Rối loạn nhận thức thần kinh thường xảy ra nhất ở người lớn tuổi. Tuy vậy chúng cũng có thể tác động đến người trẻ. Sự giảm tập trung, trí nhớ, giải quyết các vấn đề, ngôn ngữ, hành vi khiến người bệnh gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống.
1. Nhận thức thần kinh là gì?
Rối loạn thần kinh nhận thức trước đây được gọi dưới cái tên quen thuộc là sa sút trí tuệ. Bệnh liên quan nhiều đến trí nhớ nên đôi khi còn được biết đến là bệnh mất trí. Tuy nhiên, trí nhớ chỉ là một phần trong nhận thức. Nhận thức còn bao gồm: sự tập trung, khả năng đánh giá, lý luận, học tập và ngôn ngữ nữa. Người mắc rối loạn này sẽ bị suy giảm về khả năng học tập, ghi nhớ, thay đổi hành vi và gặp khó khăn trong việc thực hiện các nhiệm vụ.
Có nhiều nguyên nhân gây ra rối loạn nhận thức thần kinh. Alzheimer là nguyên nhân thường gặp nhất. Kế đến là sa sút trí tuệ do nguyên nhân mạch máu. Tùy theo mức độ nghiêm trọng, người ta phân chia ra rối loạn nhận thức thần kinh chủ yếu nhẹ (mild) và (major).
Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ của chúng tôi
Bệnh này thường gặp chủ yếu ở người già, nhưng cũng có thể ảnh hưởng lên người trẻ. Ước tính, rối loạn nhận thức thần kinh tác động 2-10% người trên 65 tuổi. Và từ 5-25% ở người già trên 85 tuổi.
2. Rối loạn nhận thức thần kinh nhẹ có những triệu chứng gì?
Rối loạn nhận thức thần kinh nhẹ có thể suy giảm chỉ một hoặc nhiều vùng của nhận thức. Đặc trưng bởi sự suy giảm nhận thức ở mức độ vừa phải so với lúc trước của người bệnh. Biểu hiện có thể có ở trong một hoặc nhiều trong 6 lĩnh vực nhận thức sau:
2.1 Chú ý phức tạp:
Mất nhiều thời gian để hoàn thành công việc hơn trước đây. Cần kiểm tra lỗi 2-3 lần, khó khăn trong suy nghĩ và xử lý thông tin khi làm nhiều việc cùng lúc. Ví dụ như vừa nói chuyện điện thoại vừa lái xe.
2.2 Chức năng thi hành:
Cần nhiều nỗ lực hơn để hoàn thành các công việc nhiều công đoạn. Gặp khó khăn khi tiếp tục làm tiếp công việc bị gián đoạn. Sự tổ chức, lập kế hoạch hoặc đưa ra quyết định có nhiểu trở ngại. Gặp rắc rối để theo dõi sự thay đổi khi nói chuyện.
Rối loạn nhận thức thần kinh nhẹ: triệu chứng, nguyên nhân và điều trị
2.3 Học hỏi và ghi nhớ:
Khó nhớ lại các sự kiện xảy ra gần đây. Cần có gợi ý bằng cách nhắc nhở hoặc lập danh sách nhớ. Cần đọc lại để nhớ tên nhân vật, hay nội dung trước đó khi đọc sách. Đôi khi tự lặp lại vài từ với cùng một người. Không nhớ là đã trả tiền, thanh toán hóa đơn rồi.
2.4 Ngôn ngữ:
Khó khăn tìm từ thấy rõ. Người bệnh có thể tránh sử dụng tên riêng để gọi tên người quen. Câu nói có vẻ lộn xộn không đúng với một cấu trúc câu thông thường. Người nước ngoài có thể thấy trạng từ, giới từ, tính từ sắp xếp không đúng.
2.5 Vận động tri giác:
Có thể phụ thuộc nhiều hơn vào bản đồ hoặc ghi chú để tìm đường. Các công việc cần nhiều khả năng định vị không gian (spartial) có thể tốn công sức hơn để hoàn thành. Ví dụ như: đan, may vá, lắp ráp, gõ chữ, đục đẽo…
2.6 Nhận thức xã hội:
Những thay đổi nhỏ trong hành vi hoặc tính cách. Giảm khả năng đọc các tín hiệu xã hội như nét mặt, giảm sự đồng cảm hoặc giảm sự ức chế. Người bệnh có thể vô cảm hoặc bứt rứt.
Ngoài ra, người bệnh rối loạn nhận thức thần kinh có thể có sự thay đổi về khí sắc cảm xúc. Họ trầm buồn, thờ ơ, lo lắng hoặc rất vui vẻ, phấn chấn. Rối loạn giấc ngủ cũng rất thường gặp, mất ngủ, ngủ nhiều hoặc rối loạn nhịp sinh học. Lú lẫn cấp thường xảy ra đồng thời với các rối loạn nhận thức thần kinh ở người già. Đối với những người trẻ tuổi, các rối loạn phát triển thần kinh như rối loạn tăng động giảm chú ý thường gặp.
Sự suy giảm nhận thức có thể được nhận ra từ chính bản thân người bệnh hoặc người thân. Quá trình kiểm tra nhận thức này cần được đánh giá và so sánh với tình trạng trước đây của người bệnh. Tùy thuộc vào độ tuổi, trình độ học vấn và nền tảng văn hóa mà mỗi người thể hiện sự suy giảm này khác nhau.
3. Sự khác biệt giữa rối loạn nhận thức thần kinh chủ yếu (major) và nhẹ (mild)
Sự khác biệt chủ yếu thể hiện ở mức độ suy giảm và khả năng hoạt động độc lập của mỗi rối loạn.
Đặc điểm |
Rối loạn nhận thức thần kinh nhẹ |
Rối loạn nhận thức thần kinh chủ yếu |
Mức độ |
Các biểu hiện khiêm tốn, nhẹ, ít rõ ràng Các bài kiểm tra chức năng giảm nhẹ |
Triệu chứng rõ ràng được nhận thấy bởi bệnh nhân, người thân, bác sĩ. Các bài kiểm tra cho thấy giảm chức năng rõ rệt |
Hoạt động độc lập |
Các hoạt động cá nhân không bị ảnh hưởng nhiều (vẫn có thể thanh toán tiền, quản lý thuốc men,… nhưng cần nhiều nỗ lực hơn) |
Không thể sinh hoạt một mình, cần có sự trợ giúp (ăn uống, vệ sinh, lạc đường…) |
4. Nguyên nhân của rối loạn nhận thức thần kinh nhẹ?
Không có một nguyên nhân đơn độc nào được xác định gây ra rối loạn nhận thức thần kinh nhẹ.
Bằng chứng hiện tại chỉ ra rằng rối loạn nhận thức thần kinh thường, nhưng không phải luôn luôn là giai đoạn nhẹ của của các bệnh Alzheimer hoặc các dạng sa sút trí tuệ khác. Ví dụ: như sa sút trí tuệ do mạch máu ; bệnh Parkinson; nhiễm HIV,…hoặc do nhiều nguyên nhân phối hợp.
>> Xem thêm: Sa sút trí tuệ do mạch máu: Những điều cần biết
4.1 Một số yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng mắc rối loạn nhận thức thần kinh:
- Tuổi càng lớn nguy cơ càng tăng
- Sự đột biến liên quan đến gen APOE-e4 – liên quan nhiều đến bệnh Alzheimer. Tuy nhiên không phải ai có các gen này cũng bị suy giảm nhận thức.
- Các bệnh lý nội khoa và các thói quen xấu khác:
Bệnh đái tháo đường
Huyết áp cao
Tăng cholesterol
Trầm cảm
Ngưng thở khi ngủ
Béo phì
Hút thuốc
Thiếu tập thể dục
5. Chẩn đoán rối loạn nhận thức thần kinh như thế nào?
Chẩn đoán bệnh sẽ được thiết lập khi người bệnh có biểu hiện một hoặc nhiều vùng nhận thức như đã đề cập ở trên. Các triệu chứng này có thể được nhận ra bởi chính người bệnh, người thân hoặc các bác sĩ qua các bài test.
Sau đó bệnh sẽ cần được phân biệt với các bệnh cấp tính, nguy hiểm hơn, có khả năng chữa trị. Một số xét nghiệm được làm để hỗ trợ bác sĩ loại trừ những bệnh này:
- Kiểm tra máu, nồng độ vitamin B12, chức năng tuyến giáp…
- Hình ảnh học: MRI/CT não
6. Những kết cục có thể xảy ra ở người rối loạn nhận thức thần kinh
Thật không may, do bản chất của rối loạn và mối liên quan với tuổi tác, rất ít khả năng các triệu chứng sẽ ổn định hoặc cải thiện. Điều quan trọng là bệnh nhân nên được theo dõi cẩn thận, phối hợp với đa ngành để có thể ổn định chức năng nhận thức và duy trì chất lượng cuộc sống.
Trong các bệnh thoái hóa thần kinh như bệnh Alzheimer hay thoái hóa thùy trán thái dương. Triệu chứng thường khởi phát chậm và tiến triển ổn định.
