Hội chứng thần kinh cận ung: triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Hội chứng thần kinh cận ung là rối loạn hiếm gặp, gồm các triệu chứng đa dạng do tổn thương hệ thần kinh trên những bệnh nhân bị ung thư. Nguyên nhân bệnh không phải do tế bào ung thư trực tiếp tổn thương hệ thần kinh mà do hệ miễn dịch của chính bệnh nhân tấn công nhầm những tế bào này. Để hiểu thêm về hội chứng này, mời bạn đọc cùng theo dõi bài viết sau của Bác sĩ Phan Văn Giáo.

Tổng quan về hội chứng thần kinh cận ung

Hội chứng này gồm nhiều rối loạn khác nhau xuất hiện trên bệnh nhân ung thư. Bên cạnh hệ thần kinh, hội chứng cận ung cũng có thể ảnh hưởng đến các cơ quan khác như: các hormone (hệ nội tiết), da liễu, hệ máu và khớp.

Nguyên nhân của hội chứng này là khi hệ thống miễn dịch tạo ra tác nhân chống lại tế bào ung thư, các tác nhân này cũng tấn công hệ thần kinh như não, tuỷ sống, dây thần kinh ngoại vi hoặc cơ bắp.

Tuỳ thuộc vào vị trí hệ thần kinh bị ảnh hưởng, hội chứng này có thể gây ra các vấn đề như bất thường khi vận động hoặc phối hợp cơ, rối loạn cảm giác, trí nhớ, rối loạn khả năng tư duy hay đôi khi ảnh hưởng giấc ngủ của người bệnh.

Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ của chúng tôi

Tổn thương hệ thần kinh có thể hồi phục nhờ điều trị ung thư và tác động lên hệ miễn dịch. Tuy nhiên, căn bệnh này cũng có thể dẫn đến tổn thương hệ thần kinh nghiêm trọng trong thời gian ngắn và không thể hồi phục.

Nhưng dù sao thì việc điều trị bệnh ung thư nền và những can thiệp khác cũng mang lại nhiều lợi ích to lớn. Nếu được điều trị phù hợp, bác sĩ có thể ngăn ngừa những tổn thương mới và cải thiện triệu chứng, cải thiện chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.

Hội chứng thần kinh cận ung do hệ thần kinh bị tổn thương

Hội chứng thần kinh cận ung gồm những triệu chứng gì?

Những triệu chứng trong hội chứng này đôi khi diễn tiến nhanh chóng. Thời gian có thể trong vòng vài ngày đến vài tuần. Các triệu chứng thường xuất hiện ngay cả trước khi bệnh ung thư căn nguyên được chẩn đoán.

Các triệu chứng rất đa dạng, tuỳ thuộc vào vị trí tổn thương thần kinh trên cơ thể:

  • Đi lại khó khăn.
  • Mất khả năng phối hợp cơ.
  • Khó duy trì cân bằng.
  • Giảm trương lực cơ hoặc yếu cơ.
  • Mất kỹ năng vận động tinh tế, chẳng hạn như nhặt lên một vật nào đó.
  • Khó nuốt.
  • Nói ngọng hoặc nói lắp.
  • Mất trí nhớ và suy giảm khả năng nhận thức.
  • Bất thường thị lực.
  • Rối loạn giấc ngủ.
  • Co giật.
  • Ảo giác.
  • Các cử động tự ý bất thường.

Hội chứng thần kinh cận ung có thể gây giảm trí nhớ hay giảm khả năng nhận thức

Một số dạng của hội chứng thần kinh cận ung

  • Thoái hoá tiểu não. Những tế bào tiểu não kiểm soát hoạt động cơ và cân bằng cơ thể. Việc mất đi những tế bào tiểu não trong thể bệnh này gây ra các triệu chứng như đi đứng không vững, mất khả năng phối hợp cơ bắp ở tay chân, không thể duy trì tư thế,…
  • Viêm não tuỷ. Thể bệnh này vừa gây viêm não vừa ảnh hưởng tuỷ sống.
  • Hội chứng rung giật nhãn cầu – giật cơ. Hội chứng này có nguyên nhân từ rối loạn tiểu não hoặc các đường thần kinh liên kết tiểu não. Triệu chứng gồm cử động mắt nhanh và không đều, giật cơ không tự chủ ở tay chân.
  • Hội chứng người cứng. Hội chứng người cứng đặc trưng bởi cứng cơ tiến triển ở các cơ cột sống và chân. Thể bệnh này cũng gây ra những cơn co thắt cơ đau đớn.
  • Bệnh lý tuỷ. Đây là một thể bệnh liên quan đến những tổn thương giới hạn ở tuỷ sống. Tuỳ thuộc vào mức độ tổn thương, người bệnh có thể bị rối loạn chức năng ruột và bàng quang, yếu cơ và rối loạn cảm giác nhiều mức độ. Nếu tủy cổ bị tổn thương, người bệnh có thể bị mất khả năng hoạt động tứ chi.
  • Hội chứng Lambert-Eaton. Hội chứng này do bất thường điểm nối thần kinh – cơ. Các triệu chứng gồm yếu cơ chi dưới, mệt mỏi, khó nuốt, khó nói và bất thường vận nhãn. Ngoài ra người bệnh có thể bị rối loạn hệ thần kinh thực vật như khô miệng. Nếu có liên quan đến ung thư, hội chứng Lambert-Eaton thường liên quan đến ung thư phổi.

Những dạng khác của hội chứng này có thể gặp:

  • Viêm não hệ viền. Thể bệnh này ảnh hưởng hệ viền, là nơi kiểm soát cảm xúc, hành vi và chức năng ghi nhớ. Khi bị rối loạn này, người bệnh sẽ thay đổi tính cách hoặc rối loạn khí sắc, mất trí nhớ, co giật, ảo giác hoặc buồn ngủ.
  • Bệnh nhược cơ. Bệnh này do hiện tượng gián đoạn giữa đầu tận dây thần kinh và cơ. Triệu chứng có thể gặp như yếu cơ và cơ nhanh mỏi sau một thời gian hoạt động. Thường gặp ở cơ mặt, mắt, tay và chân. Các cơ liên quan đến nhai, nuốt, nói và hô hấp cũng có thể bị ảnh hưởng. Nếu có nguyên nhân từ ung thư, bệnh nhược cơ thường do ung thư tuyến ức.
  • Bệnh tăng trương lực cơ thần kinh. Bệnh này còn được gọi là hội chứng Isaacs, đặc trưng bởi các xung thần kinh ngoại vi bất thường kiểm soát hoạt động cơ. Những xung thần kinh này có thể gây ra co giật, cơ gợn sóng, cứng cơ dần dần, chuột rút…
  • Bệnh thần kinh ngoại biên. Bệnh này do các tổn thương dây thần kinh xuất phát từ não hoặc tuỷ sống, dẫn truyền đến các bộ phận ngoại vi. Khi tổn thương thần kinh cảm giác, người bệnh sẽ bị đau và rối loạn cảm giác.
  • Rối loạn hệ thống thần kinh thực vật. Thần kinh thực vật kiểm soát những chức năng như nhịp tim, huyết áp, đổ mồ hôi, chức năng ruột và bàng quang. Khi hệ thần kinh thực vật bị tổn thương, các triệu chứng có thể gặp gồm huyết áp thấp, nhịp tim không đều và khó thở.

Bệnh thần kinh ngoại biên có thể gây cảm giác tê ở tay, chân

Có phải chính tế bào ung thư trực tiếp gây ra hội chứng thần kinh cận ung?

Hội chứng này không phải do tế bào ung thư trực tiếp gây ra hay do biến chứng điều trị. Thực ra, hội chứng thần kinh cận ung xảy ra là hệ quả từ việc tế bào ung thư kích hoạt hệ miễn dịch cơ thể.

Sau khi được kích hoạt, hệ miễn dịch tạo ra các thành phần chống lại tế bào ung thư. Những thành phần này thường là kháng thể và bạch cầu như tế bào lympho T. Tuy nhiên chúng không chỉ tấn công tế bào ung thư như mục đích ban đầu mà những thành phần này còn tấn công cả những tế bào của hệ thần kinh và gây ra hội chứng thần kinh cận ung.

Bất kỳ bệnh ung thư nào cũng có thể gây ra hội chứng thần kinh cận ung. Tuy nhiên hội chứng này thường gặp hơn trong những loại ung thư như phổi, buồng trứng, ung thư vú, tinh hoàn hoặc hệ bạch huyết.

Chẩn đoán hội chứng thần kinh cận ung như thế nào?

Để chẩn đoán hội chứng này, bác sĩ sẽ khám sức khoẻ bệnh nhân và làm xét nghiệm máu. Ngoài ra, chọc dò tuỷ sống hoặc các xét nghiệm hình ảnh học cũng cần thiết để chẩn đoán hội chứng và tìm nguyên nhân.

Vì hội chứng này liên quan đến bệnh ung thư, bác sĩ có thể sẽ thực hiện một số xét nghiệm tầm soát ung thư dựa trên độ tuổi và yếu tố nguy cơ của người bệnh.

1. Khám lâm sàng

Bác sĩ sẽ khám tổng trạng cũng như khám hệ thần kinh, hỏi bệnh và tiến hành những bài kiểm tra nhỏ để đánh giá những chức năng như:

  • Phản xạ.
  • Sức cơ.
  • Trương lực cơ.
  • Xúc giác.
  • Thị giác và thính giác.
  • Khả năng phối hợp động tác.
  • Khả năng giữ thăng bằng.
  • Khí sắc.
  • Trí nhớ.

Khám hệ thần kinh để chẩn đoán Hội chứng thần kinh cận ung

2. Xét nghiệm

Bác sĩ sẽ làm những xét nghiệm sau:

  • Xét nghiệm máu. Mẫu máu được xét nghiệm cho nhiều mục đích khác nhau. Chẳng hạn xét nghiệm tìm kháng thể liên quan hội chứng cận ung. Ngoài ra xét nghiệm còn để xem bệnh nhân có bị nhiễm trùng, rối loạn hormone hoặc rối loạn chuyển hoá không.
  • Chọc dò tuỷ sống. Thủ thuật này để lấy mẫu dịch não tuỷ (một loại chất lỏng có chức năng đệm cho não và tuỷ sống). Nguyên nhân là vì đôi khi một số loại kháng thể cận ung có thể xuất hiện trong dịch não tuỷ. Việc phát hiện kháng thể trong cả máu và dịch não tuỷ là bằng chứng mạnh cho mối liên quan giữa triệu chứng thần kinh và hệ miễn dịch.

3. Hình ảnh học

Bác sĩ sử dụng hình ảnh học để tìm kiếm khối u gây ra hội chứng này hoặc xác định những yếu tố liên quan. Có thể làm một hoặc nhiều xét nghiệm hình ảnh sau:

  • Chụp cắt lớp vi tính (CT): sử dụng tia X để tạo hình ảnh cắt ngang của cơ thể.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI): sử dụng từ trường và sóng vô tuyến. Những sóng này tạo hình ảnh cắt ngang hoặc hình ảnh 3D chi tiết.
  • Chụp cắt lớp positron (PET): sử dụng các chất phóng xạ tiêm vào máu để tạo hình ảnh chi tiết của cơ thể. PET giúp xác định khối u, đo sự trao đổi chất trong mô, hiển thị lưu lượng máu và xác định vị bất thường của não liên quan động kinh.
  • Chụp PET kết hợp với CT: giúp tăng tỷ lệ phát hiện những khối ung thư nhỏ vốn thường gặp ở bệnh nhân có hội chứng thần kinh cận ung.

Chụp CT, MRI hay PET giúp tìm nguyên nhân Hội chứng thần kinh cận ung

Nếu không tìm ra khối u ác tính nào hoặc không xác định được căn nguyên, có thể nguyên nhân là một khối u nhỏ đến mức không thể phát hiện. Kích thước khối u nhỏ có thể do chính hệ thống miễn dịch hoạt động mạnh mẽ giữ nó không to lên. Do đó bác sĩ sẽ làm xét nghiệm hình ảnh học mỗi ba đến sáu tháng để theo dõi cho đến khi xác định được nguyên nhân.

Những phương pháp điều trị hội chứng thần kinh cận ung

Mục tiêu điều trị là giải quyết ung thư, có thể kèm với ức chế phản ứng miễn dịch và giảm triệu chứng trong một số trường hợp. Việc điều trị phụ thuộc vào dạng hội chứng bệnh nhân mắc phải.

1. Sử dụng thuốc

Bên cạnh những thuốc dùng trong hoá trị ung thư, bác sĩ sẽ cho bệnh nhân dùng những thuốc sau để ngăn cản hệ miễn dịch tấn công hệ thần kinh:

  • Corticosteroid: có tác dụng kháng viêm. Tác dụng phụ nếu sử dụng thời gian dài gồm loãng xương, đái tháo đường type 2, tăng huyết áp và tăng cholesterol.
  • Thuốc ức chế miễn dịch: có tác dụng làm chậm quá trình tạo tế bào bạch cầu. Tác dụng phụ nhóm thuốc này là tăng nguy cơ bị nhiễm trùng.

Ngoài ra, tuỳ thuộc người bệnh có triệu chứng gì mà bác sĩ sẽ cho dùng những thuốc như:

  • Thuốc chống co giật: giúp kiểm soát cơn co giật.
  • Thuốc tăng dẫn truyền thần kinh qua khe synap: giúp cải thiện các triệu chứng liên quan cơ bắp. Loại thuốc này có hai cơ chế: tăng giải phóng chất dẫn truyền thần kinh hoặc giảm phá huỷ các chất đó.

2. Những phương pháp điều trị khác

  • Lọc huyết tương. Phương pháp này gồm quá trình tách phần lỏng (huyết tương) khỏi các tế bào máu. Sau đó, các tế bào máu được đưa lại vào cơ thể; phần huyết tương bị loại bỏ và thay thế bằng chất lỏng đặc biệt khác. Lý do là vì trong huyết tương chứa các kháng thể bất thường nên cần phải thay thế để loại bỏ những kháng thể này.
  • Tiêm globulin miễn dịch (IVIG). Globulin miễn dịch là các kháng thể bình thường, giúp phá huỷ các kháng thể gây hại trong máu bệnh nhân.
  • Vật lý trị liệu. Những bài tập được thiết kế để giúp bệnh nhân hồi phục lại những cơ bị giảm chức năng.
  • Liệu pháp ngôn ngữ. Nếu bệnh nhân bị khó nói hoặc khó nuốt, các chuyên gia có thể giúp người bệnh học cách kiểm soát lại những hành động này.

Biểu hiện của hội chứng thần kinh cận ung rất đa dạng, tuỳ thuộc vào vị trí nào của hệ thần kinh bị tổn thương. Thông thường, những triệu chứng của hội chứng này xuất hiện sớm hơn cả khi bệnh ung thư tiềm ẩn được chẩn đoán. Do đó, bạn nên đi gặp bác sĩ sớm nếu có những triệu chứng trên để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Hy vọng bài viết đã cung cấp cho bạn những thông tin cần thiết bề hội chứng thần kinh cận ung.

Hội chứng khóa trong rối loạn thần kinh mà bạn cần nên lưu ý

Hội chứng chèn ép dây thần kinh mà bạn cần biết

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *