Cơn động kinh toàn thể và những điều bạn nên biết

Cơn động kinh toàn xảy ra khi có hoạt động điện bất thường gây ra cơn động kinh bắt nguồn từ cả hai bán cầu đại não vào cùng một thời điểm. Hãy cùng YouMed tìm hiểu về hiện tượng động kinh thông qua bài viết này nhé!

1. Cơn động kinh đoàn thể

  • Cơn động kinh toàn thể bao gồm cơn vắng ý thức, cơn mất trương lực cơ, cơn co giật, cơn co cứng co giật, cơn giật cơ và cơn động kinh do sốt.
  • Mất ý thức có thể đi kèm với co thắt, cứng, run, co cơ hoặc mất trương lực cơ.
  • Để chẩn đoán bác sĩ cần biết được quá trình và đặc điểm bệnh của bạn một cách chi tiết và cụ thể. Đồng thời bác sĩ có thể yêu cầu một số xét nghiệm như điện não đồ (EEG), chụp cộng thưởng từ não bộ (MRI não) và một số xét nghiệm máu.

Hình ảnh minh họa những xung điện bất thường trên não của những người có cơn động kinh.

 

  • Tất cả các trường hợp có cơn động kinh hay động kinh, điều trị sẽ tùy thuộc vào từng bệnh nhân. Điều trị có thể bao gồm thuốc hoặc những liệu pháp khác nếu thuốc không hiệu quả.

2. Các tuýp của cơn động kinh toàn thể

Cơn động kinh toàn thể có nhiều tuýp khác nhau. Sau đây là một số tuýp của cơn động kinh toàn thể.

2.1 Cơn động kinh vắng ý thức

Cơn động kinh ‘cơn nhỏ’ biểu hiện bằng các cơn nhìn chằm chằm khởi phát đột ngột và có thể bị nhầm lẫn với cơn mơ mộng đơn giản. Những dấu hiệu điển hình của cơn động kinh vắng ý thức là đột nhiên ngưng cử động và nhìn chằm chằm về một phía trong khoảng 15 giây hoặc ít hơn.

Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ của chúng tôi

Thông thường những cơn động kinh vắng ý thức sẽ tự giới hạn và người bệnh có thể không nhớ gì trong lúc lên cơn động kinh. Sau khi cơn động kinh qua đi, ý thức của người bệnh có thể trở về bình thường.

Người bệnh đột nhiên ngừng cử động, mắt nhìn chằm chằm trong vài phút trong cơn vắng ý thức.

2.2 Cơn động kinh mất trương lực cơ

Cơn động kinh loại này thường liên quan đến mất trương lực cơ đột ngột (mất sức cơ đột ngột) . Điều này khiến cho cơ thể của bệnh nhân đột ngột ngã khụy hoặc tướng đi khập khiễng, đôi khi có thể gây nên chấn thương.

Các triệu chứng khác của cơn động kinh mất trương lực cơ

  • Đi khập khiễng và ngã xuống đất
  • Đang cầm nắm đồ vật gì đó, bạn đột nhiên làm rơi nó
  • Vẫn duy trì được ý thức tức là trong cơn người bệnh vẫn còn tỉnh táo
  • Có thể mất ý thức ngắn thoáng qua
  • Sụp mi mắt
  • Giật mình

Bởi vì những cơn động kinh mất trương lực cơ thường dẫn đến té ngã, nên những bệnh nhân này cần được sơ cứu khi cơn động kinh kết thúc. Một số người bị những cơn động kinh này thường có thể mặc đồ bảo hộ hoặc đội mũ bảo hiểm để tránh chấn thương.

Người bệnh có thể đột nhiên té ngã trong cơn động kinh.

2.3 Cơn giật cơ 

Cơn giật cơ thường đặc trưng bởi đột ngột giật cơ hoặc gia tăng tương lực cơ giống như là một người bị co giật khi bị điện giật. Cơn giật cơ có thể tương tự như bị giật cơ mỗi lúc đi vào giấc ngủ. Tuy nhiên giật cơ khi ngủ là lành tính, trong khi đó những người mắc cơn giật cơ, trong cơn có thể giật rất mạnh.

Giật cơ ở người mắc cơn động kinh giật cơ.