Rối loạn này nếu khởi phát ở tuổi nhỏ hoặc thanh thiếu niên có thể có tác động lớn đến sự phát triển xã hội và trí tuệ. Ở tuổi trung niên, bệnh cũng dễ phát hiện hơn, khiến người bệnh và gia đình thường tìm kiếm điều trị sớm.
Nhưng ở người cao tuổi, bệnh đôi khi khó phát hiện, vì dễ nhầm lẫn là bệnh do lớn tuổi. Theo sinh lý, khi càng lớn tuổi, các chức năng nhận thức sẽ có giảm. Hơn nữa ở độ tuổi này, cũng có nhiều bệnh lý đi kèm và phải phân biệt với nhiều bệnh.
7. Điều trị rối loạn nhận thức thần kinh như thế nào?
Hiện tại, không có loại thuốc hoặc phương pháp điều trị nào được cấp phép để điều trị rối loạn này. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu đang tích cực được tiến hành. Với mong muốn cải thiện các triệu chứng hoặc ngăn ngừa làm chậm diễn tiến bệnh.
Trong bệnh Alzheimer, một số thuốc được sử dụng để làm chậm tiến triển bệnh. Tuy nhiên, các thuốc đó không được FDA phê duyệt điều trị rối loạn này. (FDA: Cục quản lý Thuốc Hoa Kì).
>> Xem thêm: Cần chuẩn bị gì trước khi đi khám bệnh Alzheimer?
Ngoài ra như đã đề cập ở trên, một số yếu tố nguy cơ có thể làm tăng nặng tình trạng bệnh. Vì thế nếu kiểm soát được các yếu tố này các triệu chứng của suy giảm nhận thức có thể không nặng thêm. Bao gồm:
7.1 Huyết áp cao
Huyết áp cao có thể làm tổn thương các mạch máu trong não. Khi sự nuôi dưỡng tế bào não không tốt, não suy giảm chức năng. Làm trầm trọng thêm triệu chứng hiện tại hoặc xuất hiện thêm triệu chứng mới. Bác sĩ sẽ theo dõi huyết áp và hạ áp nếu nó quá cao so với mức cho phép.
7.2 Trầm cảm
Nhiều người cho rằng trầm cảm là bệnh tâm lý, không cần điều trị. Quan niệm đó đã lỗi thời rồi nhé. Các bệnh lý tâm thần nói chung và trầm cảm nói riêng là do những tổn thương vi thể. Một trầm cảm kéo dài không điều trị sẽ sớm dẫn đến sa sút trí tuệ. Khi trong trạng thái trầm, bạn thường cảm thấy hay quên. Mọi thứ xung quanh thường “mù mờ như một đám sương. Điều trị trầm cảm bằng thuốc có thể giúp cải thiện trí nhớ. Đồng thời giúp bạn dễ dàng đối phó với những thay đổi trong cuộc sống.
7.3 Chứng ngưng thở lúc ngủ
Trong bệnh lý này, nhịp thở của bạn bị ngừng nhiều lần khi ngủ. Khiến cho bạn ngủ không ngon giấc. Hậu quả là mệt mỏi quá mức vào ngày hôm sau, mất tập trung, quên tới quên lui. Nếu được điều trị, các triệu chứng này có thể được cải thiện và khôi phục sự tỉnh táo.
8. Chăm sóc sức khỏe ngay tại nhà cho người bị rối loạn nhận thức thần kinh nhẹ
Nhiều kết quả nghiên cứu đã cho thấy sự kết hợp chế độ ăn uống, tập thể dục và các hoạt động lành mạnh khác có thể ngăn ngừa hoặc đảo ngược sự suy giảm nhận thức. Không chỉ sức khỏe về trí óc mà sức khỏe của toàn bộ cơ thể cũng được chăm sóc tốt.
Tập thể dục thường xuyên đã được biết đến là có lợi cho sức khỏe tim mạch. Và nó cũng có thể giúp ngăn ngừa hoặc làm chậm sự suy giảm nhận thức.
Một chế độ ăn ít chất béo và giàu trái cây và rau quả là một lựa chọn tốt cho trí não.
Kích thích trí tuệ có thể ngăn ngừa sự suy giảm nhận thức. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng sử dụng máy tính, chơi trò chơi, đọc sách và các hoạt động trí tuệ khác có thể giúp duy trì chức năng và ngăn ngừa sự suy giảm nhận thức.
Tham gia các hoạt động xã hội có thể làm cho cuộc sống vui vẻ, hạnh phúc hơn. Giúp bảo tồn chức năng và làm chậm sự suy giảm tinh thần.
Rèn luyện trí nhớ và tư duy có thể giúp cải thiện chức năng của bạn.
Bác sĩ Đào Thị Thu Hương