Ngày nay, khi chất lượng cuộc sống được nâng cao, dịch vụ y tế được cải thiện, con người có tuổi thọ trung bình cao hơn cho nên các bệnh lý tuổi già cũng được quan tâm nhiều hơn. Sa sút trí tuệ do bệnh Alzheimer là bệnh thường gặp ở người lớn tuổi, ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống người bệnh. Bài viết này sẽ cung cấp một số thông tin cơ bản về bệnh.
Thế nào là sa sút trí tuệ?
Sa sút trí tuệ là tên của một tập hợp các triệu chứng bao gồm mất trí nhớ và khó khăn trong suy nghĩ, giải quyết vấn đề hoặc ngôn ngữ. Trong y khoa bệnh còn được gọi với một cái tên khác là rối loạn thần kinh chức năng. Bệnh phát triển khi não bị tổn thương do nhiều nguyên nhân. Trong đó bệnh Alzheimer là thường gặp nhất, đứng thứ hai là do các bệnh lý mạch máu não.
Bệnh Alzheimer là gì?
Bộ não được tạo thành từ hàng tỷ tế bào thần kinh kết nối với nhau. Trong bệnh Alzheimer, các kết nối giữa các tế bào này bị mất. Điều này là do các protein tích tụ và hình thành các cấu trúc bất thường được gọi là “mảng bám”. Cuối cùng các tế bào thần kinh chết và mô não bị mất.
Não cũng chứa các chất hóa học quan trọng giúp gửi tín hiệu giữa các tế bào. Những người mắc bệnh Alzheimer có ít hơn các chất này hơn so với người bình thường, vì vậy các tín hiệu cũng không được truyền đi.
Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Sức khỏe tâm thần, tải ngay ứng dụng YouMed.
Bệnh Alzheimer là một bệnh tiến triển. Điều này có nghĩa là dần dần, theo thời gian, nhiều phần của não bị tổn thương, xuất hiện nhiều triệu chứng hơn, và trở nên tồi tệ hơn.
Yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc bệnh Alzheimer?
Có nhiều yếu tố khác nhau ảnh hưởng đến việc mắc bệnh Alzheimer.
Tuổi tác
Tuổi tác là yếu tố nguy cơ lớn nhất đối với bệnh Alzheimer. Hầu hết những người mắc bệnh Alzheimer xuất hiện triệu chứng sau 65 tuổi. Nhưng những người dưới độ tuổi này cũng có thể phát triển nó. Đây được gọi là bệnh Alzheimer khởi phát sớm, một loại bệnh mất trí nhớ khởi phát trẻ.
Giới tính
Phụ nữ sau 65 tuổi mắc Alzheimer nhiều gấp đôi so với nam giới. Có thể do phụ nữ trung bình sống lâu hơn nam giới hoặc bệnh Alzheimer có thể liên quan đến việc mất nội tiết tố estrogen sau khi mãn kinh.
Di truyền
Nhiều người đặt câu hỏi “Sa sút trí tuệ có được di truyền hay không?” hoặc “Alzheimer có di truyền không?”. Đây là hai câu hỏi hoàn toàn khác nhau. Sa sút trí tuệ di truyền hay không là do nguyên nhân gây ra bệnh lý sa sút.
Còn với bệnh Alzheimer thì vai trò của gen (di truyền từ bố mẹ sang con) còn chưa được rõ ràng. Có những bất thường về gen có thể làm tăng hoặc giảm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer. Điều này có nghĩa là nếu bạn có bố hoặc mẹ mắc Alzheimer, bạn sẽ có nguy cơ mắc bệnh này cao hơn so với người không có bố hoặc mẹ mắc Alzheimer, chứ không phải là bạn chắc chắn mắc bệnh.