2.3.1 Co thắt ở trẻ nhũ nhi

Co thắt ở trẻ nhũ nhi là một thể của cơn động kinh co giật. Co thắt thường khởi phát ở độ tuổi khoảng từ 3 đến 12 tháng tuổi và có thể kéo dài trong nhiều năm. Trẻ thường có các dấu hiệu như đột ngột co giật và sau đó cứng và cánh tay của trẻ sẽ vung ra hai bên cũng như co đầu gối, cơ thể trẻ uốn cong về phía trước. Mỗi cơn chỉ kéo dài khoảng một đến hai giây, nhưng các cơn co giật thường xảy ra gần nhau. Thi thoảng các cơ co thắt bị nhầm là những cơn đau bụng, nhưng những cơn đau bụng của trẻ thông thường sẽ không xảy ra liên tiếp nhau. Dạng động kinh này có thể có ảnh hưởng kéo dài đối với trẻ. Do đó, cần được đánh giá và điều trị kịp thời.

2.3.2 Bệnh động kinh giật cơ thanh thiếu niên

Các cơn động kinh thường liên quan đến cổ, vai và cánh tay. Ở nhiều bệnh nhân, cơn động kinh xảy ra ngay sau khi thức dậy. Cơn động kinh này thường khởi phát vào tuổi dậy thì hoặc giai đoạn sớm của tuổi trưởng thành với những người có trí năng phát triển bình thường. Trong hầu hết các trường hợp, những cơn động kinh này có thể kiểm soát tốt với thuốc.

2.3.3 Hội chứng Lennox – Gastaut

Đây là một hội chứng không phổ biến, thường bao gồm các thể cơn động kinh khác. Hội chứng này thường khởi phát ở giai đoạn thơ ấu. Cơn động kinh giật cơ thường liên quan đến vùng cổ, vai và cánh tay trên. Trong cơn, giật cơ có thể khá mạnh và khó kiểm soát với thuốc.

2.3.4 Bệnh động kinh giật cơ tiến triển

Hội chứng này khá hiếm gặp và thường gặp trong bệnh cảnh kết hợp cả cơn giật cơ và cơn co cứng (co giật). Điều trị thường không thành công vì bệnh sẽ diễn tiến nặng dần theo thời gian.

2.4 Cơn động kinh co cứng, co giật

2.4.1 Cơn động kinh co cứng

Trong cơn co cứng , các cơ thường co cứng lại và người bệnh bị mất ý thức. Việc co thắt các cơ vùng ngực sẽ khiến cho người bệnh cảm thấy khó thở và môi, mặt có thể trở nên tím tái.

Trong cơn co cứng, các cơ ngực, cánh tay và chân cứng lại, điều này khiến cho lưng bị cong.

2.4.2 Cơn động kinh co giật

Cơn động kinh co giật sẽ khiến cho các cơ của người đó bị giật và co thắt. Các cơ ở khuỷu tay, chân, cổ bị co lại và sau đó dãn ra nhanh chóng. Khi cơn động kinh giảm dần thì sự giật cơ chậm dần. và cuối cùng ngừng hẳn. Sau khi giật cơ ngừng hẳn, người bệnh thường thở sâu trước khi thở lại như bình thường.

2.4.3 Cơn co cứng, co giật

Cơn động kinh co cứng – co giật xảy ra khi co cứng và co giật xảy ra cùng lúc. Nếu bạn bị cơn co cứng- co giật, một số hoặc tất cả các triệu chứng sau có thể xảy ra cùng một lúc

  • Có một cảm giác lạ thoáng qua ví dụ như đột nhiên la hét hoặc khóc
  • Tiêu tiểu không tự chủ trong hoặc sau cơn động kinh
  • Sau cơn có thể cảm thấy lú lẫn hoặc buồn ngủ
  • Đau đầu dữ dội sau cơn động kinh

Thông thường, một người có cơn động kinh co cứng – co giật sẽ bị cứng và té ngã trong pha cứng. Tứ chi và mặt sẽ giật nhanh và co cơ trong pha co giật.

2.4.4 Sau cơn động kinh co cứng co giật

Một cơn động kinh điển hình thường kéo dài một vài phút hoặc ít hơn, sau đó người bệnh có thể chưa tỉnh trong vài phút hoặc hơn tùy thuộc vào cường độ của cơn động kinh. Đây gọi là giai đoạn hậu cơn động kinh, trong giai đoạn này não bộ hoạt động để cố gắng kiềm chế các xung điện bất thường và kiểm soát cơn động kinh. Sau cơn động kinh, người bệnh tỉnh lại có thể cảm thấy đau, mệt mỏi, sợ hãi và lú lẫn. Trấn an và nâng đỡ là điều mà những người chứng kiến có thể thực hiện.

Một vài lưu ý cần nhớ

Mặc dù chứng kiến một cơn động kinh có vẻ rất đáng sợ và có một truyền thuyết rằng những người có cơn động kinh có nguy cơ cắt phải lưỡi. Điều này hoàn toàn không thể xảy ra. KHÔNG nên đặt bất cứ thứ gì vào miệng hoặc cố gắng mở miệng của bệnh nhân khi họ đang trong cơn động kinh. Bởi việc làm này có thể gây hại cho người bệnh.

