Hầu hết người bình thường đều có những lúc ăn rất nhiều, chẳng hạn như trong các bữa tiệc hay lễ hội. Nhưng một số người xuất hiện tình trạng ăn uống vượt qua mức bình thường và không thể tự kiểm soát bản thân. Việc ăn uống quá mức đó diễn ra lặp đi lặp lại, vượt qua lằn ranh bình thường và chuyển thành rối loạn ăn uống vô độ. Hãy cùng tìm hiểu về chứng rối loạn ăn uống vô độ này thông qua bài viết dưới đây của bác sĩ của chúng tôi.
1. Rối loạn ăn uống vô độ là gì?
Rối loạn ăn uống vô độ là một rối loạn nghiêm trọng liên quan đến việc ăn uống. Khi mắc rối loạn này, bạn thường xuyên tiêu thụ một lượng lớn thực phẩm và cảm thấy không thể ngừng ăn.
Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Tâm lý, tải ngay ứng dụng YouMed.
Khi bị rối loạn ăn uống vô độ, bạn có thể cảm thấy xấu hổ về mức độ ăn của mình và mong muốn dừng lại việc đó. Nhưng bạn luôn cảm thấy bị thúc bách khiến bạn không thể dừng việc ăn lại. Hiện nay đã có những phương pháp điều trị giúp can thiệp tình trạng này.
2. Rối loạn ăn uống vô độ có những triệu chứng gì?
Đa số những người mắc rối loạn ăn uống vô độ bị thừa cân hoặc béo phì. Tuy nhiên, vẫn có những bệnh nhân có cân nặng bình thường. Các triệu chứng về hành vi và cảm xúc của rối loạn ăn uống vô độ bao gồm:
- Ăn một lượng thức ăn lớn bất thường trong một khoảng thời gian nhất định.
- Có cảm giác không thể kiểm soát hành vi ăn uống.
- Vẫn tiếp tục ăn kể cả khi cảm thấy no.
- Tốc độ ăn rất nhanh.
- Ăn liên tục cho tới khi no không thể chịu được nữa.
- Thường xuyên ăn một mình hoặc ăn trong bí mật.
- Cảm thấy tuyệt vọng, chán ghét, xấu hổ, tội lỗi hoặc buồn bã về hành vi ăn uống của mình.
- Thường xuyên ăn kiêng, tuy nhiên có thể vẫn không giảm được cân nặng.
Không giống như người mắc rối loạn ăn ói (Bulimia), sau khi ăn rất nhiều, người mắc rối loạn ăn uống vô độ thường không loại bỏ lượng năng lượng dư thừa đã ăn vào bằng cách nôn ra, sử dụng thuốc nhuận tràng hay tập luyện quá mức. Bệnh nhân có thể cố gắng ăn kiêng hoặc ăn những bữa ăn ở mức bình thường. Nhưng ăn kiêng nghiêm ngặt có thể phản tác dụng, dẫn tới những cơn ăn vô độ nhiều hơn.
Mức độ nặng của chứng rối loạn này được xác định bằng mức độ thường xuyên xuất hiện cơn ăn vô độ trong một tuần.
3. Nguyên nhân nào gây ra rối loạn ăn uống vô độ?
Hiện nay, nguyên nhân gây ra rối loạn này vẫn chưa được biết rõ. Tuy nhiên các yếu tố di truyền, sinh học, chế độ ăn kiêng kéo dài hay như các vấn đề tâm thần có thể làm tăng nguy cơ xuất hiện chứng rối loạn ăn uống này.
Các yếu tố nguy cơ làm gia tăng khả năng xuất hiện rối loạn ăn uống vô độ
Rối loạn ăn uống thường gặp ở nữ giới hơn nam giới. Rối loạn ăn uống này có thể xuất hiện ở bất kỳ độ tuổi nào. Tuy nhiên, bệnh thường xuất hiện ở cuối tuổi vị thành niên hoặc đầu những năm tuổi 20. Ngoài ra còn có các yếu tố nguy cơ như:
- Tiền sử gia đình: Nguy cơ bị rối loạn ăn uống của bạn sẽ tăng lên nếu như có thành viên trong gia đình như cha mẹ hay anh bị em ruột mắc rối loạn ăn uống. Tình trạng này gợi ý rằng yếu tố di truyền có thể là một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ xuất hiện các rối loạn ăn uống.
- Ăn kiêng: Nhiều người bị rối loạn ăn vô độ có tiền sử đã từng ăn kiêng trước đây. Ăn kiêng hoặc ăn theo chế độ giới hạn năng lượng có thể khởi phát thèm muốn ăn vô độ.
- Các vấn đề tâm thần: Nhiều người mắc tình trạng này thường cảm thấy tiêu cực về bản thân, về năng lực cũng như thành quả đã đạt được. Các yếu tố gây khởi phát tình trạng ăn vô độ bao gồm stress, tự ti về ngoại hình hay đơn giản chỉ là có sẵn nhiều đồ ăn ưa thích. Tình trạng này càng dễ xuất hiện khi người đó có xuất hiện các triệu chứng của trầm cảm.
4. Biến chứng do rối loạn ăn uống vô độ gây ra là gì?
Bệnh nhân mắc rối loạn ăn uống vô độ có thể xuất hiện các vấn đề về thể chất và tâm thần liên quan đến vấn đề ăn uống. Điều này có thể gây ra các biến chứng như:
- Suy giảm chất lượng cuộc sống.
- Gặp rắc rối trong công việc, ảnh hưởng các mối quan hệ xã hội hoặc đời sống cá nhân.
- Tách biệt với xã hội.
- Béo phì và các vấn đề sức khỏe liên quan tới béo phì: các vấn đề về khớp, bệnh tim mạch, đái tháo đường type 2 hay trào ngược dạ dày thực quản, các rối loạn hô hấp liên quan đến giấc ngủ.
Các rối loạn tâm thần liên quan bao gồm:
- Trầm cảm.
- Rối loạn lưỡng cực.
- Lo âu.
- Rối loạn sử dụng chất.
5. Lời khuyên của bác sĩ trong phòng ngừa rối loạn ăn uống vô độ
Nếu thấy xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào của rối loạn ăn uống vô độ, bạn nên đi gặp bác sĩ càng sớm càng tốt. Vấn đề ăn vô độ sẽ khác nhau tùy từng người. Nó có thể xuất hiện những đợt ngắn, sau đó tái phát hoặc tồn tại dai dẳng nhiều năm nếu không được điều trị.
Hiện tại vẫn chưa có cách nào hoàn toàn ngăn ngừa rối loạn này. Nếu xuất hiện các triệu chứng liên quan đến ăn uống vô độ, bạn nên đến gặp bác sĩ. Trong trường hợp một người thân của bạn có vấn đề về ăn uống, hãy hướng họ vào các hành vi lành mạnh. Đồng thời bạn nên đưa họ đi khám trước khi tình trạng diễn tiến xấu. Nếu bạn có con nhỏ, hãy:
- Giúp con bạn định hình và củng cố như thế nào là một cơ thể khoẻ mạnh.
- Thảo luận với những người chăm sóc con bạn. Họ có thể giúp phát hiện những dấu hiệu sớm của chứng rối loạn này. Đồng thời, những người đó cũng giúp ngăn chặn rối loạn tiến triển xấu.
6. Chẩn đoán rối loạn ăn uống vô độ
Bác sĩ có thể sẽ đề nghị đánh giá tâm lý và thảo luận về thói quen ăn uống của bạn để chẩn đoán. Ngoài ra, bác sĩ có thể thực hiện các xét nghiệm khác để kiểm tra những vấn đề sức khoẻ liên quan đến ăn uống. Chẳng hạn như tăng mỡ máu, tăng huyết áp, các bệnh tim mạch; hay như tiểu đường, trào ngược dạ dày thực quản, và một số rối loạn hô hấp liên quan đến giấc ngủ. Bác sĩ có thể đề nghị:
- Kiểm tra thể chất.
- Xét nghiệm máu và nước tiểu.
- Gặp chuyên gia tư vấn về rối loạn giấc ngủ.
7. Điều trị rối loạn ăn uống vô độ như thế nào?
Mục tiêu điều trị là giảm các cơn ăn vô độ và tái lập thói quen ăn uống lành mạnh. Việc điều trị cũng có thể hướng đến những vấn đề tâm thần kèm theo ngoài rối loạn ăn uống. Sau điều trị, người bệnh có thể học cách kiểm soát hành vi ăn uống của bản thân.
7.1 Liệu pháp tâm lý
Liệu pháp này sẽ giúp bạn thay đổi thói quen ăn uống không lành mạnh và làm giảm số cơn ăn. Những ví dụ cho liệu pháp tâm lý bao gồm:
- Liệu pháp nhận thức-hành vi (CBT): CBT giúp bạn đối mặt với những yếu tố kích thích cơn ăn vô độ; chẳng hạn như cảm xúc tiêu cực hay khí sắc trầm cảm.
- Liệu pháp tâm lý tương tác giữa các cá nhân (IPT): Phương pháp này tác động đến mối quan hệ của bạn đến người khác. Thông qua đó IPT giúp giảm thiểu những yếu tố kích gợi có nguồn gốc từ các mối quan hệ.
- Liệu pháp hành vi biện chứng: Phương pháp này giúp bạn học các kỹ năng để đối phó với căng thẳng, điều chỉnh cảm xúc, cải thiện các mối quan hệ.
7.2 Thuốc điều trị
Lisdexamfetamine dimesylate (Vyvanse) vốn là thuốc điều trị rối loạn tăng động giảm chú ý. Hiện nay, thuốc đã được FDA phê chuẩn. Thuốc có thể sử dụng cho những trường hợp người trưởng thành bị rối loạn mức độ trung bình và nặng. Tuy nhiên, Vyvanse cũng là một chất kích thích. Nó có thể khiến người sử dụng bị phụ thuộc và lạm dụng. Tác dụng phụ thường thấy của thuốc bao gồm khô miệng và mất ngủ.
Ngoài ra, một số loại thuốc khác có thể được sử dụng để làm giảm triệu chứng. Ví dụ thuốc chống co giật hay thuốc chống trầm cảm giúp giảm số cơn ăn vô độ.
7.3 Lên kế hoạch giảm cân
Rất nhiều người mắc rối loạn ăn uống vô độ đã từng thử giảm cân trước đây nhưng thất bại. Bởi vì chế độ ăn giảm cân có thể gây khởi phát các cơn ăn, người bệnh không nên lên kế hoạch giảm cân trước khi chứng rối loạn đã được điều trị. Tốt nhất kế hoạch giảm cân nên được giám sát bởi các chuyên gia y tế.
Rối loạn ăn uống vô độ là một rối loạn nghiêm trọng và ảnh hưởng nhiều đến đời sống cá nhân cũng như các mối quan hệ xung quanh. Nếu xuất hiện các dấu hiệu của rối loạn này, bạn nên đến khám bác sĩ để được tư vấn và điều trị phù hợp. Nếu một người thân của bạn bị mắc rối loạn này, hãy trò chuyện và khuyến khích họ đến cơ sở y tế, tránh trường hợp rối loạn diễn tiến ngày càng tồi tệ và gây ra các biến chứng nặng nề.