơ hoành và cơ ngực cần phải làm việc nhiều hơn để ép không khí qua vùng hẹp, hơi thở thường sẽ bị gấp, khịt mũi hoặc ngáy. Một khi hơi thở trở về bình thường thì não quay lại trạng thái ngủ và quy trình này lại bắt đầu. Cứ như vậy, quy trình này lặp đi lặp lại tùy thuộc vào mức độ nặng của bệnh.
>> Nhiều người cũng thường ngáy khi ngủ, liệu nó có nguy hiểm hay không? Xem thêm bài viết Ngủ ngáy gặp ngày càng nhiều: Có thật sự vô hại?
Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ của chúng tôi
Các dạng của hội chứng ngưng thở khi ngủ
- Ngưng thở khi ngủ dạng tắc nghẽn (OSA): Phổ biến hơn trong hai dạng ngưng thở. Nguyên nhân là do tắc nghẽn đường thở. Thường là do các mô mềm ở phía sau và xung quanh cổ họng sụp xuống trong khi ngủ gây tắc nghẽn đường thở.
- Ngưng thở khi ngủ dạng trung ương: Không giống như OSA, đường thở không bị chặn, nhưng não không báo hiệu cho cơ hô hấp. Sự bất ổn trong trung tâm điều khiển hô hấp dẫn đến việc ngưng thở.
2. Những ai có nguy cơ cao mắc hội chứng này?
Ngưng thở khi ngủ có thể ảnh hưởng đến bất cứ ai ở mọi lứa tuổi, thậm chí là trẻ em. Các yếu tố nguy cơ gây ngưng thở khi ngủ bao gồm:
- Là nam giới.
- Thừa cân.
- Trên 40 tuổi.
- Có kích thước cổ lớn (43cm trở lên ở nam và 40cm trở lên ở nữ).
- Có amidan lớn, lưỡi lớn hoặc xương hàm nhỏ.
- Tắc nghẽn mũi do vách ngăn lệch, dị ứng hoặc các vấn đề về xoang.
- Có tiền sử gia đình bị ngưng thở khi ngủ.
>> Khi đi khám hội chứng này, bạn có những gì cần lưu ý? Đọc thêm trong bài viết Nghi ngờ bị Hội chứng ngưng thở khi ngủ: Cần chuẩn bị gì trước khi đến gặp bác sĩ?
3. Hội chứng nhưng thở khi ngủ gây ảnh hưởng như thế nào?
Nếu không được điều trị, ngưng thở khi ngủ có thể làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe, bao gồm:
- Huyết áp cao.
- Đột quỵ.
- Suy tim, nhịp tim không đều và cơn đau tim.
- Bệnh tiểu đường.
- Trầm cảm.
- Làm nặng thêm tình trạng.
- Nhức đầu.
Ngoài ra, chứng ngưng thở khi ngủ không được điều trị có thể là nguyên nhân dẫn đến kết quả kém trong các hoạt động hằng ngày, chẳng hạn như tại nơi làm việc và trường học, tai nạn xe cơ giới và tình trạng học tập kém ở trẻ em, thanh thiếu niên.
4. Triệu chứng của ngưng thở khi ngủ là gì?
- Thức dậy với cổ họng rất đau hoặc khô.
- Ngáy to.
- Thỉnh thoảng thức dậy với cảm giác nghẹt thở hoặc thở hổn hển.
- Buồn ngủ hoặc thiếu năng lượng trong ngày.
- Buồn ngủ khi lái xe hay làm việc.
- Đau đầu buổi sáng.
- Quên, thay đổi tâm trạng và giảm hứng thú với tình dục.
- Ngủ chập chờn, dễ bị thức giấc liên tục hay thậm chí là mất ngủ.
5. Chẩn đoán như thế nào?
Nếu bạn có triệu chứng, bác sĩ có thể yêu cầu bạn làm xét nghiệm ngưng thở khi ngủ, được gọi là đa ký giấc ngủ (polysomnogram). Điều này có thể được thực hiện trong một trung tâm rối loạn giấc ngủ hoặc thậm chí ở nhà.
