Hội chứng ống cổ tay: Biết để bảo vệ bản thân

Hội chứng ống cổ tay ngày càng phổ biến trong cộng đồng. Hội chứng này có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, công việc của bạn. Việc được phát hiện sớm và điều trị kịp thời là rất quan trọng. Vậy nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừa của hội chứng ống cổ tay là gì? Ai dễ bị hội chứng ống cổ tay? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết này cùng Bác sĩ Nguyễn Thanh Xuân nhé!

Định nghĩa hội chứng ống cổ tay

Hội chứng ống cổ tay là tình trạng đau, tê bì, hoặc yếu nhiều ngón tay và bàn tay. Nguyên nhân do dây thần kinh giữa bị chèn ép ở ống cổ tay. Dây thần kinh giữa là một trong những dây thần kinh chính ở bàn tay. Nó chi phối cảm giác cho ngón cái và ba ngón tiếp theo ở mặt gan tay. Nó cũng chịu trách nhiệm cho các cử động của ngón cái.

Cấu trúc của ống cổ tay

Hãy cùng tưởng tượng nhé! Dây thần kinh giữa chạy từ cẳng tay xuống đến bàn tay qua ống cổ tay. Ống này được bao quanh bởi các xương cổ tay ở phía sau và một dây chằng ở phía trước. Ống cổ tay rộng khoảng 2,5 cm. Mặt khác, trong đó có chứa dây thần kinh giữa, các mạch máu, các gân gấp ngón tay. Vì vậy, đây thực sự là một lối đi khá chật hẹp.

Khi bị chèn ép, dây thần kinh giữa bị hạn chế chức năng, biểu hiện ra các triệu chứng của hội chứng ống cổ tay.

Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ của chúng tôi

Nguyên nhân của hội chứng ống cổ tay là gì?

Bất cứ nguyên nhân nào chèn ép lên thần kinh giữa trong ống cổ tay đều có thể gây nên hội chứng ống cổ tay. Trong nhiều trường hợp, không có một nguyên nhân đơn độc nào được xác nhận. Đa số là do sự kết hợp nhiều yếu tố gây ra.

Các nguyên nhân của hội chứng ống cổ tay có thể là:

  • Những chuyển động lặp đi lặp lại ở cổ tay: như gõ bàn phím. Điều này đặc biệt đúng khi vị trí bàn tay thấp hơn cổ tay của bạn.

  • Vị trí tay và cổ tay: thực hiện các hoạt động cần phải uốn cong, gập duỗi quá mức bàn tay, cổ tay trong thời gian dài.
  • Di truyền: đây có vẻ là một yếu tố quan trọng. Ở một số người, ống cổ tay có thể nhỏ hơn hoặc có nhiều sự khác biệt trong cấu trúc. Điều này dẫn đến hẹp không gian cho dây thần kinh đi qua.
  • Một số bệnh lý: cường giáp, béo phì, đái tháo đường, viêm khớp dạng thấp có liên quan đến hội chứng ống cổ tay.
  • Thai kỳ: việc thay đổi nội tiết tố trong thai kỳ có thể làm sưng, viêm các thành phần trong ống cổ tay.
  • Sau một số tổn thương cổ tay: như viêm dây chằng, viêm gân, thậm chí trật khớp, gãy xương. Do chúng làm thay đổi không gian trong ống cổ tay, tăng áp lực lên thần kinh giữa.

Triệu chứng của hội chứng ống cổ tay là gì?

Các triệu chứng của hội chứng ống cổ tay bao gồm:

  • Đau, tê bì, cảm giác châm chích, kiến bò ở lòng bàn tay, ngón cái, ngón trỏ, ngón giữa và một phần ngón áp út. Lưu ý, ngón út không bị. Đôi khi, những cảm giác này có thể lan lên cổ tay, cẳng tay, hiếm khi qua khuỷu lên đến vai.

