Bệnh hoang tưởng tự cao: Nguyên nhân, biểu hiện và cách chữa trị

Bệnh hoang tưởng tự cao không phải là một rối loạn tâm thần riêng biệt. Đây thường là biểu hiện của một số bệnh khác như rối loạn lưỡng cực, tâm thần phân liệt,… Vậy đâu là những biểu hiện của tình trạng này? Điều trị chúng như thế nào? Hãy theo dõi cùng Chuyên viên Tâm lý Nguyễn Thị Hương nhé!

Bệnh hoang tưởng tự cao là gì?

Hoang tưởng tự cao (Grandiose delusion) là tình trạng một người luôn có các ý nghĩ sai lệch về bản thân. Trong đó, phổ biến là họ thường cho rằng bản thân rất tài giỏi, giàu có, sở hữu các khả năng đặc biệt,… Với sự chi phối của các ý nghĩ này, bệnh nhân cũng sẽ có các hành vi tương ứng. Những người này thường đề cao bản thân họ quá mức và đạt đến ngưỡng hoang tưởng.1

Nhìn chung, đây chắc chắn là một dấu hiệu của rối loạn tâm thần. Tuy nhiên chúng liên quan đến một hoặc nhiều bệnh khác nhau như:1 2

  • Rối loạn lưỡng cực.
  • Tâm thần phân liệt.
  • Sa sút trí tuệ.
  • Mê sảng
  • Trầm cảm nặng.

Một người có dấu hiệu tự cao cần được đưa đến gặp bác sĩ chuyên môn để có thể chẩn đoán và điều trị.

Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Tâm lý, tải ngay ứng dụng YouMed.

Bệnh hoang tưởng tự cao là một dạng rối loạn tâm thần

Các dạng bệnh hoang tưởng tự cao

Hoang tưởng tự cao có nhiều dạng, cụ thể như sau:1

  • Tin rằng mình có khả năng đặc biệt: Người bệnh tin rằng họ có tài năng hoặc khả năng đặc biệt mà không ai biết. Chẳng hạn như họ tin rằng mình có thể du hành xuyên thời gian, đọc suy nghĩ của người khác,…
  • Tin rằng mình là một người nổi tiếng hoặc có vai trò quan trọng trong xã hội.
  • Tin rằng họ có một sự kết nối bí mật: Người bệnh có một vai trò hoặc một mối quan hệ bí mật với ai hoặc điều gì đó rất quan trọng.
  • Niềm tin liên quan đến tôn giáo: Người bệnh có thể cho rằng bản thân là một lãnh đạo tôn giáo.

Triệu chứng của bệnh hoang tưởng tự cao

Bên cạnh niềm tin sai lệch về bản thân, người bệnh còn có các triệu chứng dễ nhận biết khác:2

  • Niềm tin dai dẳng vào ý nghĩ ảo tưởng của mình, bất chấp việc có các bằng chứng trái ngược.
  • Giận dữ hoặc gây hấn với những người không chấp nhận niềm tin hoang tưởng của họ.
  • Có cách cư xử như thể niềm tin của họ đang đúng.
  • Luôn nỗ lực để khiến người xung quanh chấp nhận niềm tin ảo tưởng của mình.
  • Khó hòa hợp với người khác vì các ý nghĩ xa rời thực tế.
  • Trải qua những ảo tưởng khác.

Người bệnh hoang tưởng tự cao thường cư xử đúng như niềm tin của mình, bất chấp thực tế

Nguyên nhân và những căn bệnh có liên quan đến hoang tưởng tự cao

Theo ước tính, có khoảng 10% dân số có các biểu hiện của bệnh hoang tưởng tự cao. Tuy nhiên, chúng không xuất hiện riêng rẽ mà có liên quan đến các căn bệnh tâm thần hoặc tổn thương não.2 3

1. Tâm thần phân liệt

Đây là một dạng rối loạn tâm thần đặc trưng bởi hiện tượng ảo tưởng, ảo giác và khó khăn trong việc phân biệt tưởng tượng và thực tế. Trong đó, hoang tưởng tự cao chiếm khá nhiều trong số các triệu chứng của tâm thần phân liệt. Chúng thường gặp ở những người có lòng tự trọng cao và ít trầm cảm.

Ở chiều ngược lại, những người có lòng tự trọng thấp và trầm cảm nặng thường có hoang tưởng bị ngược đãi.

2. Rối loạn hoang tưởng

Đây cũng là một dạng bệnh mà có thể có các triệu chứng của hoang tưởng tự cao. Tuy nhiên, chúng sẽ không đi kèm ảo giác như ở bệnh tâm thần phân liệt.

3. Rối loạn lưỡng cực

Khoảng hơn 2/3 những người bị rối loạn lưỡng cực có biểu hiện của bệnh hoang tưởng tự cao. Các biểu hiện này thường xuất hiện trong giai đoạn hưng cảm. Lúc này, người bệnh đôi khi còn có thêm các hiện tượng như hưng phấn quá đà, khó ngủ, tiêu rất nhiều tiền…

4. Rối loạn nhân cách ái kỷ

Những người mắc chứng rối loạn nhân cách ái kỷ thường có niềm tin quá mức về tầm quan trọng của bản thân. Họ tin rằng bản thân là người đặc biệt, độc nhất vô nhị và thiếu sự đồng cảm với người khác. Đây cũng là một trong những biểu hiện của hoang tưởng tự cao.

5. Sa sút trí tuệ

Chứng sa sút trí tuệ làm giảm khả năng nhận thức của người bệnh. Do đó, khi bệnh tiến triển, một số người sẽ có các biểu hiện hoang tưởng về bản thân.

6. Chấn thương não

Các chấn thương não có thể dẫn đến việc người bệnh bị ảo tưởng, ảo giác, thay đổi tính cách… Tổn thương não có thể đến từ tai nạn, đột quỵ, u não…

Sa sút trí tuệ ở người lớn tuổi cũng có thể dẫn đến hoang tưởng tự cao

Chữa trị bệnh hoang tưởng tự cao như thế nào?

Hoang tưởng tự cao có thể khó điều trị. Do đặc trưng là ảo tưởng về bản thân, người bệnh khó có thể tiếp nhận việc hỗ trợ từ bác sĩ. Tuy nhiên, thuốc và các liệu pháp tâm lý có thể hỗ trợ trong trường hợp này.1 2

Thuốc

Một số loại thuốc chữa rối loạn tâm thần thường hữu ích đối với bệnh hoang tưởng tự cao. Bên cạnh đó, người bệnh có thể cần thêm thuốc ổn định cảm xúc. Việc sử dụng loại thuốc nào phụ thuộc vào nguyên nhân cũng như các yếu tố liên quan đến bệnh.

Tâm lý trị liệu

Một số nghiên cứu cho thấy liệu pháp nhận thức hành vi có tác dụng tích cực trong việc điều trị căn bệnh này. Ngoài ra, liệu pháp nhóm cũng có thể giúp người bệnh nhận diện tình trạng của mình. Từ đó, họ có thể xây dựng mối quan hệ tốt hơn với người khác.

Một người bị bệnh hoang tưởng tự cao không hề biết rằng những ý nghĩ và hành vi của mình không bình thường. Chính điều đó khiến cho việc điều trị căn bệnh này trở nên khó khăn hơn. Tuy vậy, nếu được chẩn đoán và hỗ trợ đúng cách, các triệu chứng của người bệnh có thể thuyên giảm và trở lại cuộc sống lành mạnh.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *