Tai biến mạch máu não là một bệnh lý nặng nề, gây ra những di chứng từ nhẹ đến nặng cho bệnh nhân. Hơn nữa tai biến mạch máu não hoàn toàn có nhiều khả năng tái phát. Hãy cùng tìm hiểu những thông tin cơ bản về việc giảm thiểu nguy cơ tái phát của tai biến mạch máu não qua bài viết dưới đây của Bác sĩ Ngô Minh Quân.
Làm thế nào để ngăn ngừa tai biến mạch máu não tái phát?
Nếu bạn là bệnh nhân đã từng mắc phải nhồi máu não – một dạng tai biến mạch máu não mà nguyên nhân do động mạch não bị tắc nghẽn – việc tiếp tục điều trị thuốc và thay đổi thói quen sống có thể giúp giảm bớt nguy cơ tái phát của tai biến. Tương tự nếu bạn mắc phải bệnh lý cơn thiếu máu não thoáng qua thì những hành động nêu trên cũng giúp cho bạn ngăn ngừa bớt nguy cơ diễn tiến thành một đợt tai biến mạch máu não trong tương lai.
Điều trị thuốc và thay đổi lối sống phối hợp cùng nhau giúp mang lại lợi ích tối đa. Không phải chỉ uống thuốc đúng hướng dẫn của bác sĩ là quan trọng mà việc thay đổi lối sống tích cực hơn cũng quan trọng không kém.
1. Thuốc điều trị
Nếu bạn là bệnh nhân đã từng mắc phải bệnh cảnh tai biến hoặc đang mắc phải cơn thiếu máu não thoáng qua thì bác sĩ của bạn sẽ chỉ định dùng những loại thuốc giúp giảm nguy cơ xuất hiện của các đợt tai biến trong tương lai. Một vài thuốc hoặc động với mục tiêu giảm bớt các yếu tố nguy cơ. Có nghĩa là việc điều trị nhằm giảm bớt huyết áp, kiểm soát đường huyết hoặc cholesterol. Một số thuốc khác lại được sử dụng với mục đích ngăn cục máu đông (máu đông hay huyết khối chính là một trong những nguyên nhân gây tắc mạch máu não).
Những thuốc đặc biệt quan trọng để ngăn ngừa tai biến tái phát gồm có:
Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ của chúng tôi
- Nhóm thuốc kiểm soát huyết áp.
- Nhóm thuốc statin, có tác dụng kiểm soát lượng cholesterol.
- Nhóm thuốc ngăn cục máu đông (ví dụ như aspirin).
- Nhóm thuốc kiểm soát đường huyết (nếu có đái tháo đường kèm theo).
Dù nhóm thuốc nào được chỉ định thì hãy đảm bảo rằng bạn dùng thuốc đúng cách mỗi ngày. Nếu bạn gặp khó khăn trong bất cứ vấn đề nào trong việc dùng thuốc đúng cách hoặc xuất hiện các tác dụng phụ hãy thông báo cho bác sĩ điều trị của bạn. Việc này giúp tìm ra biện pháp khắc phục những vấn đề bạn gặp phải.
2. 11 mẹo dùng thuốc tai biến mạch máu não đúng cách
1. Dùng thuốc đúng hướng dẫn của bác sĩ. |
2. Sử dụng các hộp thuốc có dán nhãn để phân loại các loại thuốc khác nhau (thuốc hàng ngày/ hàng tuần…). |
3. Sử dụng các công cụ nhắc nhở việc dùng thuốc như lịch trên điện thoại, các ứng dụng, đồng hồ thông minh hoặc bất cứ thứ gì có tác dụng nhắc nhở việc dùng thuốc đúng. |
4. Đọc cẩn thận tên thuốc, chỉ định cũng như các thông tin hướng dẫn sử dụng in trên bìa thuốc. |
5. Không nên bỏ liều, tăng liều hoặc sử dụng thêm các thuốc khác một các tự ý không thông báo cho bác sĩ trước. Liều lượng thuốc được lựa chọn phụ thuộc vào cân nặng, độ tuổi cũng như các vấn đề sức khỏe kèm theo của từng người bệnh khác nhau, nếu tự ý dùng thuốc không đúng hướng dẫn bác sĩ có thể dẫn đến nguy hiểm cho người bệnh. |
6. Cố gắng học thuốc tên gọi các thuốc mình hay sử dụng cũng như đọc thêm và hiểu về cơ chế hoạt động của chúng. |
7. Ghi nhớ những điểm khác biệt về hình dáng, màu sắc, kích thước của những loại thuốc khác loại để tránh nhầm lẫn. Khi hết thuốc và mua lại thuốc mới luôn cố gắng mua đúng loại thuốc đang sử dụng. Tuy nhiên khi mua một loại thuốc mới có cùng hoạt chất và liều lượng với thuốc cũ thì cũng được quyền thay thế. Nhưng nếu bạn cảm thấy không an tâm với loại thuốc mới hãy đến gặp các bác sĩ để được tư vấn thêm. |
8. Thông báo đến bác sĩ ngay khi xuất hiện các triệu chứng bất thường trong quá trình sử dụng thuốc. |
9. Nếu giá thành mỗi đơn thuốc quá cao hãy thông báo cho bác sĩ biết. Thường luôn có cách để giảm bớt chi phí của đơn thuốc phù hợp cho mỗi bệnh nhân. |
10. Mỗi lần tái khám luôn cố gắng mang TOÀN BỘ các thuốc đang sử dụng đến cho bác sĩ kiểm tra, nếu không thể thì cố gắng mang theo các đơn thuốc đang sử dụng. |
11. Luôn thông báo cho bác sĩ biết trước khi bạn sử dụng thêm các thuốc khác ví dụ như thuốc cảm, thuốc dị ứng, thuốc hạ sốt,… Tương tự với các thực phẩm chức năng và các thuốc không kê đơn khác. Tương các giữa các thuốc luôn có thể xảy ra và ảnh hưởng đến tác dụng của các thuốc bạn đang điều trị. |
3. Thay đổi thói quen sinh hoạt
Thói quen sinh hoạt có thể tác động rất lớn đến mục tiêu giảm nguy cơ tái phát của tai biến mạch máu não. Thói quen sống tích cực giúp giảm bớt các yếu tố nguy cơ của tai biến như tăng huyết áp, đái tháo đường hay mỡ máu cao. Bên cạnh đó việc thay đổi lối sống tích cực không chỉ giảm nguy cơ tái phát của tai biến mà còn giúp ngăn ngừa rất nhiều vấn đề sức khỏe khác.
Những điểm quan trọng trong việc thay đổi lối sống tích cực như:
Ngưng hút thuốc lá.
Thường xuyên tập luyện thể dục thể thao (nếu bạn không mắc các bệnh lý cần tránh vận động) tối thiểu 30 phút mỗi ngày trong đa số các ngày trong tuần.
Giảm cân nếu bạn thừa cân.
Ăn theo chế độ ăn “Địa trung hải” gồm có rau xanh, trái cây cùng các thực phẩm ít dầu mỡ, giảm ăn thịt, hạn chế ăn ngọt và ngũ cốc tinh chế (ví dụ như bánh mì).
Giảm ăn muối.
Giới hạn lượng đồ uống chứa cồn (rượu, bia…):
- Đối với đàn ông , không uống quá 2 đơn vị cồn mỗi ngày.
- Đối với phụ nữ, không uống quá 1 đơn vị cồn mỗi ngày.
“Một đơn vị cồn tương đương 10 gram cồn nguyên chất chứa trong dung dịch uống. Như vậy 1 đơn vị cồn tương đương với 3/4 chai/lon bia 330ml (5%); 1 cốc bia hơi 330 ml; 1 ly rượu vang 100ml (13,5%); hoặc 1 chén rượu mạnh 30ml (40%)”.
4. Ngưng hút thuốc lá
Nếu bạn đang hút thuốc, hãy hỏi ý kiến bác sĩ hướng dẫn các bước cai thuốc lá hiệu quả. Có nhiều liệu pháp cũng như nhiều loại thuốc giúp tăng khả năng thanh công của việc cai thuốc lá. Các nghiên cứu cho thấy những bệnh nhân thành công trong việc cai thuốc lá tốt hơn khi có sự hỗ trợ của các thuốc và sự tư vấn của các chuyên gia.
Nếu cai thuốc lá chưa thành công bạn có thể cố gắng bắt đầu từ việc dùng thay thế các loại thuốc bác sĩ chỉ định thay cho thuốc lá để dần dần cai hẳn được thuốc lâu dài.