Theo nghiên cứu, người trưởng thành nên ngủ ít nhất 7 giờ mỗi đêm. Tuy nhiên, hiện nay tỷ lệ người mất ngủ ngày càng tăng cao, xuất hiện ở mọi lứa tuổi gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như chất lượng cuộc sống. Vậy làm thế nào để trị mất ngủ ban đêm hiệu quả để có một sức khỏe tốt cũng như tinh thần sảng khoái bắt đầu cho một ngày mới tốt hơn? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu nhé!
1. Tìm hiểu về bệnh mất ngủ ban đêm
Mất ngủ ban đêm là tình trạng rối loạn giấc ngủ với nhiều dạng hình thức khác nhau như khó đi vào giấc ngủ, giấc ngủ không sâu, ngủ chập chờn, giấc ngủ đêm ngắn chỉ kéo dài khoảng 3 – 4 giờ… Mất ngủ được xem là một tình trạng bệnh lý khi tình trạng này kéo dài hơn 3 lần trong tuần và diễn ra dài hơn một tháng.
Trong cuộc sống có nhiều vấn đề căng thẳng, mệt mỏi, khiến người ta phải suy nghĩ nhiều dẫn đến những trăn trở, khó ngủ, ngủ không ngon giấc, ngủ không sâu… nhưng đây chưa được xem là rối loạn giấc ngủ hay bệnh lý mất ngủ. Trung bình, mỗi người sẽ cần ngủ khoảng 6 – 9 tiếng mỗi đêm để giúp cơ thể được nghỉ ngơi, cân bằng yếu tố nội sinh, ngoại sinh, dao động nhịp sinh học ngày – đêm, đảm bảo hoạt động của não bộ và cơ thể ở trạng thái thức tỉnh tốt nhất.
Những triệu chứng mất ngủ về đêm như:
- Khó đi vào giấc ngủ, trằn trọc, phải thao thức rất lâu, có thể là vài giờ đồng hồ mới có thể chìm vào giấc ngủ;
- Ngủ chập chờn, giấc ngủ không sâu, thường xuyên bị tỉnh giấc vào ban đêm và khó đi ngủ trở lại;
- Bị thức giấc sớm và không có cảm giác đã đi vào giấc ngủ;
- Buổi tối rất khó để đi ngủ nhưng ban ngày lại hay buồn ngủ, ngủ gà ngủ gật;
- Cơ thể mệt mỏi, đặc biệt là sau khi thức dậy, không có sức sống, dễ bực bội, nóng giận, cáu gắt, lo lắng, buồn chán,…
- Suy giảm trí nhớ, khả năng tập trung kém;
- Căng thẳng đầu óc, nhức đầu;
- Luôn cảm thấy lo lắng thái quá về trạng thái giấc ngủ của bản thân.
2. Nguyên nhân gây mất ngủ ban đêm
Mất ngủ có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân. Một số nguyên nhân phổ biến có thể kể đến như:
2.1. Căng thẳng, áp lực kéo dài
Mất ngủ có thể sẽ xuất hiện khi bản thân gặp nhiều áp lực trong công việc, học tập, nhiều vấn đề của gia đình và xã hội. Khi cơ thể bị căng thẳng đồng nghĩa với việc não bộ sẽ phải hoạt động một cách liên tục, lúc này hệ thần kinh trung ương sẽ luôn cảm thấy hưng phấn khiến cho việc đi vào giấc ngủ sẽ khó khăn hơn rất nhiều.
Ngoài ra, khi cơ thể bị căng thẳng, áp lực quá mức, hệ thần kinh sẽ tăng sản xuất và phóng thích nội tiết tố như cortisol, adrenalin… để đáp ứng với nhu cầu của cơ thể. Khi các hormone này được tiết ra với cường độ cao và kéo dài sẽ gây ra nhiều sự rối loạn khác và khiến cơ thể rơi vào trạng thái mất ngủ.
2.2. Thay đổi nội tiết tố
Đối với nữ giới, đặc biệt là người đang ở giai đoạn tiền mãn kinh, mãn kinh, phụ nữ đang mang thai hoặc sau sinh sẽ dễ bị chứng mất ngủ về đêm. Nguyên nhân là bởi trong những thời kỳ này nội tiết tố của phụ nữ sẽ bị thay đổi thất thường.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, tình trạng rối loạn nội tiết tố sẽ dễ gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến sức khoẻ như đau khớp, dễ bị bốc hoả, căng thẳng, lo âu, stress,… Đồng thời, đây cũng là nguyên nhân hàng đầu gây mất ngủ ở phụ nữ.
2.3. Thói quen ngủ không lành mạnh
Nhiều người có những thói quen ngủ không lành mạnh, dễ dẫn đến tình trạng mất ngủ về đêm như:
- Thường xuyên thức khuya, ngủ ít, ngủ không đủ giấc;
- Sử dụng các thiết bị điện tử trước khi đi ngủ;
- Vận động mạnh quá mức trước thời gian đi ngủ;
- Sử dụng các chất kích thích, rượu bia, trà, cà phê trước khi ngủ;
- Ăn quá no hoặc ăn những món khó tiêu ngay sát thời gian đi ngủ;
- Không gian ngủ không tốt, nơi có nhiều tiếng ồn, bụi bẩn, có nhiều ánh sáng, quá lạnh hoặc quá nóng…
2.4. Mắc một số bệnh lý
Nhiều bệnh lý có thể là nguyên nhân gây ra mất ngủ về đêm như bệnh tiểu về đêm, bệnh gout, viêm khớp, trào ngược dạ dày thực quản, các bệnh lý về hô hấp…
Ngoài ra, tình trạng mất ngủ hoặc khó ngủ về đêm cũng có thể là dấu hiệu nhận biết của những bệnh lý khác như trầm cảm, rối loạn lo âu, thiểu năng tuần hoàn não… Vì thế, khi xuất hiện các triệu chứng mất ngủ và kéo dài, bạn nên cân nhắc đến vấn đề gặp bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám và tư vấn phù hợp.