Polysomnogram, hay nghiên cứu về giấc ngủ, là một test nhiều thành phần, ghi lại các hoạt động của cơ thể trong khi bạn ngủ (điện não, nhịp tim, nhịp thở, huyết áp…). Các bản ghi âm được phân tích bởi một chuyên gia về giấc ngủ đủ điều kiện để xác định xem bạn có bị ngưng thở khi ngủ hoặc một loại rối loạn giấc ngủ khác hay không.
6. Điều trị tình trạng ngưng thở khi ngủ như thế nào?
Điều trị ngưng thở khi ngủ bao gồm thay đổi lối sống, chẳng hạn như giảm cân hoặc thay đổi tư thế ngủ, đến liệu pháp CPAP, đến phẫu thuật.
Những điều bạn có thể tự làm tại nhà để giúp cải thiện tình trạng này:
Bạn có thể điều trị các trường hợp ngưng thở khi ngủ nhẹ bằng cách thay đổi hành vi của mình, ví dụ:
- Giảm cân.
- Tránh uống rượu và thuốc ngủ.
- Thay đổi tư thế ngủ để cải thiện nhịp thở.
- Ngừng hút thuốc. Hút thuốc có thể làm tăng sưng phồng ở đường hô hấp trên, có thể làm nặng thêm cả ngáy và ngưng thở.
- Tránh nằm ngửa khi ngủ.
Thở áp lực đường thở dương liên tục (CPAP)
Thở áp lực dương liên tục còn được gọi là CPAP. Đây là một phương pháp điều trị mà bạn sẽ đeo mặt nạ thở trong khi ngủ. Mặt nạ được nối với một máy mang luồng không khí liên tục vào mũi. Luồng khí này giúp giữ cho đường thở mở để thở đều đặn. CPAP là phương pháp điều trị phổ biến nhất cho chứng ngưng thở khi ngủ.
Ngoài ra còn có áp lực đường thở dương hai cấp hoặc BPAP. BPAP tương tự như CPAP nhưng áp lực luồng không khí thay đổi khi bạn hít vào và thở ra.
Ngưng thở khi ngủ và các thiết bị nha khoa
Thiết bị nha khoa có thể giúp giữ cho đường thở mở trong khi ngủ. Các thiết bị như vậy có thể được thiết kế bởi các nha sĩ có chuyên môn, đặc biệt trong điều trị chứng ngưng thở khi ngủ.
Phẫu thuật cho ngưng thở khi ngủ
Nếu bạn bị vách ngăn mũi lệch, amidan lớn hoặc hàm dưới nhỏ có phần quá mức khiến cổ họng quá hẹp, có thể cần phẫu thuật để điều chỉnh chứng ngưng thở khi ngủ.
Các loại phẫu thuật thường gặp nhất đối với chứng ngưng thở khi ngủ bao gồm:
- Phẫu thuật mũi: Sửa chữa các vấn đề về mũi như vách ngăn bị lệch.
- Uvulopalatopharyngoplasty (UPPP): Một thủ thuật loại bỏ bớt mô mềm ở phía sau cổ họng và vòm miệng, làm tăng chiều rộng của đường thở khi mở họng.
- Phẫu thuật nâng cao xương hàm tối đa: Phẫu thuật để khắc phục một số vấn đề trên khuôn mặt hoặc tắc nghẽn cổ họng góp phần gây ngưng thở khi ngủ.
Ngưng thở khi ngủ là một hội chứng nguy hiểm. Trên thực tế, nhiều người vẫn không biết là mình đang mắc hội chứng này. Bạn nên đến gặp bác sĩ kiểm tra khi xuất hiện các triệu chứng trên để được đánh giá mức độ và đưa ra phương pháp điều trị thích hợp nhé.