Lo âu khi nào là bệnh? (Phần 2)

Tiếp nối chủ đề phân tích về tình trạng lo âu ở mỗi người, bài viết này YouMed sẽ tiếp tục cung cấp đến bạn những thông tin về bệnh lý trên. Cùng nhau tìm hiểu về những triệu chứng khác của rối loạn lo âu lan tỏa và sự khác biệt trong biểu hiện của trẻ với người lớn nhé!

NGƯỜI MẮC RỐI LOẠN LO ÂU LAN TỎA CÓ TRIỆU CHỨNG GÌ NGOÀI LO LẮNG?

1. Cầu toàn

Nhiều người trưởng thành có rối loạn lo âu lan tỏa là người cầu toàn. Với một công việc đơn giản họ có thể dành hàng giờ thực hiện. Để đảm bảo rằng nhiệm vụ được hoàn thành một cách hoàn hảo.

Ví dụ như đọc đi đọc lại bài thuyết trình của mình trước khi trình bày với thầy cô hoặc cấp trên. Hoặc thường xuyên cần phải thống nhất các chi tiết nhỏ tại nơi làm việc hoặc ở nhà. (Ví dụ: sử dụng loại phông chữ nào trong e-mail, có nên thử sản phẩm làm sạch mới ở nhà không).

Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Tâm lý, tải ngay ứng dụng YouMed.

Người mắc rối loạn lo âu ngoài lo lắng ra còn thường xuyên có dấu hiệu của người quá cầu toàn

2. Không thích những gì không chắc chắn

Những người bị rối loạn lo âu lan tỏa dường như bị dị ứng với những gì mông lung, mơ hồ. Họ không thích điều đó khi họ không chắc chắn 100% về bản thân, người khác, hành động và quyết định của họ hoặc tương lai.

Chính vì điều này, họ thường mệt mỏi và tốn nhiều thời gian công sức để chuẩn bị, với mục đích khiến bản thân cảm thấy chắc chắn hơn, bao gồm:

  • Tìm kiếm sự nâng đỡ, trấn an quá mức

Ví dụ: hỏi ý kiến ​​của nhiều người trước khi đưa ra quyết định dù rất nhỏ.

  • Kiểm tra thường xuyên

Ví dụ: gọi điện thoại cho một người thân yêu của bạn nhiều lần một ngày để đảm bảo rằng họ vẫn ổn. Đọc lại email nhiều lần để đảm bảo rằng không có lỗi chính tả. Đọc đi đọc lại tin nhắn để kiểm tra thông tin vì thiếu tập trung. Quên mất là mình vừa đọc cái gì.

  • Tìm thông tin hoặc lập danh sách trước khi làm việc

Ví dụ: phải đọc mọi cuốn sách về một chủ đề trước khi đưa ra quyết định. Không thể đi chợ hay mua sắm mà thiếu các mẩu giấy được ghi sẵn các vật dụng, đồ dùng cần mua.

  • Từ chối giao việc cho người khác

Ví dụ: không cho phép bất kỳ ai khác trong nhà hoàn thành các công việc nhỏ, tự mình làm để đảm bảo rằng nó được thực hiện đúng cách.

  • Tránh né/chần chừ

Họ tránh kết bạn mới, khi có cơ hội thăng tiến hoặc một công việc tốt họ sẽ chần chừ, lần lừ ngày này qua tháng nọ vì sợ “áp lực công việc mới”, “sợ bị chê bai”, “sợ hoàn thành không tốt, sếp thất vọng”,…

Họ cố gắng trì hoãn càng lâu càng tốt trước khi hoàn thành nhiệm vụ.

  • Cần người khác ra quyết định cho bạn

Do không chắc chắn khi đưa ra quyết định, một số người bị rối loạn lo âu lan tỏa sẽ giao trách nhiệm ra quyết định cho người khác.

  • Giữ cho bản thân luôn bận rộn

Nhiều người rối loạn lo âu lan tỏa sẽ cố gắng hoạt động liên tục cả ngày để giữ cho tâm trí của họ bận rộn và để né tránh lo lắng. Nếu đầu óc bạn đang quay cuồng với những hoạt động khác, bạn sẽ không có thời gian để nghĩ về tất cả những điều không chắc chắn sẽ xảy ra trong cuộc sống của bạn.