3. Cách trị mất ngủ ban đêm
Để điều trị mất ngủ về đêm có thể kết hợp nhiều phương pháp khác nhau. Thông thường, các bác sĩ sẽ thường kết hợp phương pháp sử dụng thuốc và thay đổi lối sống để mang lại kết quả điều trị tốt nhất.
3.1. Điều trị bằng thuốc
Một số loại thuốc có tác dụng an thần, thư giãn, có thể sử dụng để điều trị các triệu chứng mất ngủ về đêm như:
- Thuốc an thần: Có tác dụng đưa người bệnh đi vào giấc ngủ gần như là ngay lập tức, phù hợp cho các trường hợp mất ngủ ở mức độ nhẹ hoặc mất ngủ ngắn hạn. Một số thuốc như bromazepam, diazepam, rotunda, clonazepam… Một số thuốc thuộc nhóm an thần mới như Olanzapine, amisulpride, quetiapine… thường được chỉ định trong trường hợp mất ngủ do trầm cảm, rối loạn lo âu lan tỏa, chán ăn tâm lý.
- Thuốc ngủ: Được sử dụng để điều trị mất ngủ cấp tính.
- Thuốc chống trầm cảm ba vòng: Các thuốc như clomipramine, mirtazapine… là những thuốc điển hình của nhóm này. Thuốc thức cho tác dụng sau 3 – 4 tuần sử dụng.
- Thuốc kháng histamin: Một số thuốc như promethazin, clorpheniramin, dimedrol… là những thuốc thuộc nhóm chống dị ứng nhưng có tác dụng phụ gây ngủ khá mạnh, thường được chỉ định cho các bệnh nhân mất ngủ do ngứa nhiều khi mắc các bệnh lý như hắc lào, eczema, tổ đỉa…
Những loại thuốc này chỉ nên sử dụng khi có chỉ định từ các bác sĩ chuyên khoa. Nếu tự ý sử dụng, sử dụng không đúng liều lượng có thể gây ra những tác dụng phụ không mong muốn, gây trầm trọng hơn tình trạng mất ngủ hoặc thậm chí là gây nguy hiểm đến tính mạng.
3.2. Điều trị không dùng thuốc
Để điều trị mất ngủ ban đêm nhưng không dùng thuốc cần xây dựng những thói quen lành mạnh, lối sống khoa học và suy nghĩ tích cực.
- Cân bằng thời gian làm việc và thời gian nghỉ ngơi. Không nên làm việc quá sức khiến cơ thể bị căng thẳng, hãy dành thời gian cho cơ thể được thư giãn, thoải mái.
- Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, khoa học, đầy đủ dưỡng chất thiết yếu, tránh những đồ ăn độc hại, chất kích thích.
- Không nên ăn quá no, sử dụng các chất kích thích, rượu bia, trà, cà phê… vào buổi tối, đặc biệt là lúc gần đi ngủ.
- Loại bỏ những yếu tố gây mất ngủ, không nên sử dụng thiết bị điện tử gần lúc đi ngủ. Nên thư giãn đầu óc, giải tỏa căng thẳng bằng việc đọc sách, nghe nhạc để dễ ngủ và ngủ ngon hơn.
- Vận động thể chất, tập luyện thể thao để có một sức khỏe tốt, tinh thần thoải mái, hỗ trợ lưu thông tuần hoàn, từ đó giúp việc đi ngủ trở nên dễ dàng hơn.
- Chọn không gian ngủ thoải mái, sạch sẽ, yên tĩnh, nhiệt độ vừa phải và ánh sáng thích hợp. Đôi khi có thể kết hợp thêm tinh dầu hoặc nến thơm để thư giãn đầu óc, giúp giấc ngủ trở nên sâu hơn, trọn vẹn hơn.
- Áp dụng một số liệu pháp trị liệu tâm lý, giúp cải thiện các triệu chứng về giấc ngủ. Thông qua liệu pháp, các chuyên gia sẽ tiến hành trò chuyện, trao đổi trực tiếp với người bệnh để tìm ra được nguyên nhân sâu xa gây mất ngủ, từ đó đưa ra cách giải quyết giúp cải thiện giấc ngủ hiệu quả.
Bài viết trên đã cung cấp những thông tin về mất ngủ và các cách trị mất ngủ ban đêm hiệu quả. Những biện pháp trên chỉ mang tính chất hỗ trợ một phần tình trạng mất ngủ. Nếu tình trạng này diễn ra lâu dài, áp dụng nhiều biện pháp vẫn không khắc phục được bạn nên đến gặp các bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám, tư vấn và đưa ra biện pháp điều trị phù hợp nhất, giúp người bệnh sớm lấy lại được cuộc sống vui vẻ, khỏe mạnh và tràn đầy năng lượng.