Triệu chứng có ở lòng bàn tay, ngón cái, ngón trỏ, ngón giữa, một phần ngón áp út
  • Tay yếu, vụng về, chuột rút. Điều này gây khó khăn trong sinh hoạt, công việc hàng ngày. Các triệu chứng nặng nề khi bạn làm gì đó liên quan đến việc gấp duỗi cổ tay hoặc nâng cánh tay. Có thể kể đến như đánh máy, nắm điện thoại, nắm vô lăng, chơi gôn…Đặc biệt, việc dùng ngón cái của bạn để cấu, véo hạn chế rõ rệt.
  • Làm rơi đồ vật do cơ ngày càng yếu hoặc giảm nhận thức về vị trí của tay trong không gian.

Một số triệu chứng xuất hiện dần dần mà không có một chấn thương cụ thể nào xảy ra trước đó. Thông thường, chúng sẽ nặng nề hơn vào ban đêm. Khi có bất cứ triệu chứng nào như trên, hãy tới gặp bác sĩ của bạn. Việc điều trị chậm trễ có thể làm mất chức năng bàn tay trầm trọng.

Ai dễ bị hội chứng ống cổ tay?

Hầu hết bạn đều nhận ra các biểu hiện của hội chứng ống cổ tay trong sinh hoạt hàng ngày. Đó là những động tác lặp đi lặp lại cổ tay trong một thời gian dài. Những nghề nghiệp có thể liên quan như:

  • Thư kí, đánh máy.
  • Tài xế.
  • Thu ngân.
  • Nhạc công.
  • Thợ cắt tóc.
  • Thợ may.
  • Thợ làm bánh.
  • Công nhân dây chuyền lắp ráp.
  • Chơi một số môn thể thao như quần vợt, cầu lông, bóng bàn…

Tuy nhiên, các bằng chứng khoa học cho các yếu tố này chưa rõ ràng. Còn nhiều mâu thuẫn về việc những yếu tố này là nguy cơ hay nguyên nhân trực tiếp của hội chứng ống cổ tay.

Nhiều nghiên cứu cho thấy, phụ nữ và người già tăng nguy cơ bị hội chứng này nhiều hơn các đối tượng khác.

Các phương pháp điều trị hội chứng ống cổ tay hiện nay

Điều trị hội chứng ống cổ tay phải được tiến hành ngay khi có chẩn đoán. Điều trị giai đoạn đầu có thể làm chậm hoặc ngưng sự tiến triến của bệnh. Hãy dành thời gian nghỉ ngơi để tay của bạn được thư giãn. Tránh những hoạt động làm nặng thêm các triệu chứng.

Các biện pháp điều trị hiện nay gồm: dùng nẹp, thuốc, phẫu thuật, vật lí trị liệu, thay đổi thói quen. Nếu được điều trị sớm, các triệu chứng bệnh thuyên giảm mà không cần phẫu thuật. Nếu các triệu chứng mức độ nhẹ, bác sĩ sẽ khuyến cáo điều trị không phẫu thuật trước.

Các loại thuốc điều trị

  • Thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs): như ibuprofen, diclofenac, meloxicam… Thuốc làm giảm đau, kháng viêm, giảm chèn ép lên thần kinh. Tuy nhiên, thuốc không nên dùng trong thời gian dài.
  • Corticosteroids: Bác sĩ có thể tiêm thuốc chứa corticosteroids vào ổng cổ tay của bạn. Thuốc cũng có tác dụng giảm đau, giảm chèn ép lên thần kinh. Thuốc corticosteroids đường uống không hiệu quả bằng đường tiêm.    

Tiêm corticosteroids dưới hướng dẫn của siêu âm

Nẹp

Mang nẹp ban đêm sẽ giữ cổ tay bạn thẳng trong khi ngủ. Đồng thời kết hợp mang nẹp khi hoạt động cũng giúp kiểm soát tốt tư thế cổ tay. Việc này giảm áp lực đép lên thần kinh giữa trong ống cố tay.

Mang nẹp giúp ổn định tư thế cho cổ tay

Vật lí trị liệu

  • Các bài tập: Bạn sẽ được chỉ định một số bài tập để hỗ trợ. Các bài tập này rất đơn giản, không đòi hỏi bất cứ một thiết bị nào. Một số bài tập như: rung lắc bàn tay, trượt dây thần kinh…
  • Siêu âm trị liệu, chiếu đèn, kích thích điện…cũng tỏ ra hiệu quả. Chúng giúp giảm đau, giảm tê bì, giảm sưng nề. Kích thích điện giúp phòng ngừa teo cơ.