Tuy nhiên vấn đề ở đây là, hoạt động liên tục cả ngày sẽ khiến bạn mệt mỏi, và những lo lắng và suy nghĩ sẽ quay trở lại ngay khi bạn cố gắng thư giãn (ví dụ, khi đi ngủ vào ban đêm).

Người mắc rối loạn lo âu lan tỏa sẽ không thích những gì không chắc chắn

3. Trằn trọc, khó đi vào giấc ngủ

Ngoài ra cơ thể cũng không thể thư giãn, không thể là chính mình có lẽ là do lúc nào cũng mải suy nghĩ và hành động để làm vừa lòng người khác. Khó tập trung vì dòng suy nghĩ bị phân tâm bởi những lo lắng khó kiểm soát, khiến chất lượng công việc, học tập bị giảm sút.

Cơ thể như đang căng cứng, gồng lên, lâu dần khiến bạn đau vai mỏi cổ, đau mỏi khắp người. Giấc ngủ đến với bạn cũng khó khăn hơn, những suy nghĩ cứ tiếp nối tiếp nối, không thể thư giãn, đầu hoạt động liên tục khiến bạn “đếm cừu” tới ngàn lần mà vẫn chưa thiếp đi được. “Lòng dạ” lúc nào cũng thấy bồn chồn, bứt rứt dễ cáu giận với người khác.

Bên cạnh đó có một số người bệnh thường phủ nhận bản thân lo lắng, nhưng khi hỏi kĩ hơn thì có đầy đủ các triệu chứng như đã nêu ở trên. Thường những người này hay biểu hiện các triệu chứng cơ thể như: đau dạ dày, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, chóng mặt, tim đập nhanh,…

Họ thường được hướng dẫn đến gặp các bác sĩ chuyên khoa Tim mạch, Tiêu hóa hơn là bác sĩ Tâm thần.

Trằn trọc, khó đi vào giấc ngủ là một trong những biểu hiện của rối loạn lo âu

LO ÂU Ở TRẺ KHÁC GÌ NGƯỜI LỚN?

Độ tuổi trung bình khởi phát rối loạn lo âu lan tỏa là khoảng 30 tuổi, tuy nhiên ở bất kì lứa tuổi nào cũng có thể có mắc rối loạn này, bao gồm cả trẻ em.

Các biểu hiện của rối loạn lo âu lan tỏa nói chung tương đối giống nhau ở mọi lứa tuổi. Nếu có sự khác nhau thì chủ yếu là khác về nội dung khiến bạn lo lắng.

Khác biệt giữa rối loạn lo âu ở người lớn và trẻ em

Trong khi người lớn thường hay lo về sự hạnh phúc của gia đình hoặc sức khỏe của chính họ. Trẻ em và các bạn thanh niên trẻ thường quan tâm nhiều hơn về thành tích học tập, thể thao, sự chấp nhận của xã hội, các hành vi trong quá khứ và những biến cố, tai họa có thể ập đến trong tương lai.

Trẻ thường không nhận ra sự lo lắng này không phù hợp so với tình huống hiện tại. Vì vậy người lớn cần nhận ra những triệu chứng này.

Trẻ em thường quan tâm nhiều hơn về thành tích học tập, sự chấp nhận của xã hội,…

Tóm lại

Rối loạn lo âu không chỉ có mỗi lo lắng quá mức và không thể kiểm soát được. Nó bao gồm nhiều triệu chứng khác ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, khả năng hoàn thành công việc. Rối loạn lo âu lan tỏa có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi từ người già đến trẻ em, đặc biệt là người trưởng thành trẻ.

Trên đây là những thông tin cơ bản nhất về rối loạn lo âu mà ai cũng nên biết để có thể nhận biết được tình trạng bệnh của bản thân và mọi người xung quanh. 

>> Tìm hiểu về tất cả các thông tin liên quan đến bệnh rối loạn lo âu qua bài viết sau: Rối loạn lo âu: 6 cách giúp bạn vượt qua nỗi lo

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *