Rối loạn nhận dạng phân ly thường được biết đến với cái tên đa nhân cách. Rối loạn này đã được mô tả từ những năm đầu của thế kỉ 19, nhưng những hiểu biết của bệnh vẫn còn rất hạn chế. Những triệu chứng, nguyên nhân của bệnh đã được đề cập ở bài viết trước. Còn phần này sẽ là những tranh luận, khó khăn trong chẩn đoán và điều trị đa nhân cách.
1. Hầu đồng là gì?
Không phải tự nhiên lại nhắc đến hầu đồng trong bài viết về đa nhân cách. Hầu đồng hay còn gọi là lên đồng là một hoạt động tín ngưỡng. Về bản chất là giao tiếp với thần linh, thông qua các cô, cậu đồng. Ngoài ra, không chỉ riêng với người dân Việt Nam mà nhiều nơi khác ở các nước đang phát triển hoặc một số tôn giáo ở Mỹ, châu Âu cũng có hoạt động này. Họ tin rằng “ông”, “bà”, “thần” đang nhập hồn vào bà đồng và có thể nói chuyện.
Nhưng hầu đồng và đa nhân cách có liên quan gì tới nhau?
Hiện có nhiều tranh cãi về việc người hầu đồng có phải là rối loạn đa nhân cách hay không. Việc cô, cậu đồng thay đổi “nhân cách” mỗi khi lên đồng là do yếu tố bên ngoài xúc tác. Ví dụ như mùi nhang, âm nhạc, ánh sáng, những người ngồi xung quanh.
Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Sức khỏe tâm thần, tải ngay ứng dụng YouMed.
2. Cô/cậu đồng có phải là người đa nhân cách?
Để chẩn đoán rối loạn tâm thần, cần xét đến văn hóa, bối cảnh người đó đang sống. Cụ thể, nếu vấn đề đó được cả một cồng động chấp nhận thì đó là bình thường. Đa nhân cách cũng không ngoại lệ, hầu đồng là hoạt động tín ngưỡng khá phổ biến ở Việt Nam. Được con người Việt Nam chấp nhận nên không được xem là một rối loạn.
Ngoài ra, người đa nhân cách thường “biến hình” một cách không tự nguyện. Họ không kiểm soát được, hay tái phát, rất khó chịu. Và thường liên quan đến xung đột giữa cá nhân và những người xung quanh. “Biến hình” bất chấp thời gian, địa điểm chứ không phải trong một tình huống cụ thể như hầu đồng.
3. Những khó khăn khi chẩn đoán đa nhân cách
Đa nhân cách nói riêng và các rối loạn tâm thần nói chung đều là những chẩn đoán loại trừ. Nghĩa là phải xét đến các bệnh lý có tổn thương được xác định rõ qua các xét nghiệm hình ảnh trước khi nghĩ do tâm thần.
Và khi đã nghĩ tới tâm thần, thì đôi khi vẫn có những khó khăn trong việc xác định chẩn đoán. Ví dụ:
3.1 Sự thay đổi cảm xúc ở người rối loạn lưỡng cực
Trong lưỡng cực, người bệnh vui buồn thất thường, sáng nắng chiều mưa, thậm chí là cáu gắt. Nhưng khác với đa nhân cách, sự thay đổi này dù sao cũng diễn ra chậm hơn. “Biến hình” trong tích tắc và lưu ý là cảm xúc này gắn liền với một nhân cách. Tức là sự tồn tại ưu thế của loại cảm xúc này gắn liền với thời gian xuất hiện của nhân cách đó.
3.2 Các rối loạn loạn thần
Loạn thần là một thuật ngữ chung chung. Thuật ngữ này bao gồm ảo thanh, hoang tưởng, hành vi, lời nói kì lạ… .
Ở người đa nhân cách, một nhân cách này có thể mô tả những trải nghiệm giác quan của một nhân cách khác. Người bệnh giải thích triệu chứng giống như ai đó cảm nhận thế giới thông qua giác quan của họ. Khác với ảo giác là người bệnh nhìn, nghe, ngửi, hay cảm nhận bằng chính giác quan của mình. Ví dụ như “ Tôi cảm giác ai đó muốn khóc bằng mắt của tôi”. Khác với ảo thị “cô ta đang rơi nước mắt kìa” (thực sự là không có).
Sự biến đổi nhân cách, khiến cho những dòng suy nghĩ hay lời nói của “người trước” bị ngắt quãng. Có thể nhầm lẫn với sự mất kiểm soát, áp đặt hay đánh cắp suy nghĩ. Và được đánh giá là rối loạn hình thức tư duy – một triệu chứng của loạn thần.
Vậy điểm mấu chốt để phân biệt loạn thần và đa nhân cách là ở đâu? Trong đa nhân cách các giai đoạn quên và các triệu chứng phân ly là nổi bật. Do thường liên quan đến tổn thương tâm lý nên chẩn đoán sẽ chính xác hơn nếu các yếu tố gây khủng hoảng này qua đi.
4. Kết cục nào cho người đa nhân cách?
Rối loạn này có liên quan đến trải nghiệm quá sức, các tổn thương hoặc lạm dụng lúc còn nhỏ. Các triệu chứng có thể biểu hiện lần đầu ở bất kì độ tuổi nào, từ trẻ em cho đến người cao tuổi.
Ở những người bệnh không điều trị, khi gặp những sang chấn mới dù không liên quan những cái cũ cũng gây biến hình. Hoặc nếu có con, khi con họ lớn bằng độ tuổi trước kia họ bị bạo hành cũng có thể khơi gợi thay đổi nhân cách. Những người này có thể tiếp tục lạm dụng hay bạo lực với người khác. Đặc biệt là với những đứa trẻ của họ, gây ra thêm những rối loạn khác trong gia đình.
Người bệnh có thể chết vì tự tử hoặc do một hành vi bất chấp rủi ro.
5. Điều trị đa nhân cách như thế nào?
- Khác với trầm cảm, lưỡng cực, loạn thần, trong đa nhân cách điều trị bằng liệu pháp tâm lý là chủ đạo. Nhà trị liệu có thể phối hợp các phương pháp khác nhau để can thiệp có hiệu quả. Liệu pháp phân tâm học, nhận thức, hành vi, thôi miên… thường được sử dụng. Một số trường hợp điều trị gia đình hay điều trị hệ thống là cần thiết. Ví dụ như người bệnh có những mối quan hệ phức tạp trong gia đình hay có xung đột nhóm.
- Dù vậy thuốc vẫn có một vai trò nhất định trong những ca đa nhân cách. Các triệu chứng của rối loạn stress sau sang chấn (thường liên quan đến rối loạn này) như khó ngủ, lo âu, trầm cảm, ác mộng có thể đáp ứng một phần với các loại thuốc chống trầm cảm hay giải lo âu.
- Do đó tốt nhất vẫn là sự phối hợp điều trị giữa các tâm lý gia và bác sĩ tâm thần.
Như vậy, có thể thấy yếu tố văn hóa rất quan trọng trong việc chẩn đoán các rối loạn tâm thần, đa nhân cách nói chung. Ngoài ra, các triệu chứng dễ nhầm lẫn dẫn đến khó khăn trong chẩn đoán. Và điều trị đòi hỏi cần một thời gian dài, có sự phối hợp của tâm lý và hóa dược liệu pháp.