Lối sống
Các hoạt động lành mạnh về thể chất, tinh thần sẽ giúp giảm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer. Bạn nên tập thể dục thường xuyên và giữ cân nặng hợp lý, không hút thuốc, có chế độ ăn uống cân bằng và uống bia trong giới hạn cho phép (nam không quá 2 lon/ngày, nữ không quá 1 lon/ngày).
Kiểm soát tốt các bệnh lý có nguy cơ gây ra sa sút trí tuệ
Các bệnh lý làm gia tăng nguy cơ gây sa sút trí tuệ bao gồm: đái tháo đường, tăng huyết áp, tăng mỡ máu, tai biến mạch máu não, trầm cảm…
Phân biệt hay quên do tuổi tác hay do bệnh Alzheimer?
Hay quên là triệu chứng nổi bật của bệnh Alzheimer thế nên đối với nhiều người, phát hiện những triệu chứng đầu tiên về trí nhớ ở bản thân hoặc người thân mang đến nỗi sợ hãi tức thì đối với bệnh Alzheimer.
Tuy nhiên, hầu hết chúng ta trên 65 tuổi đều có thể quên. Việc teo não liên quan đến tuổi là điều bình thường gây ra những thay đổi không chỉ về trí nhớ mà còn có tốc độ xử lý, sự chú ý…gọi chung là nhận thức. Chính vì thế rất quan trọng để nhận ra đâu là triệu chứng bệnh, đâu là những thay đổi bình thường có thể gặp ở người già.
Quên do tuổi tác bình thường | Quên do bệnh lý Alzheimer |
Thỉnh thoảng quên nơi để vật dụng sử dụng thường xuyên, chẳng hạn như kính hoặc chìa khóa. Có thể nhớ lại được. | Để quên đồ ở những nơi kì lạ, ví dụ như chìa khóa trong tủ lạnh, ví trong máy rửa chén. Không thể nhớ lại được và được phát hiện một cách tình cờ. |
Thỉnh thoảng gặp khó khăn trong việc tìm từ đúng, nhưng không ảnh hưởng đến cuộc nói chuyện. | Thường xuyên quên từ, thay thế từ không phù hợp, lặp lại các cụm từ và câu chuyện trong cùng một cuộc trò chuyện, quên tên của các thành viên trong gia đình. |
Trở nên dễ bị xao nhãng hoặc gặp khó khăn khi nhớ những gì vừa đọc, hoặc các chi tiết của một cuộc trò chuyện. | Thường xuyên quên toàn bộ cuộc hội thoại |
Cảm thấy lạnh hơn, nên thường mặc thêm áo khoác | Ăn mặc bất kể thời tiết. Ví dụ, mặc nhiều váy vào ngày ấm áp hoặc quần short trong cơn bão tuyết |
Có thể tạm dừng để nhớ đường đi, nhưng không bị lạc ở những nơi quen thuộc | Bị lạc hoặc mất phương hướng ngay cả ở những nơi quen thuộc, không thể làm theo chỉ dẫn |
Thỉnh thoảng quên một cuộc hẹn hoặc đi vào phòng và quên tại sao bạn bước vào. | Không còn tham gia vào nhiều hoạt động và sở thích thông thường, ngồi trước TV hàng giờ, ngủ nhiều hơn bình thường |
Có khả năng hoạt động độc lập và làm theo các hoạt động bình thường, mặc dù thỉnh thoảng mất trí nhớ | Khó thực hiện các nhiệm vụ đơn giản (thanh toán hóa đơn, mặc quần áo phù hợp, giặt giũ); quên làm thế nào để làm những việc bạn đã làm nhiều lần |
Đôi khi cảm thấy buồn | Cảm xúc thay đổi nhanh chóng, từ khóc chảy nước mắt đến giận dữ, kích động, không có lý do rõ ràng |
Làm sao biết tôi bị bệnh Alzheimer?
