Rối loạn dạng cơ thể là một trong những rối loạn tâm thần không hề hiếm gặp. Đôi khi, chúng ta mắc phải chứng bệnh này nhưng vẫn không phát hiện. Vì vậy nên việc điều trị trở nên chậm trễ làm cho chúng ta tốn kém khá nhiều. Vậy rối loạn tâm thần này có đặc điểm như thế nào? Nguyên nhân gì gây nên? Phương pháp điều trị ra sao? Tất cả sẽ được giải đáp qua bài viết sau đây của ThS.BS chuyên khoa Tâm thần Nguyễn Trung Nghĩa.
Khái niệm về rối loạn dạng cơ thể
Rối loạn dạng cơ thể còn có tên tiếng Anh là Somatoform Disorder. Đây là một dạng bệnh tâm thần gây ra một hoặc nhiều triệu chứng cơ thể, bao gồm cả đau.
Các triệu chứng có thể có hoặc không thể xác định nguyên nhân thực thể bao gồm các tình trạng bệnh lý chung, các bệnh tâm thần khác hoặc lạm dụng chất kích thích. Nhưng bất kể, chúng gây ra mức độ đau khổ quá mức và không cân xứng.
Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Tâm lý, tải ngay ứng dụng YouMed.
Rối loạn dạng cơ thể xảy ra khi một người nào đó cảm thấy lo lắng quá mức về các triệu chứng của cơ thể. Chẳng hạn như đau, mệt mỏi. Những người có cảm xúc hoặc hành động quá mức do bệnh lý này có thể ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày.
Một người bị rối loạn dạng cơ thể hoàn toàn không phải là giả bệnh. Sự đau đớn và các rối loạn khác về thể chất là thực sự. Chúng có thể xuất phát từ một một nguyên nhân y khoa nào đó. Thông thường, nguyên nhân thực thể sẽ không được xác định chính xác. Vấn đề chủ chốt trong rối loạn này là những hành vi mang tính chất cực đoan.
Nguyên nhân của rối loạn dạng cơ thể
Rối loạn dạng cơ thể thường bắt đầu trước thời điểm 30 tuổi. Bệnh lý này thường xảy ra ở phụ nữ nhiều hơn so với đàn ông. Hiện nay, nguyên nhân của bệnh lý này vẫn chưa được xác định rõ ràng. Một số yếu tố sau đây có thể được nhiều sự tán thành:
- Các yếu tố di truyền và sinh học, chẳng hạn như tăng nhạy cảm với cơn đau.
- Ảnh hưởng của gia đình, có thể là di truyền hoặc môi trường, hoặc cả hai.
- Đặc điểm tính cách của sự tiêu cực, có thể ảnh hưởng đến cách bạn xác định và nhận thức bệnh tật cũng như các triệu chứng cơ thể.
- Giảm nhận thức về hoặc các vấn đề xử lý cảm xúc, khiến các triệu chứng thể chất trở thành trọng tâm hơn là các vấn đề cảm xúc.
- Hành vi học được. Ví dụ, sự chú ý hoặc những lợi ích khác có được khi bị ốm. Hoặc “hành vi đau” để phản ứng với các triệu chứng. Chẳng hạn như tránh hoạt động quá mức, có thể làm tăng mức độ tàn tật của bạn.
Triệu chứng của rối loạn dạng cơ thể
1. Những triệu chứng chung
Các triệu chứng của rối loạn dạng cơ thể có thể là:
- Cảm giác cụ thể, chẳng hạn như đau hoặc khó thở.
- Các triệu chứng chung hơn, chẳng hạn như mệt mỏi hoặc suy nhược
- Một số triệu chứng không liên quan đến bất kỳ nguyên nhân y tế nào có thể được xác định. Hoặc liên quan đến một tình trạng y tế như ung thư hoặc bệnh tim, nhưng quan trọng hơn những gì thường được mong đợi
- Một triệu chứng duy nhất, nhiều triệu chứng hoặc các triệu chứng khác nhau
- Đau là triệu chứng phổ biến nhất, nhưng bất kể triệu chứng của bạn là gì. Người bệnh có những suy nghĩ, cảm xúc hoặc hành vi quá mức liên quan đến những triệu chứng đó. Nó gây ra các vấn đề nghiêm trọng, gây khó khăn cho hoạt động và đôi khi có thể gây tàn phế.
2. Những suy nghĩ, cảm xúc cụ thể
Những suy nghĩ, cảm xúc và hành vi náy có thể bao gồm:
- Lo lắng thường xuyên về bệnh tật tiềm ẩn.
- Xem các cảm giác thể chất bình thường là dấu hiệu của bệnh thể chất nặng.
- Lo sợ rằng các triệu chứng nghiêm trọng, ngay cả khi không có bằng chứng.
- Nghĩ rằng các cảm giác thể chất đang đe dọa hoặc có hại.
- Cảm thấy rằng việc đánh giá và điều trị y tế chưa được đầy đủ.
- Lo sợ rằng hoạt động thể chất có thể gây hại cho cơ thể của bạn.
- Liên tục kiểm tra cơ thể của bạn để tìm bất thường.
- Các cuộc thăm khám sức khỏe thường xuyên không làm giảm bớt mối quan tâm của bạn hoặc khiến chúng trở nên tồi tệ hơn.
- Không đáp ứng với điều trị y tế hoặc nhạy cảm bất thường với tác dụng phụ của thuốc.
- Bị suy giảm nghiêm trọng hơn mức bình thường dự kiến do tình trạng bệnh lý.
- Đối với rối loạn thuộc về dạng cơ thể, điều quan trọng hơn hết là cách bạn diễn giải và phản ứng với các triệu chứng. Cũng như cách chúng tác động đến cuộc sống hàng ngày của bạn.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Bởi vì các triệu chứng thực thể có thể liên quan đến các vấn đề y tế, điều quan trọng là phải được đánh giá bởi các bác sĩ chuyên khoa. Nếu các bác sĩ tin rằng bạn có thể bị rối loạn dạng cơ thể, họ có thể giới thiệu bạn đến chuyên gia sức khỏe tâm thần.
Các yếu tố nguy cơ của rối loạn
Những yếu tố nguy cơ của rối loạn tâm thần này bao gồm:
- Lo lắng hoặc trầm cảm
- Có một tình trạng sức khỏe hoặc đang hồi phục sau một
- Có nguy cơ phát triển một tình trạng y tế, chẳng hạn như có tiền sử gia đình mắc bệnh
- Trải qua các sự kiện căng thẳng trong cuộc sống, chấn thương hoặc bạo lực
- Đã từng trải qua chấn thương trong quá khứ, chẳng hạn như lạm dụng tình dục thời thơ ấu.
- Trình độ học vấn và tình trạng kinh tế xã hội thấp hơn.
Những biến chứng của rối loạn
Những biến chứng của rối loạn tâm thần này bao gồm:
- Sức khỏe kém.
- Một số vấn đề hoạt động trong cuộc sống hàng ngày, bao gồm cả khuyết tật về thể chất.
- Các vấn đề với các mối quan hệ.
- Các vấn đề trong công việc hoặc thất nghiệp.
- Những rối loạn sức khỏe tâm thần khác, chẳng hạn như lo lắng, trầm cảm và rối loạn nhân cách.
- Tăng nguy cơ tự tử liên quan đến trầm cảm.
- Vấn đề tài chính do đi khám sức khỏe quá nhiều.
Cách phòng bệnh
- Để phòng bệnh, chúng ta có thể thực hiện theo những khuyến nghị sau:
- Nếu bạn gặp vấn đề về lo âu hoặc trầm cảm, hãy tìm kiếm sự trợ giúp chuyên nghiệp càng sớm càng tốt.
- Học cách nhận biết khi nào bạn căng thẳng và điều này ảnh hưởng đến cơ thể bạn như thế nào. Đồng thời nên thường xuyên thực hành các kỹ thuật thư giãn và quản lý căng thẳng.
- Nếu bạn nghĩ rằng bạn bị rối loạn dạng cơ thể, hãy điều trị sớm để giúp ngăn chặn các triệu chứng trở nên tồi tệ hơn. Tránh để rối loạn làm giảm chất lượng cuộc sống của bạn.
- Gắn bó với kế hoạch điều trị của bạn để giúp ngăn ngừa tái phát hoặc làm trầm trọng thêm các triệu chứng.
Phương pháp điều trị rối loạn
Mối quan hệ bác sĩ – bệnh nhân bền chặt là chìa khóa để nhận được trợ giúp về rối loạn dạng cơ thể. Gặp gỡ một bác sĩ chuyên khoa có kinh nghiệm điều trị rối loạn này. Việc này có thể giúp hạn chế các xét nghiệm và điều trị không cần thiết.
Trọng tâm của việc điều trị là cải thiện hoạt động hàng ngày, không phải quản lý các triệu chứng. Giảm căng thẳng thường là một phần quan trọng để bạn khỏe hơn. Tư vấn cho gia đình và bạn bè cũng có thể hữu ích. Một số phương pháp khác thường được áp dụng bao gồm:
- Tìm những phương pháp nhằm giảm bớt căng thẳng và lo lắng về các triệu chứng.
- Nhận ra những gì làm cho cảm giác đau hoặc các triệu chứng khó chịu khác trở nên tồi tệ hơn.
- Sống năng động và lạc quan, ngay cả khi bạn vẫn bị đau hoặc các triệu chứng khó chịu khác.
Liệu pháp nhận thức hành vi có thể giúp làm giảm các triệu chứng liên quan đến rối loạn. Liệu pháp tập trung vào việc sửa chữa:
- Suy nghĩ lệch lạc.
- Niềm tin phi thực tế.
- Các hành vi gây lo lắng về sức khỏe.
Hy vọng những thông tin trong bài viết sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về rối loạn dạng cơ thể. Từ đó, các bạn sẽ nhận biết sớm mình có bị rối loạn này hay không. Đồng thời có hướng điều trị hoặc những biện pháp phòng bệnh phù hợp.
Tham khảo thêm: Làm sao phát hiện sớm ý định tự tử?