Viêm màng não do virus là tình trạng nhiễm trùng ở màng não và tủy sống. Bệnh thường ít nghiêm trọng hơn viêm màng não do vi khuẩn. Trong hầu hết trường hợp, trẻ đều tự khỏi mà không cần điều trị gì. Tuy nhiên, bất cứ khi nào trẻ có triệu chứng viêm màng não, bạn nên đưa trẻ đi khám Bác sĩ ngay. Bởi vì một vài trẻ có thể bị viêm màng não ở mức độ rất nghiêm trọng.
Nguyên nhân viêm màng não do virus
Viêm màng não do virus thường gặp phổ biến hơn do tác nhân vi khuẩn. Nhóm virus gây viêm màng não có thể là enterovirus. Đây là một trong những loại virus gây bệnh cảnh cảm lạnh, tay chân miệng và rất dễ lây lan. Nhất là vào những tháng mùa mưa. Ngoài ra, nguyên nhân có thể từ virus herpes, sởi, quai bị, cúm,…
Virus có thể vào cơ thể con bạn bằng nhiều cách. Trong đó con đường dễ lây lan nhất là từ không khí. Do trẻ tiếp xúc với dịch tiết ở đường hô hấp, sau khi ai đó ho hoặc hắt hơi. Ngoài ra, chúng có thể lây lan khi:
- Bắt tay với người bị nhiễm bệnh.
- Tiếp xúc với đồ vật mà người nhiễm bệnh đã chạm vào. Sau đó chạm vào mũi, miệng hoặc mắt của trẻ.
- Dùng chung các vật dụng cá nhân như chén dĩa, ly, khăn tắm …
- Tiếp xúc với chất thải của người bị nhiễm bệnh. Bằng cách không rửa tay sạch sẽ sau khi sử dụng nhà vệ sinh công cộng. Nhiều trường hợp có thể là do mẹ không vệ sinh tay sau khi thay tã cho trẻ bị nhiễm bệnh.
Trẻ nhỏ hơn 1 tháng tuổi hoặc hệ miễn dịch yếu sẽ dễ có nhiều khả năng bị viêm màng não do virus với mức độ nghiêm trọng hơn.
Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ của chúng tôi
Có thể bạn quan tâm:
Viêm màng não do vi khuẩn là một bệnh lí nhiễm trùng ở các mô và dịch xung quanh não và tủy sống. Viêm màng não do vi khuẩn có thể nghiêm trọng đến mức đe dọa tính mạng của trẻ. Nếu trẻ được điều trị ngay lập tức sẽ có nhiều cơ hội phục hồi hoàn toàn. Trong một số trường hợp, nó có thể gây ra những biến chứng nặng nề như di chứng ở não, thậm chí tử vong. Cho nên, trong khi có những biện pháp để phòng tránh thì tại sao bạn đã bỏ lỡ, cùng tìm hiểu với bài viết: Viêm màng não do vi khuẩn: Phòng tránh bằng cách nào.
Các triệu chứng của viêm màng não do virus
Các triệu chứng viêm màng não có thể khác nhau ở mỗi trẻ. Tùy thuộc vào độ tuổi của trẻ và nguyên nhân gây bệnh. Các triệu chứng đầu tiên có thể xuất hiện nhanh chóng trong vài giờ. Một vài trường hợp, chúng có thể bắt đầu vài ngày sau khi trẻ bị cảm lạnh, tiêu chảy, nôn ói hoặc các dấu hiệu nhiễm trùng khác.
Với trẻ sơ sinh, các triệu chứng thường không rõ ràng và đặc trưng. Thường là bỏ bú, ọc sữa, sốt cao, quấy khóc liên tục hay lừ đừ. Nghiêm trọng hơn, trẻ có thể co giật, tím tái.
Ở trẻ lớn, triệu chứng điển hình gồm có sốt nhẹ, đau đầu, cứng cổ. Cứng cổ là tình trạng trẻ không thể cúi đầu dễ dàng để cằm chạm vào ngực. Ngoài ra, có thể là mắt nhạy cảm hơn với ánh sáng, nôn ói, buồn ngủ, mệt mỏi. Nhưng tổng trạng trẻ vẫn không bị ảnh hưởng nhiều, trẻ vẫn tỉnh táo và sinh hoạt bình thường.
Hầu hết trẻ bị viêm màng não do virus ở mức độ nhẹ. Con bạn thường tự khỏi trong vòng 7 đến 10 ngày. Các triệu chứng trong giai đoạn đầu của viêm màng não do virus tương tự như các triệu chứng viêm màng não do vi khuẩn. Tuy nhiên, viêm màng não do vi khuẩn thường nghiêm trọng. Chúng có thể gây ra các biến chứng như tổn thương não hoặc ảnh hưởng đến phát triển của trẻ về sau.
Trẻ cần làm những xét nghiệm nào để chẩn đoán?
Nếu nghi ngờ viêm màng não do virus, có thể con bạn làm một vài xét nghiệm cơ bản như công thức máu. Trong trường hợp cần loại trừ nguyên nhân do vi khuẩn, Bác sĩ sẽ đề nghị cho trẻ cần phải chọc dò tủy sống. Đây là phương pháp lấy mẫu dịch trong tủy sống để xác định nguyên nhân và mức độ viêm màng não. Viêm màng não do vi khuẩn có thể diễn tiến rất nghiêm trọng. Vì vậy, nếu bạn nghi ngờ trẻ có triệu chứng bị viêm màng não, điều quan trọng là phải đưa trẻ đi khám Bác sĩ ngay.
Điều trị viêm màng não do virus
Trong hầu hết các trường hợp, không có điều trị đặc hiệu cho viêm màng não do virus. Đa số những người bị viêm màng não do virus thường nhẹ. Theo diễn tiến thông thường, trẻ có thể hồi phục hoàn toàn sau 7 đến 10 ngày mà không cần điều trị. Hoặc trẻ chỉ cần hỗ trợ với thuốc giảm đau đầu hay hạ sốt. Thuốc kháng virus có thể cần thiết nếu trẻ bị viêm màng não do virus herpes và cúm. Thuốc kháng sinh không có tác dụng nếu trẻ bị viêm màng não do virus.
Làm sao để ngăn ngừa viêm màng não do virus?
1. Tiêm phòng
Chủng ngừa theo lịch có thể giúp ngăn ngừa viêm màng não do các tác nhân virus sởi, quai bị, bại liệt. Ngoài ra, trẻ cũng cần được tiêm ngừa thêm các vắc xin Hib, phế cầu, não mô cầu. Đó là những tác nhân gây viêm màng não do vi khuẩn, có thể để lại biến chứng cho trẻ.
2. Phòng tránh nhiễm trùng
Trẻ em và người lớn nên rửa tay thường xuyên. Đặc biệt là trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Khuyến khích trẻ ho hoặc hắt hơi vào khuỷu tay. Dạy con bạn bỏ khăn giấy vào thùng ngay khi chúng đã sử dụng và rửa tay sau đó.
Tránh tiếp xúc gần với người đang bị bệnh và không dùng chung các vật dụng cá nhân. Vệ sinh sạch sẽ và khử trùng bề mặt các đồ vật thường xuyên tiếp xúc. Tránh vết cắn của muỗi và các côn trùng khác mang mầm bệnh có thể lây nhiễm cho người.
Nếu con bạn có dấu hiệu viêm màng não, hãy đi khám ngay lập tức. Chỉ có bác sĩ mới có thể xác định xem liệu trẻ có bị viêm màng não hay nguyên nhân gây ra bệnh và cách điều trị nào là tốt nhất. Hầu hết trẻ có thể khỏe mạnh trở lại sau khi bị viêm màng não. Mặc dù có thể mất nhiều thời gian. Cho con bạn chủng ngừa là cách tốt nhất để giúp trẻ phòng ngừa viêm màng não.