Ban đầu các triệu chứng của bệnh Alzheimer thường là nhẹ, nhưng khi các tế bào não bị tổn thương theo thời gian. Chúng trở nên tồi tệ hơn và bắt đầu ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của người bệnh. Điều này khiến triệu chứng bệnh khác hẳn với các hành vi, suy nghĩ chậm chạp, hay quên của tuổi già bình thường.
Người bệnh Alzheimer không ai có toàn bộ triệu chứng giống nhau hoàn toàn. Phần lớn, triệu chứng đầu tiên xuất hiện là gặp khó khăn để nhớ những thông tin hay những sự kiện gần đây. Có thể sự việc mới xảy ra cách đây vài phút hay vài ngày, người bệnh đã quên.
Chính vì thế người mắc Alzheimer thường hay:
- Mất đồ (như chìa khóa, kính) hoặc để quên đồ ở những nơi rất kì lạ như điện thoại để trong tủ lạnh…
- Quên tên bạn bè, người thân hoặc rất khó khăn để tìm từ đúng trong khi nói chuyện.
- Không nhớ đã nói những gì, thường xuyên lặp lại một nội dung nói chuyện.
- Bị lạc ở nơi rất quen thuộc, đã đi nhiều lần.
Trong khi đó, ở giai đoạn đầu trí nhớ về những kí ức xa xưa, người bệnh vẫn còn nhớ tốt, nhưng khi bệnh diễn tiến nặng lên, bệnh nhân sẽ quên hết, ngay cả trí nhớ xa
Ngoài mất trí nhớ, bệnh có triệu chứng nào?
Ngoài vấn đề về trí nhớ, người bệnh Alzheimer cũng gặp khó khăn trong cách suy nghĩ, nói chuyện, thực hiện các công việc.
Ví dụ như:
- Lời nói – lặp lại lời nói của chính mình hoặc rất khó khăn để theo dõi, hiệu nội dung cuộc nói chuyện.
- Khả năng phán đoán ước tính trong không gian ba chiều bị sai lệch, khiến cho việc đi lên đi xuống cầu thang, hoặc đậu xe trở nên “khó nhằn”.
- Khả năng tập trung, lên kế hoạch, tổ chức bị suy giảm, người bệnh dành rất nhiều thời gian để ra quyết định, thực hiện lựa chọn hay hoàn thành một công việc gồm nhiều bước mà trước đây đã làm rất quen thuộc như nấu ăn, giặt đồ.
Bên cạnh đó, cảm xúc của người bệnh Alzheimer cũng rất dễ thay đổi, đang vui, bỗng chốc buồn rầu, lo sợ hoặc cáu gắt. Hành vi cũng vậy, đang cười nói vui vẻ, bỗng chốc trở nên bứt rứt đi lại nhiều hoặc thậm chí kích động muốn đánh người, giấc ngủ bị xáo trộn.
Càng về sau các triệu chứng dần trở nên nặng hơn và có thể xuất hiện các triệu chứng khác. Một số người bắt đầu tin những điều không có thật (hoang tưởng) ví dụ như tin rằng con cái đang nói xấu tìm cách đầu độc mình, hoặc người lạ muốn lấy trộm đồ. Hoặc thường nghe/nhìn thấy những điều thực sự đang không có trước mặt bệnh nhân (ảo giác).
Dần dần họ không còn tự ăn, tự đi lại, tự vệ sinh được nữa và người bệnh cần giúp đỡ trong tất cả các hoạt động hàng ngày của họ. Chính những thay đổi này khiến cho không chỉ bản thân người bệnh mả cả người chăm sóc cũng cảm thấy trở nên mệt mỏi, bất lực. Do đó, nếu bạn cần sự giúp đỡ có thể yêu cầu sự hỗ trợ từ bác sĩ tâm thần hoặc đội ngũ tư vấn tâm lý.
Có xét nghiệm nào giúp chẩn đoán bệnh Alzheimer chính xác?
Cho đến thời điểm hiện tại không có một xét nghiệm đơn độc nào để chẩn đoán bệnh Alzheimer.
Thông thường các bác sĩ sẽ hỏi về các triệu chứng của bệnh nhân, tình trạng bệnh lý của bản thân bệnh nhân, gia đình, thăm khám, thực hiện các bài kiểm tra và loại trừ các bệnh lý cấp tính có thể nguy hiểm tới tính mạng như nhiễm trùng hệ thần kinh, u não hoặc các bệnh lý có triệu chứng tương tự khác như thiếu hụt vitamin, bệnh lý tuyến giáp, trầm cảm thông qua các xét nghiệm chuyên biệt.
Chụp MRI (cộng hưởng từ) hoặc CT (cắt lớp vi tính) có thể giúp loại trừ u não, tai biến mạch máu não. Với người bệnh Alzheimer trên phim chụp có thể thấy một số cấu trúc liên quan đến trí nhớ bị teo nhỏ.
Ngoài ra, với nền y học hiện đại có thể làm các xét nghiệm về gene để xác định các bất thường liên quan đến bệnh, hỗ trợ chẩn đoán.
Nếu tôi bị Alzheimer, tôi có thể sống bao lâu?
Trung bình, một người sau khi được chẩn đoán có thể sống được khoảng 10 năm, phản ánh bệnh nhân mắc bệnh khi tuổi đã cao chứ không phải do diễn tiến bệnh. Có những người bệnh có thể sống chung với bệnh lâu đến 20 năm.
Bệnh Alzheimer điều trị như thế nào?
Cho đến hiện tại chưa có một loại thuốc trên thị trường có thể điều trị khỏi bệnh Alzheimer hoàn toàn. Chúng có thể làm giảm tạm thời các triệu chứng hoặc làm chậm tiến triển bệnh.
Ngoài dùng thuốc, người chăm sóc có thể làm gì để giúp đỡ bệnh nhân Alzheimer?
Bên cạnh đó bệnh nhân cũng rất cần những hỗ trợ không thuốc khác, mà người chăm sóc có thể giúp ích, ví dụ:
Tạo lập các thói quen hoặc sử dụng hộp thuốc hàng ngày có thể cải thiện một số vấn đề do mất trí nhớ gây ra.
Giữ tinh thần, thể chất khỏe mạnh, tham gia các hoạt động xã hội ưa thích có thể có tác động rất tích cực đến một người mắc bệnh Alzheimer. Đó có thể là:
- Tập thể dục thường xuyên như bơi lội, đi bộ hoặc thái cực quyền
- Rèn luyện trí óc bằng cách đọc hoặc giải đố
- Tham gia một câu lạc bộ hay nhóm để hát, nhảy, làm đồ thủ công.
Khi bệnh nặng hơn, việc hồi tưởng nói về những bức ảnh hoặc những vật thể quen thuộc có thể phù hợp hơn với người bệnh.
Theo thời gian, những thay đổi trong hành vi như kích động hoặc gây hấn trở nên dễ xảy ra hơn, đó có thể là cách người bệnh bộc lộ sự khó chịu trong cơ thể do:
- Khát, đói, quá nóng hoặc quá lạnh.
- Đau.
- Kích thích quá mức: ồn ào, quá sáng…
- Phản ứng quá mức: tức giận, sợ hãi, thất vọng, buồn đau….
Alzheimer là một bệnh mãn tính, quá trình đón nhận và sống chung với bệnh sẽ ảnh hưởng trực tiếp quá trình điều trị.
Hiểu lý do đằng sau hành vi của người bệnh sẽ giúp ích cho người chăm sóc. Còn nếu không hiệu quả hãy đưa người bệnh đến gặp bác sĩ để được hỗ trợ.
Bài viết này chỉ cung cấp một số thông tin cơ bản về sa sút trí tuệ, bệnh Alzheimer và các yếu tố tác động đến bệnh, cũng như sự khác biệt về sự thay đổi nhận thức ở tuổi già và triệu chứng bệnh Alzheimer.