Để các phương pháp này có hiệu quả, bạn cần đến các trung tâm vật lí trị liệu uy tín để được điều trị an toàn, hiệu quả.

Thay đổi thói quen

Các triệu chứng thường xảy ra khi cổ tay bạn ở một vị trí trong thời gian dài. Đặc biệt khi cổ tay bạn gấp hoặc duỗi. Nếu công việc của bạn liên quan đến những triệu chứng bệnh, hãy cố gắng để cổ tay được thư giãn nhiều hơn. Điều này có vẻ đơn giản nhưng lại có hiệu quả lớn trong nhiều trường hợp.

Phẫu thuật

Đôi khi, những điều trị trên không làm giảm các triệu chứng sau một thời gian dài. Lúc này, bác sĩ có thể khuyến cáo bạn phải phẫu thuật. Việc quyết định phẫu thuật phụ thuộc vào độ nặng của triệu chứng. Bạn đau và tê như thế nào? Ảnh hưởng như thế nào lên chất lượng cuộc sống?

Có hai kĩ thuật gồm: mổ nội soi và mổ mở.

  • Mổ mở: Rạch một vết lớn từ lòng bàn tay qua ống cổ tay. Sau đó, bác sĩ cắt dây chằng để giảm đè ép thần kinh giữa.
  • Mổ nội soi: Rạch đường nhỏ ở cổ tay và bàn tay. Dụng cụ có gắn camera được đưa vào bên trong ống cổ tay. Bác sĩ quan sát các cấu trúc bên trong ống cổ tay. Sau đó, bác sĩ tiến hành cắt dây chằng. mổ nội soi ít đau và phục hồi nhanh hơn.

Ảnh minh họa phẫu thuật nội soi hội chứng ống cổ tay

Phòng ngừa hội chứng ống cổ tay như thế nào?

Bạn có thể ngăn ngừa hội chứng ống cổ tay bằng cách thay đổi những thói quen của mình. Việc làm nhỏ nhưng lợi ích rất lớn!

  • Trong lúc làm việc, hãy luôn để mắt tới bàn tay của bạn. Tay của bạn có ở một tư thế quá lâu hay không? Bạn có đặt quá nhiều lực lên bàn tay không? Nếu được quan tâm dù chỉ một chút, bàn tay của bạn sẽ rất cảm ơn bạn.
  • Nghỉ giải lao thường xuyên: Bạn có thể gấp và duỗi cổ tay của bạn mỗi 15 – 30 phút làm việc. Điều này quan trọng nếu bạn sử dụng những công cụ rung lắc hoặc phải dùng lực quá lớn. Một số bài tập khác như rung, lắc bàn tay, căng duỗi bàn tay.

Bài tập căng duỗi sâu cổ tay
  • Cố gắng giữ cổ tay ở vị trí thẳng, trung tính. Tránh những động tác gấp duỗi cổ tay quá mức. Nẹp tay có thể giúp bạn giữ vị trí cổ tay trung tính. 

Tư thế bàn tay khi đánh máy sai và đúng
  • Tư thế làm việc đúng. Tư thế ngồi không đúng có thể ảnh hưởng đến các dây thần kinh ở vùng cổ. Điều này sẽ ảnh hưởng gián tiếp đến bàn tay của bạn. 

Hội chứng ống cổ tay rất thường gặp trong đời sống hàng ngày. Khi có cảm giác tê, ngứa ran, hoặc đau ở lòng bàn tay, ngón tay, hội chứng ống cổ tay là điều bạn cần nghĩ đến. Tổn thương dây thần kinh giữa kéo dài có thể phá hủy cơ, mất chức năng bàn tay. Vì vậy, nắm được những thông tin như trên giúp bạn nhận biết bệnh sớm, phòng bệnh, điều trị bệnh hiệu quả. Hãy tiếp tục đồng hành cùng YouMed để tìm hiểu biện pháp điều trị và chiến lược phòng bệnh một cách toàn diện, hợp lí nhé!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *