Cách phòng tránh và xử lý với những ý định, hành vi tự sát: Tự tử hoặc tự sát là hành động tự kết liễu sinh mệnh bản thân. Nó tựa như một phản ứng bi thảm đối với các tình huống căng thẳng trong cuộc sống. Đa phần những người có ý định tự tử đều cảm thấy thật sự đau đớn và tuyệt vọng. Họ cho rằng không còn cách nào để giải quyết vấn đề của họ.
Và tự tử là cách duy nhất để chấm dứt nỗi đau. Nhưng bạn có thể thực hiện các bước sau để đảm bảo an toàn, giữ trạng thái tinh thần tốt nhất có thể. Đồng thời, bắt đầu tận hưởng cuộc sống của bạn một lần nữa.
1. Nhận diện dấu hiệu tự tử hay ý định tự tử
Dấu hiệu cảnh báo tự tử hoặc ý định tự tử bao gồm:
- Nói về chuyện kết thúc mạng sống. Ví dụ, đưa ra những tuyên bố như “Tôi sẽ tự sát”; “Tôi ước mình đã chết”; “Tôi ước mình chưa được sinh ra”
- Mua và tích trữ các đồ vật phục vụ mục đích tự sát. Chẳng hạn như mua một khẩu súng hoặc thuốc ngủ, dao lam, dây thừng treo cổ.
- Thu rút khỏi xã hội và muốn ở một mình
- Tâm trạng thất thường. Điển hình như có một ngày cao trào cảm xúc và nản lòng sâu sắc vào ngày hôm sau
- Đang bận tâm với cái chết hoặc tình huống bạo lực
- Cảm thấy bị mắc kẹt hoặc vô vọng về vấn đề nào đó
- Tăng cường sử dụng rượu, ma túy
- Thay đổi thói quen bình thường, bao gồm ăn uống, giấc ngủ
- Làm những việc mạo hiểm, tự hủy hoại bản thân. Chẳng hạn như sử dụng ma túy hoặc lái xe một cách liều lĩnh
- Nói lời tạm biệt với mọi người như thể sẽ không được gặp lại họ
- Thay đổi tính cách, lo lắng hoặc kích động nghiêm trọng. Đặc biệt khi gặp một số dấu hiệu cảnh báo được liệt kê ở trên
Dấu hiệu cảnh báo không phải lúc nào cũng rõ ràng và chúng có thể thay đổi ở mỗi người. Một số người làm cho ý định của họ rõ ràng, trong khi những người khác giữ bí mật ý nghĩ và cảm giác tự tử.
Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Tâm lý, tải ngay ứng dụng YouMed.
2. Khi nào cần đi khám bác sĩ
Nếu bạn đang muốn tự sát, nhưng bạn không nghĩ ngay đến việc làm tổn thương chính mình hãy làm những điều sau để cải thiện tình hình:
- Tiếp cận với bạn thân hoặc người thân – mặc dù có thể khó nói về cảm xúc của bạn
- Liên lạc với một mục sư hoặc một người nào đó trong cộng đồng đức tin của bạn
- Gọi một đường dây nóng tự sát
- Liên hệ hẹn gặp bác sĩ, nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe khác hoặc chuyên gia sức khỏe tâm thần
Suy nghĩ tự sát khó có thể tự biến mất. Cuộc đời bạn lại còn dài và những điều thú vị vẫn chờ đón phía trước vì vậy hãy tìm sự giúp đỡ kịp thời để không lãng phí một sinh mạng.
3. Nguyên nhân nào thúc đẩy người ta nghĩ đến ý định tự tử?
Suy nghĩ tự sát có thể đến từ nhiều nguyên nhân. Thông thường, suy nghĩ tự sát bắt nguồn từ cảm giác tuyệt vọng, bế tắc trước những vấn đề trong cuộc sống. Nếu bạn không có hy vọng cho tương lai, bạn có thể lầm tưởng tự tử là một giải pháp. Vào lúc đó, tương tự như bạn đang trải nghiệm một loại tầm nhìn đường hầm, mà bạn tin rằng tự sát là lối thoát duy nhất.
Cũng có thể có một mối liên hệ di truyền với vấn đề tự sát. Những người tự tử hoặc có ý nghĩ hoặc hành vi tự sát có nhiều khả năng có tiền sử gia đình tương tự.
4. Điều gì làm tăng nguy cơ tự sát
Phụ nữ thường có nhiều ý định tự sát hơn đàn ông. Nhưng đàn ông lại có khả năng tự tử thành công hơn phụ nữ vì họ thường sử dụng các phương pháp gây chết người nhiều hơn, chẳng hạn như súng.
Bạn có thể có nguy cơ tự tử nếu bạn:
- Đã cố tự tử trước đây.
- Cảm thấy vô vọng, vô giá trị, kích động, cô lập xã hội hoặc cô đơn
- Trải qua một sự kiện cuộc sống căng thẳng. Chẳng hạn như mất người thân, chia tay, hoặc các vấn đề tài chính, pháp lý
- Lạm dụng chất gây nghiện, rượu và ma túy. Điều này có thể làm trầm trọng thêm suy nghĩ tự tử. Khiến bạn cảm thấy liều lĩnh hoặc hành động bốc đồng theo suy nghĩ của bạn.
- Mắc rối loạn tâm thần tiềm ẩn. Chẳng hạn như trầm cảm, rối loạn căng thẳng sau chấn thương hoặc rối loạn lưỡng cực
- Có tiền sử gia đình bị rối loạn tâm thần, lạm dụng chất gây nghiện, tự tử hoặc bạo lực. Thậm chí lạm dụng thể chất hay tình dục
- Mắc bệnh lý liên quan đến trầm cảm và suy nghĩ tự tử, như bệnh mãn tính, bệnh nan y.
- Là đồng tính nữ, đồng tính nam, song tính hoặc chuyển giới mà gia đình không hỗ trợ hoặc sống trong một môi trường thù địch.
5. Có cách nào ngăn ngừa ý định tự tử không?
Nhận điều trị cần thiết.
Nếu bạn không điều trị nguyên nhân cơ bản, ý nghĩ tự tử của bạn có khả năng quay trở lại. Bạn có thể cảm thấy xấu hổ khi tìm cách điều trị các vấn đề về sức khỏe tâm thần. Nhưng điều trị đúng cách cho bệnh trầm cảm, lạm dụng chất gây nghiện hoặc một vấn đề tiềm ẩn khác sẽ giúp bạn cảm thấy tốt hơn về cuộc sống – và giúp bạn an toàn.
Thiết lập mạng lưới hỗ trợ cho bạn.
Có thể khó nói về ý định tự tử, đồng thời bạn bè và gia đình không hoàn toàn hiểu lý do tại sao bạn cảm thấy như vậy. Dù sao, hãy liên hệ và đảm bảo rằng những người quan tâm đến bạn biết những gì đang diễn ra và ở đó khi bạn cần họ. Cảm giác được kết nối và hỗ trợ có thể giúp giảm nguy cơ tự tử.
Hãy nhớ rằng, ý định tự tử chỉ là nhất thời. Nếu bạn cảm thấy vô vọng hoặc cuộc sống không còn giá trị nữa, điều trị có thể giúp bạn lấy lại quan điểm sống của mình. Thực hiện từng bước một, kiên nhẫn và không hành động bốc đồng, cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn.
6. Chẩn đoán một người có ý định tự tử như thế nào?
Một bài kiểm tra thể chất, các xét nghiệm và đặt câu hỏi sâu về sức khỏe tinh thần, thể chất có thể giúp tìm nguyên nhân gây ra ý định tự tử của bạn. Rồi từ đó, xác định phương pháp điều trị tốt nhất.
Đánh giá này có thể bao gồm:
– Tình trạng sức khỏe tâm thần. Trong hầu hết các trường hợp, ý nghĩ tự tử có liên quan đến một vấn đề sức khỏe tâm thần tiềm ẩn có thể điều trị được. Nếu bạn rơi vào tình trạng này, bạn có thể cần gặp bác sĩ tâm thần để được tư vấn.
– Tình trạng sức khỏe thể chất. Xét nghiệm máu và các xét nghiệm khác để xác định xem có liên quan tới bệnh lý khác hay không.
– Lạm dụng rượu và ma túy. Đối với nhiều người, rượu hoặc ma túy đóng vai trò hình hành ý định và hành vi tự tử và. Việc điều trị để giúp họ ngừng sử dụng rượu hoặc ma túy, có thể làm giảm ý định tự tử.
– Thuốc. Ở một số người, một số loại thuốc có thể gây ra suy nghĩ tự tử. Hãy cho bác sĩ của bạn xem loại thuốc bạn dùng liệu chúng có ảnh hưởng tới suy nghĩ tự tử của bạn.
7. Những phương pháp điều trị cho người có ý nghĩ và hành vi tự tử
Điều trị suy nghĩ và hành vi tự tử tùy thuộc vào tình huống cụ thể. Bao gồm mức độ rủi ro tự tử và những vấn đề tiềm ẩn nào có thể gây ra suy nghĩ hoặc hành vi tự tử của bạn.
Nếu bạn có ý nghĩ tự tử, nhưng không ở trong tình huống khủng hoảng, bạn có thể cần điều trị ngoại trú. Điều trị này có thể bao gồm:
- Tâm lý trị liệu. Giúp khám phá những vấn đề khiến bạn cảm thấy tự tử và học các kỹ năng quản lý cảm xúc hiệu quả hơn. Bạn và nhà trị liệu của bạn có thể làm việc cùng nhau để phát triển một kế hoạch và mục tiêu điều trị.
- Thuốc. Thuốc chống trầm cảm, thuốc chống loạn thần, chống lo âu và các loại thuốc điều trị bệnh tâm thần khác có thể giúp giảm các triệu chứng. Từ đó, giúp bạn ít suy nghĩ tự tử hơn.
- Cai nghiện. Cai nghiện các chất kích thích ma túy, rượu có thể hỗ trợ điều trị rất nhiều.
- Hỗ trợ từ gia đình. Những người thân yêu của bạn có thể là một nguồn hỗ trợ tốt. Hãy để họ cùng tham gia vào quá trình điều trị để họ hiểu những gì bạn đang trải qua. Cung cấp cho họ các kỹ năng đối phó tốt hơn và cải thiện các mối quan hệ gia đình.
8. Giúp đỡ người thân có suy nghĩ và hành vi tự tử
Nếu bạn có người thân đã cố tự tử, hãy nhờ trợ giúp khẩn cấp. Đừng để người đó một mình. Hãy thảo luận cởi mở và chân thành về những lo lắng của bạn. Bạn không thể buộc ai đó tìm kiếm sự chăm sóc chuyên nghiệp, nhưng bạn có thể khuyến khích và hỗ trợ. Bạn cũng có thể giúp người thân của bạn tìm một bác sĩ tâm thần có trình độ và đề nghị đi cùng mỗi lần khám.
Hỗ trợ một người thân yêu có ý định tự tử có thể rất căng thẳng và mệt mỏi. Đôi khi nó khiến bạn sợ hãi, cảm thấy tội lỗi và bất lực. Do đó, hãy kiên nhẫn, tận dụng các nguồn lực về tự tử và phòng chống tự tử để bạn có thông tin và công cụ để hành động khi cần thiết.
9. Lối sống và biện pháp khắc phục tại nhà
Không có sự thay thế nào cho sự giúp đỡ chuyên nghiệp khi điều trị suy nghĩ tự tử và ngăn ngừa tự tử. Tuy nhiên, có một vài điều có thể làm giảm nguy cơ tự tử:
- Tránh thuốc và rượu. Rượu và chất kích thích có thể làm tăng suy nghĩ tự tử. Chúng cũng có thể khiến bạn cảm thấy bớt ức chế hơn. Nhưng điều đó có nghĩa là bạn có nhiều khả năng hành động theo suy nghĩ của bạn, khiến hành vi tự tử dễ xảy ra hơn
- Hình thành một mạng lưới hỗ trợ mạnh mẽ. Điều đó có thể bao gồm gia đình, bạn bè hoặc thành viên của nhà thờ, giáo đường hoặc nơi thờ phượng khác. Sự giúp đỡ từ tôn giáo đã được chứng minh là giúp giảm nguy cơ tự tử.
- Hãy chủ động. Hoạt động thể chất và tập thể dục đã được chứng minh là làm giảm các triệu chứng trầm cảm. Cân nhắc đi bộ, chạy bộ, bơi lội, làm vườn hoặc tham gia một hình thức hoạt động thể chất khác mà bạn thích.
Nhiều người bế tắc với cuộc sống và cho rằng tự tử là một lối thoát duy nhất. Nhưng hơn tất cả, hành vi và suy nghĩ này có thể được ngăn chặn đúng lúc. Nếu bạn đang cân nhắc tự tử hoặc biết ai đó có định này, hãy tìm hiểu các dấu hiệu cảnh báo tự tử và cách tiếp cận để được giúp đỡ ngay lập tức. Bạn có thể cứu sống cuộc đời của chính bạn và người khác một cách kịp thời.
Chuyên viên Tâm lý Nhiêu Quang Thiện Nhân