Pha co cứng và pha co giật trong cơn động kinh co cứng co giật.

3. Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ gây ra cơn động kinh toàn thể

Nhiều cơn động kinh toàn thể là do bệnh động kinh gây ra. Tuy nhiên, có nhiều nguyên nhân khác cũng có thể gây ra cơn động kinh như:

  • Chấn thương đầu nghiêm trọng.
  • Đột quỵ.
  • Nhiễm trùng não (viêm não hoặc viêm não màng não).
  • Bệnh Alzheimer. Tìm hiểu các triệu chứng và cách điều trị bệnh Alzheimer tại đây.
  • Thiếu oxy lúc sinh.
  • Xơ cứng động mạch não.

Những người có tiền căn gia đình bị bệnh động kinh hoặc có cơn động kinh thì có nguy cơ mắc cơn động kinh cao hơn. Mặc dù chưa có bằng chứng cho thấy rằng cơn động kinh có thể di truyền từ cha mẹ sang con cái.

4. Chẩn đoán

4.1 Hỏi bệnh

Mô tả chi tiết những gì đã xảy ra trong cơn động kinh của bạn sẽ là điều cần thiết và rất quan trọng để bác sĩ chẩn đoán chính xác. Bác sĩ có thể cần nói chuyện với người đã chứng kiến thấy cơn động kinh của bạn. Vì một số người trong cơn động kinh sẽ bị mất ý thức. Tốt nhất là nên có một đoạn video ghi lại cơn động kinh của bạn.

4.2 Thăm khám

Ngoài hỏi bệnh, bác sĩ cũng sẽ cần thực hiện một số thăm khám thần kinh. Những bài thăm khám về sức cơ, trương lực cơ và phản xạ gân cơ. Đồng thời bác sĩ cũng sẽ quan sát dáng đi, tư thế và khả năng phối hợp động tác của bạn.

4.3 Xét nghiệm

Một trong những công cụ hữu ích nhất để giúp chẩn đoán cơn động kinh toàn thể chính là điện não đồ (EEG). Điện não đồ sẽ giúp ghi lại những hoạt động điện trong não. Đặc biệt ở những bệnh nhân động kinh hoặc có cơn động kinh cho thể ghi lại những sóng bất thường trong hoạt động điện não. Những loại động kinh khác nhau sẽ cho những hình ảnh khác nhau.

Hình minh họa đo điện não đồ (EEG).

Trong một số trường hợp cụ thể, bác sĩ có thể yêu cầu chụp cộng hưởng từ não bộ (MRI não) hoặc chụp cắt lớp vi tính não (CT – scan) để xem xét nguyên nhân và những vị trí bất thường trong não. Hình ảnh học có thể cho thấy được các mô sẹo, không u hoặc các cấu trúc bất thường trong não bộ.

5. Cách điều trị

Điều trị đúng có thể giúp giảm và ngăn ngừa các cơn động kinh. Trong một số trường hợp, điều trị có thể giúp bệnh nhân không bị cơn động kinh trong suốt quảng đời còn lại.

Các yếu tố ảnh hưởng đến cơn động kinh bao gồm:

  • Loại cơn động kinh.
  • Tần suất các cơn động kinh.
  • Mức độ nặng của cơn động kinh.
  • Tuổi của người bệnh.
  • Tình trạng sức khỏe tổng quát.
  • Tiền sử bệnh.

Thuốc chống động kinh có thể mang lại hiệu quả cao. Tuy nhiên có thể phải cần thời gian để biết được chính xác loại thuốc nào phù hợp với bạn và liều lượng thuốc bao nhiêu để có hiệu quả. Bác sĩ sẽ thảo luận với bạn để theo dõi tác dụng phụ và tìm ra phương pháp điều trị tốt nhất.

Trên đây là những thông tin cơ bản mang tính chất tham khảo giúp bạn hiểu thêm về cơn động kinh toàn thể. Hy vọng bài viết này của YouMed đã cung cấp đầy đủ thông tin cần thiết mà bạn cần. Chúc bạn nhiều sức khỏe!

Bác sĩ Nguyễn Đào Uyên Trang.

Xem thêm các bài viết liên quan:

>>> Bệnh nhân Động kinh cần chuẩn bị gì trước khi khám bệnh?

>>> Y học thường thức: Động kinh

>>> Co giật ở trẻ, bạn cần biết những gì?

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *